Tượng đài của lòng dũng cảm, của ý chí kiên cường trên đất Cố đô

22/11/2011
Đã 43 năm trôi qua kể từ trận đánh đầu tiên trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 với sự tham gia của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương, những chiến công hiển hách của các chị được nhân dân cả nước và bạn bè khắp năm châu ái mộ, tôn vinh là Tượng đài của lòng dũng cảm, của ý chí anh dũng kiên cường.

Ghi nhận những cống hiến to lớn ấy, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân.

Ký ức một thời máu lửa

Trong ngôi nhà nhỏ số 131/1 Bà Triệu nằm khuất trong hẻm, chúng tôi gặp người phụ nữ gầy, giản dị, đôi mắt thâm quầng vì bệnh tật. Chị là Hoàng Thị Nở, người đã từng cầm súng dọc ngang chống lại cả tiểu đoàn lính Mỹ cùng xe tăng - thiết giáp hiện đại. Tổ ấm của gia đình hiện nay cũng là nơi ngày xưa chị cùng đồng đội từng vào sinh ra tử để chiến đấu. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, chị công tác ở Hội Nông dân TP Huế gần 20 năm và làm Hội thẩm Tòa án nhân dân cho đến lúc nghỉ hưu. Chồng chị là Thiếu tá quân đội đã nghỉ hưu Nguyễn Công Xanh. Hai người con gái của chị nay đã yên bề gia thất.

Khi được hỏi về những năm tháng chiến đấu ác liệt, chị đến đầu giường kéo ra chiếc cặp, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, tư liệu và nhiều bài báo viết về tiểu đội du kích nữ năm xưa từng được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Thoáng chút đăm chiêu, chị hồi tưởng về một thời liệt oanh của mình và đồng đội, về những ngày chiến đấu trong chiến dịch Xuân 1968. Đối với chị, tất cả những kỷ niệm ấy như mới hôm qua và không có khái niệm về thời gian. Chị kể: do yêu cầu nhiệm vụ, việc chuẩn bị tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 là nắm chắc địa bàn và các mục tiêu quan trọng của địch, bám mục tiêu xây dựng cơ sở nên Ban chỉ đạo chiến dịch đã khẩn trương thành lập một tiểu đội nữ dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hoàng Lanh, Chính ủy cánh Đông ở Huế. Ngày ấy, 11 cô gái sông Hương từ 17 đến 22 tuổi là tiểu đội dân quân mang tên Thiên Thủy của xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, tiểu đội của các chị được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội vào tấn công các mục tiêu của địch phía bờ nam TP Huế. Để hoàn thành nhiệm vụ, các chị đã nghiên cứu cả tháng trời, thông tỏ đường đi lối lại dẫn đến các mục tiêu. Lật giở tấm ảnh đen trắng được ép nhựa cẩn thận mô tả tiểu đội làm quen với súng đạn, chị xúc động kể về những ngày đầu đến với cách mạng. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị là đêm đầu tiên thức trắng vì được tin địch tấn công TP Huế từ hướng Phú Bài. Các chị lo lắng vì chưa lần nào giáp mặt với kẻ thù nên đã “lên dây cót” tinh thần nhau rằng, lính Mỹ to xác nhưng chậm, chị em ta nhỏ nhưng nhanh, vả lại khi chúng ta chủ động thì phải nổ súng trước cho địch không kịp trở tay... Đêm 30 Tết, Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương chia làm 3 tổ dẫn ba cánh quân vào thành phố. Tiếng súng tấn công, nổi dậy của quân và dân thành Huế nổ vang trời. Địch phản công với lực lượng hùng hậu, xe tăng, thiết giáp từ Phú Bài đổ lên, máy bay rú nát bầu trời. Vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, tải thương, các chị còn trực tiếp cầm súng đánh giặc. Không chiến hào, các chị dàn trận khắp phường, lợi dụng nhà dân để đánh địch. Gian khổ, hiểm nguy, hy sinh mất mát, nhưng 11 cô gái sông Hương vẫn kiên cường bám trận địa, xuất quỷ nhập thần đánh giặc. Những đòn đánh thông minh, bất ngờ của các chị khiến giặc Mỹ ở Huế phải điên đầu. Riêng trận đánh đêm 11, rạng sáng 12-2-1968, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương đã cầm cự, đánh lui cả một tiểu đoàn lính Mỹ với nhiều xe tăng và máy bay yểm trợ, diệt 120 tên, bắn cháy 4 xe tăng, thu nhiều vũ khí. Theo lệnh của Chỉ huy mặt trận, sau 25 ngày đêm làm chủ Huế, các lực lượng rút quân khỏi thành phố. Bốn người trong tiểu đội đã nằm lại ở chiến trường là các chị: Hoàng Thị Sau, Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Hết, Nguyễn Thị Diên. Sau khi vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, không thỏa mãn với chiến công, các cô gái sông Hương vẫn tiếp tục cầm súng chiến đấu khắp chiến trường Thừa Thiên. Chị Đỗ Thị Cúc (đội phó) hy sinh năm 1969; chị Hoàng Thị Liên (đội trưởng) hy sinh năm 1972. Đất nước hòa bình, 5 chị còn lại trở về cuộc sống đời thường và tiếp tục đảm trách những nhiệm vụ khác nhau

