Tự hào nữ quân nhân!

22/12/2013
Họ là những phụ nữ luôn chỉnh tề theo điều lệnh, điều lệ Quân đội. Song, ở môi trường đầy tính kỷ luật ấy, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng vẫn được khắc họa rõ nét, đầy tự tin…

Nghiệp nhà binh


Những ngày cuối năm, ở các đơn vị bộ đội, đâu đâu cũng hối hả các hoạt động chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12). Xen lẫn giữa những nam quân nhân, hình ảnh các “bóng hồng” trong sắc áo lính như nét chấm phá tạo nên sự mềm mại ở nơi tưởng như chỉ đầy tính kỷ luật. Vẫn giữ được tác phong của nhà binh, song các nữ quân nhân mà chúng tôi gặp đều toát lên sự duyên dáng thường thấy ở phụ nữ Việt Nam. Cuộc sống binh nghiệp trui rèn cho họ ý chí kiên cường nhưng không vì thế mà làm mờ đi sự dịu dàng vốn có. Đến với đời binh nghiệp, mỗi người một con đường, song có một điểm chung ở nữ quân nhân đó là tình yêu màu xanh áo lính đến hết mình. Vì màu áo ấy, họ viết đơn xin tình nguyện đi bộ đội khi tuổi đời còn rất trẻ.

Với Trung úy Phạm Thị Đào, Đội trưởng Đội tuyên truyền văn hóa, văn nghệ Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng tỉnh, có lẽ 3 tháng thao trường của đời lính sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí. Ngày ấy, cách đây gần 15 năm, sau khi nhập ngũ, chị được đưa vào Tây Ninh huấn luyện. “Những ngày đầu, ai nấy đều khóc như mưa và bỏ cơm vì nhớ nhà! Nhưng đến khi bắt đầu tập luyện thì ai cũng hăng say. Dần dần, các nữ chiến sĩ cũng quen với những mệt nhọc, khổ cực của chương trình tập luyện. Cũng có lần, sau khi có lệnh báo động, chúng tôi vừa hành quân trở về, chuẩn bị đi ngủ thì tiếp tục có lệnh báo động. Sau đó, mới biết chỉ là báo động giả, vì cấp trên muốn rèn luyện tác phong nhanh nhẹn cho nữ chiến sĩ” -  chị nhớ lại. Nghe nữ trung úy trẻ hồi tưởng lại những ngày tháng đến với quân ngũ, chúng tôi hiểu rõ sự vất vả mà các nữ quân nhân nếm trải trên thao trường. Dường như những tháng ngày gian khổ ấy đã tạo thêm cho họ nghị lực, sự rắn rỏi và can trường. Thế nhưng, theo chị, “tất cả những phụ nữ đang công tác ở đây, ai vào lính cũng đều có những tháng ngày như vậy anh ạ”.

Thư viện của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, dù không mấy rộng lớn, đầu sách cũng ít nhưng được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp và khoa học. Để có được điều này, ắt hẳn không thể thiếu bàn tay của người phụ nữ, đó  là Thượng úy Hoàng Thị Thương, phụ trách thư viện. Người phụ nữ với “ánh mắt biết nói” đã dẫn dắt chúng tôi đến với biết bao kỷ niệm đời binh nghiệp qua dòng ký ức của chị. Cũng giống như chị Đào, chị Thương từ nhỏ đã hiểu rõ về người lính qua lời kể của cha mẹ và rất thích hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Chính vì thế, 21 tuổi, chị xung phong nhập ngũ, dù cha mẹ ngại ngần vì sợ con gái khổ. Trải qua 20 năm trong quân đội, chị đúc kết: “Cuộc sống và kỷ luật Quân đội đã giúp tôi lớn hơn, trưởng thành hơn”.


Đảm việc nhà

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, các nữ quân nhân làm thế nào để cân bằng giữa gia đình và công việc vốn mang tính đặc thù với “quân lệnh như sơn”. So với đồng đội nam, các nữ quân nhân luôn được chỉ huy đơn vị ưu tiên, ưu ái hơn. Tuy nhiên, đã là công việc, nhiệm vụ thì phải hoàn thành. Để có thể vừa lo việc nước, đảm việc nhà, các nữ quân nhân phải cố gắng hơn rất nhiều so với những phụ nữ khác. Thiếu tá Trần Thị Phượng (hiện đang công tác tại Đại đội Trinh sát đặc nhiệm BCH Quân sự tỉnh) là mội ví dụ. Tìm đến gia đình chị, chúng tôi thật bất ngờ với căn nhà nhỏ rất ngăn nắp. Ở cơ quan, chị luôn hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của người lính; khi ở nhà, bao năm nay chị vẫn là người vợ, người mẹ mẫu mực. Trước lúc gặp chị, chúng tôi biết chị là người phụ nữ chịu thương, chịu khó nhưng có tiếp xúc và chứng kiến gia cảnh của chị mới thật sự thán phục những gì chị đã trải qua. Cả 2 vợ chồng là bộ đội nhưng không may chồng mất sớm, hơn 10 năm nay, một mình chị phải một mình nuôi 2 con ăn học. Việc lớn, việc nhỏ trong gia đình đều do chị cáng đáng. Nỗi đau mất mát quá lớn, tưởng chừng khó có thể vượt qua, nhưng được sự động viên, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, chị Phượng nén nỗi đau để nuôi dạy con và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chị tâm sự: “Mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại tự động viên mình, nếu vượt qua được thử thách, mới thấy cuộc sống có ý nghĩa. Có những lúc con ốm, tôi nghĩ lúc này mình phải là trụ cột của gia đình. Nghĩ thế, tôi thấy mình vững chãi hơn. Bình thường, tôi luôn tranh thủ dành nhiều thời gian chăm sóc, lo lắng cho gia đình, để khi vắng nhà dài ngày cũng đỡ áy náy”. Vẫn với ánh mắt đầy can trường, song từ sâu thẳm chúng tôi hiểu chị có rất nhiều nỗi niềm. Để các con luôn chăm ngoan học giỏi, chị đã phải cố gắng gấp đôi những phụ nữ khác.

