Trình tự, thủ tục giải quyết đơn thư của Hội LHPN Việt Nam

09/09/2009
(Tài liệu dùng cho cán bộ Hội)

1. Căn cứ pháp lý

1.1. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Luật khiếu nại, tố cáo (năm 1998, 2004, 2005)

- Nghị định số 136/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các luật sửa đổi, bổ sung

- Quyết định số 363/QĐ - ĐCT ngày 1/8/2008 của Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành kỷ luật trong hệ thống Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

1.2. Một số quy định cụ thể về trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội

- Điều 91, Luật khiếu nại, tố cáo:

Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của mặt trận có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo; khi nhận được khiếu nại, tố cáo thì nghiên cứu chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Khiếu nại, tố cáo do Uỷ ban MTTQ VN, các tổ chức thành viên của mặt trận chuyển đến được người giải quyết khiếu nại, tố cáo xem xét, giải quyết và trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức chuyển đơn đến biết kết quả giải quyết; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì tổ chức đã chuyển đơn có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết; cơ quan , tổ chứchữu quan có trách nhiệm trả lời kiến nghị đó trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết.

-Điều 7, Nghị định 136:

Cơ quan nhà nước nhận được đơn khiếu nại do đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận hoặc các cơ quan báo chí chuyển đến nếu thuộc thẩm quyền giải quyết thì thụ lý giải quyết và thông báo cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã chuyển đơn đến biết; nếu đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì gửi trả lại và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã chuyển đơn đến biết.

2. Nguồn đơn thư:

Đơn thư của công dân, tổ chức gửi đến Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông qua các nguồn sau:

- Qua đường bưu điện;

- Gửi trực tiếp tại cơ quan (thông qua Phòng Tiếp công dân, văn thư hoặc Ban, đơn vị có nhiệm vụ tham mưu giải quyết);

- Do các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Đại biểu, Đoàn đại biểu, các cơ quan của Quốc hội;  Đại biểu Hội đồng nhân dân; Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan Trung ương; cơ quan báo chí... chuyển đến.

3. Trình tự tiếp nhận, giải quyết đơn thư:

3.1. Phân loại đơn thư:

Có nhiều cách để phân loại đơn thư. Dưới đây giới thiệu một số cách phân loại cơ bản.

a) Theo tính chất khiếu nại, tố cáo, đơn thư phân thành hai loại:

Loại 1:Đơn khiếu nại, tố cáo gồm:

- Đơn khiếu nại (thế nào là đơn khiếu nại căn cứ theo quy định tại khoản 1, điều 2, Luật Khiếu nại, tố cáo);

- Đơn tố cáo (thế nào là đơn tố cáo căn cứ theo quy định tại khoản 2, điều 2, Luật Khiếu nại, tố cáo);

- Đơn có cả nội dung khiếu nại và tố cáo.

Loại 2:Đơn, thư khác gồm:

- Đơn, thư phản ánh, kiến nghị;

- Thư cảm ơn;

- Đơn đề nghị giải đáp pháp luật...

b) Theo thẩm quyền giải quyết, đơn thư phân thành hai loại:

Loại 1: Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam:

- Đơn đủ điều kiện xử lý, phải giải quyết:

+ Đơn thuộc trách nhiệm giải quyết của cấp Hội nhận đơn;

+ Đơn thuộc trách nhiệm giải quyết của Hội cấp trên;

+ Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội cấp dưới.

- Đơn không đủ điều kiện xử lý, xếp lưu

Loại 2: Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam:

- Đơn đủ điều kiện xử lý:

+ Chuyển đơn thông thường

+ Kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ;

- Đơn xếp lưu

c) Theo nội dung vụ việc, đơn thư gồm:

- Đơn về hình sự;

- Đơn về dân sự;

- Đơn về hành chính;

- Đơn về lao động;

- Đơn về buôn bán phụ nữ, trẻ em;

- Đơn về hiếp dâm phụ nữ, trẻ em;

- Đơn về bạo lực gia đình;