Và những mong ước giản đơn

Qua dòng địa chỉ từ tay chị Nở, chúng tôi tìm đến căn nhà số 40/2 Duy Tân, TP Huế để gặp chị Nguyễn Thị Hoa. Căn nhà cấp 4 nhưng rất gọn gàng, có cả một khu vườn đầy đủ các loại cây cảnh, phong lan. Tranh thủ thời gian rỗi, chị chăm sóc hoa, cây cảnh giúp chồng. Chồng chị đang mổ thận ở TP Hồ Chí Minh nhưng chị không thể vào chăm nom được vì ở nhà còn mẹ chồng đã 93 tuổi và một đứa con trai út bị nhiễm chất độc da cam. Chị Hoa kể: “Sau chiến dịch Mậu Thân, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương chúng tôi phát triển thành Trung đội vũ trang Võ Thị Sáu. Trong chiến tranh, 11 chị em trong đội chia nhau từng miếng cơm, manh áo…”. Chị Nở cười buồn: “Bây giờ hòa bình lập lại, tuổi ngày một cao, vết thương hành hạ, rồi hoàn cảnh gia đình mỗi người mỗi khác, nên các chị ít khi gặp nhau”. Chị Nở, chị Hoa cho biết: sau chiến tranh, chị Mừng về làm y sĩ ở Phòng khám Khu vực 3 nay đã nghỉ hưu, hiện đang sống tại số 5 Thanh Tịnh, TP Huế. Chị Nguyễn Thị Hợi, lấy chồng về làm ruộng ở xã Điền Môn (Phong Điền). Chị Nguyễn Thị Xê theo chồng về ở Ninh Bình và đã lâu không liên lạc được.

Hiện nay, TP Huế đã dựng bia tưởng niệm và ghi công 11 cô gái sông Hương tại phường Xuân Phú (cạnh sân vận động Tự Do), nơi gắn với những chiến công của họ trong những năm đánh Mỹ. Nơi đây đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hoá, thắp lửa truyền thống đối với đoàn viên thanh niên và các thế hệ cách mạng. Ngày 9-2-2009, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Lễ đón danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức vào sáng 27-4-2009.

Dù ở đâu, làm gì, họ vẫn vượt lên tất cả, giữ mãi hình ảnh đẹp của 11 cô gái sông Hương ngày ấy. 11 cô gái sông Hương mãi mãi là biểu tượng của những người con gái Huế:Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Giờ đây tuổi đã cao, sức yếu và bệnh tật dai dẳng, các chị không có mong ước gì nhiều cho riêng mình, chỉ ước có sức khỏe và mong có một ngày được hội ngộ, có điều kiện ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác Hồ và thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video