Sự vượt khó, “giỏi việc nước, đảm việc nhà” là điều thường thấy ở các nữ quân nhân. Ai trong số họ cũng đều phải cố gắng để làm trọn 2 vai, để cân bằng giữa công việc và gia đình. Họ sẵn sàng chấp nhận những hy sinh thiệt thòi cho gia đình hạnh phúc. Phần lớn những phụ nữ mang trên mình màu xanh áo lính mà chúng tôi gặp đều có chồng cùng là bộ đội, nhưng tuyệt nhiên không hề có một lời than vãn, kêu ca.

Thiếu úy trẻ Hồ Thị Mai Hiên cười rất tươi khi được hỏi về những vất vả trong công việc và gia đình: “Là phụ nữ, nhất là nữ quân nhân thì mình phải biết chấp nhận. Tất cả rồi cũng sẽ qua nếu chúng ta biết cố gắng”. Được biết, Thiếu úy Hiên từng nhiều năm phải nuôi 2 con nhỏ trong điều kiện xa nhà khi đóng quân tại Ninh Hòa hay Diên Khánh. Mãi đến cuối năm 2011, được sự quan tâm của chỉ huy đơn vị, chị mới được chuyển về Nha Trang để gia đình đoàn tụ sau nhiều năm xa cách.

Các nữ quân nhân là vậy, trước khó khăn không làm chùn bước, luôn thể hiện ý chí và phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ.

 

“Hát mãi khúc quân hành”

 

Đời quân ngũ vất vả như thế nhưng những “bóng hồng” trong lực lượng vũ trang mà chúng tôi gặp luôn cháy bỏng tình yêu với con đường mà mình đã chọn. Họ khẳng định, nếu được chọn lại, vẫn một lòng đi theo “khúc quân hành”, xin trọn đời trong màu xanh áo lính. Thượng úy Hoàng Thị Thương chia sẻ: “Để đeo đuổi cái nghiệp “rất đàn ông” này, phải kiên định và có tình yêu thực sự mới theo đuổi được lâu dài. Nhiều người hỏi tại sao phụ nữ lại theo con đường binh nghiệp, tôi chỉ biết... cười và nói rằng mỗi nghề có một niềm vui riêng. Tôi tự hào là một quân nhân và mong mỏi khi con cái trưởng thành, sẽ tiếp nối con đường của mình”.

Chính những ý chí kiên cường của các nữ quân nhân đã làm tươi đẹp thêm trang sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, các chị cũng là niềm tự hào của các quân nhân nam. Đại tá Lê Như Hải - Chính ủy BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Các nữ quân nhân đã góp một phần quan trọng trong sự lớn mạnh và phát triển của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh nói riêng và lực lượng quân đội nói chung. Trong môi trường khô cứng, kỷ luật, chị em đã làm cho nhiệm vụ, công việc của người lính trở nên mềm mại”. Thượng tá Bùi Xuân Gia - Phó Chủ nhiệm Chính trị BCH Quân sự tỉnh lại chia sẻ, cảm thông cùng các đồng đội nữ: “Người lính hôm nay ít mất mát, hy sinh như thế hệ cha anh, nhưng dù thời chiến hay thời bình, dù nam hay nữ đều chung nhiệm vụ sẵn sàng nhận lệnh đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần. Nữ quân nhân có thể được ưu ái hơn, song chuẩn mực, tác phong, sự rèn luyện đều đòi hỏi không thua kém nam. Các chị em ở BCH Quân sự tỉnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, họ đã tiếp nối truyền thống mà các thế hệ cha, anh để lại”.

Nói về những nữ quân nhân trong những ngày truyền thống này, chúng tôi bất chợt nhớ tới lời bài hát “Hát mãi khúc quân hành”. Câu hát rực lửa và đầy rung cảm với bao thế hệ người Việt Nam càng trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn khi chúng tôi được gặp gỡ các nữ quân nhân thời bình. Giữa cuộc sống bộn bề và sôi động, họ vẫn ngày đêm thầm lặng góp phần bảo vệ và gìn giữ sự bình yên cho Tổ quốc hôm nay.

 

Theo baokhanhhoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video