- Đơn khiếu nại các Bản án ly hôn…

3.2. Trình tự tiếp nhận và xử lý đơn thư:

- Nhận đơn, vào sổ theo dõi

- Phân loại và xử lý sơ bộ

+ Đơn khiếu nại, tố cáo không đủ điều kiện để xử lý theo quy định của pháp luật

+ Đơn nghiên cứu để xử lý: chuyển thông thường hoặc kiến nghị bảo vệ quyền lợi cho đương sự

- Nghiên cứu đơn: đọc, tóm tắt nội dung, ghi chép nội dung vụ việc vào sổ xử lý, xác định đúng nội dung yêu cầu và thẩm quyền giải quyết

- Đề xuất hướng xử lý, soạn thảo và ban hành văn bản của Hội (nên theo mẫu thống nhất)

- Lưu hồ sơ

3.3. Thủ tục giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo:

a) Đối với đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội:

Trình tự, thủ tục giải quyết đơn này thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành kỷ luật trong hệ thống Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 363/QĐ - ĐCT ngày 1/8/2008 của Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

b) Đối với đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng thuộc trách nhiệm Hội phải xem xét xử lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các vănbản pháp luật có liên quan

Căn cứ nội dung, tích chất, loại đơn, thư mà lựa chọn quy trình giải quyết đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và phát huy được vai trò của Hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

- Quy trình xử lý đơn chuyển thông thường:

+ Đọc, tóm tắt nội dung đơn, vào sổ xử lý

+ Nghiên cứu, xác định đúng yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

+ Soạn thảo công văn chuyển đơn cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết đồng thời thông báo cho đương sự biết (nên áp dụng theo mẫu thống nhất)

+ Thời hạn xem xét chuyển đơn: 10 ngày kể từ ngày nhận đơn

- Quy trình xử lý đơn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ:

+ Đọc, tóm tắt nội dung đơn, vào sổ xử lý

+ Nghiên cứu, xác định đúng yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền giải quyết

+ Chỉ đạo, hướng dẫn Hội cấp dưới xác minh, có biện pháp can thiệp phù hợp (đối với đơn vượt cấp và trong trường hợp thấy cần thiết phải thu thập thêm thông tin để viết văn bản kiến nghị);

+ Soạn thảo văn bản: Đây là văn bản kiến nghị để bảo vệ quyền lợi nên việc thu thập các chứng cứ, đưa ra các lập luận thuyết phục là hết sức cần thiết. Trong nhiều trường hợp nếu thấy cần thiết phải lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các cộng tác viên

+ Chuyển văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền;

+ Thông báo cho đương sự

+ Thông báo cho cơ quan, tổ chức chuyển đơn (nếu có)

+ Thời hạn xem xét chuyển kiến nghị: 10 ngày kể từ ngày nhận đơn. Đặc biệt lưu ý đối với các đơn khiếu nại các Bản án sơ thẩm về ly hôn, tố cáo hành vi bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, trẻ em để ưu tiên xử lý do điều kiện hạn chế thời gian thực hiện quyền và tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm.

c) Đơn Hội cần quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ:đơn phụ nữ khiếu nại các bản án ly hôn; đơn liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em;đơn về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; đơn về hiếp dâm phụ nữ, trẻ em; đơn của phụ nữ đơn thân hoặc đơn liên quan đến phụ nữ đơn thân, gia đình chính sách; đơn do nam giới tố cáo phụ nữ vi phạm pháp luật; đơn do trẻ em gái đứng đơn

4. Công tác phối hợp giải quyết đơn thư giữa các cấp Hội, các ban, đơn vị trong cơ quan Hội:

- Hội Liên hiệp phụ nữ cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn Hội cấp dưới trực tiếp trong việc xác minh, nắm thông tin và có biện pháp can thiệp theo thẩm quyền. Đồng thời giám sát quá trình giải quyết của các cơ quan chức năng.

- Hội cấp dưới thực hiện theo sự chỉ đạo của Hội cấp trên, báo cáo kết quả về Hội cấp trên.

- Khi đơn thư gửi có liên quan đến ban, đơn vị chuyên môn nào thì ban, đơn vị đó có trách nhiệm phối hợp để giải quyết.

Ban Chính sách Luật pháp TW Hội LHPNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video