Vài suy nghĩ về chủ đề năm gia đình Việt Nam 2010

16/12/2010
Chủ đề năm gia đình Việt Nam 2010 giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá gia đình Việt Nam, có các thông điệp: Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, gia đình hạnh phúc; Yêu thương và tôn trọng là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình; Hãy thêm lời nói ngọt ngào, bớt đi hờn giận nhà nào chẳng vui...

Vấn đề gia đình và nói về gia đình không phải là mới, nhưng hiện nay là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Nước ta đang phát triển nhanh trong thời kỳ hội nhập, bên cạnh những thành tựu to lớn, quan trọng, chúng ta cũng đứng trước những thách thức, khó khăn không nhỏ. Trên lĩnh vực văn hoá dân tộc, văn hoá gia đình có những tác động tốt và không tốt. Nhiều gia đình kinh tế phát triển, có mức sống cao, nhưng nếp sống, lối sống trong nhà và cách ứng xử với các quan hệ khác ngoài xã hội  đã biểu hiện sai lệch (con cái ngược đãi ông bà, cha mẹ; coi trọng các giá trị vật chất hơn các chuẩn mực về đạo đức, tình cảm; nếp sống, gia phong đảo lộn bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên.... ) Một bộ phận gia đình nghèo, do phân hoá trong cơ chế thị trường, rất khó khăn trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái vươn lên, trưởng thành. Tệ nạn cờ bạc, nghiện hút ma tuý, mại dâm đã và đang tấn công vào gia đình.... Những biểu hiện trê, đang tác động tiêu cực đến nhiều gia đình, khiến dư luận xã hội nói chung và trong mỗi gia đình phải quan tâm, trăn trở, vì: ai cũng có một gia đình, thuộc về một gia đình, hạnh phúc hay bất hạnh của mỗi người thường bắt nguồn từ một hoàn cảnh nào đó trong gia đình.

Các giá trị văn hoá của gia đình Việt Nam được hình thành, phát triển, phát huy qua lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các giá trị đó chính là những bản sắc văn hoá riêng của gia đình Việt Nam Thể hiện một cách khái quát là hình ảnh gia đình có nhiều thế hệ chung sống hoà thuận, đoàn kết, trên dưới, có kỷ cương, nề nếp, gia phong, đạo đức và chuẩn mực trong ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và ngoài gia đình luôn luôn được đề cao, là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người trong gia đình với quê hương, đất nước... Các giá trị trên đã trường tồn hàng nghìn năm nay, mặc dù trong lịch sử, thời gian không phải không có những lúc thăng trầm, nhưng về cơ vẫn tồn tại, tạo nên bản sắc văn hoá gia đình, bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, chống lại sự đồng hoá xâm lăng của phong kiến phương Bắc, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

 Đây chính là giá trị quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam mãi mãi phải giữ gìn, phát huy.

Hiện nay, nhất là từ khi mở cửa hội nhập, một số tiêu chí của giá trị văn hoá gia đình có những thay đổi, bổ sung đó là: Gia đình ít con (từ một đến hai con), bình đẳng, dân chủ phát huy khả năng của mỗi thành viên trong gia đình để phát triển kinh tế, phát triển trí lực, tiếp thu các yếu tố tiến bộ, văn minh. Đây là những tiêu chí rất phù hợp với tiêu chuẩn gia đình hiện nay, nó đảm bảo cho việc kế thừa và phát triển gia đình theo xu thế phát triển của thời đại. Tuy nhiên, để phát huy những giá trị mới được nhiều gia đình thừa nhận, đồng thời vẫn giữ vững và phát huy các giá trị văn hoá của gia đình truyền thống là một việc rất quan trọng, để giữ vững sự ổn định của gia đình, tránh "đứt đoạn văn hoá", hoặc tiếp thu giá trị mới, nhưng lại quay lưng với giá trị truyền thống. Giá trị văn hoá của gia đình truyền thống Việt Nam có nhiều, nhưng tập trung rõ nét nhất là giá trị đạo đức. Những chuẩn mực đạo đức trong gia đình, như: kính yêu ông, bà, biết ơn cha mẹ coi trọng tình nghĩa anh em, chung thuỷ trong quan hệ vợ chồng... đến nay vẫn còn nguyên giá trị và trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều giữ vị trí quan trọng, đặc biệt trong cuộc sống con người, hơn các phẩm chất con người khác. Nền kinh tế thị trường đang làm xáo trộn một số chuẩn mực đạo đức truyền thống, trong đó có chuẩn mực đạo đức gia đình. Thời gian gần đây, dư luận xã hội hết sức bất bình trước những vụ việc vợ chồng, con cái, cháu  gây trọng án, danh dự nhân phẩm bị chà đạp, coi giá trị đồng tiền trên các giá trị đạo đức... (ở Bắc Giang có những vụ nghiêm trọng đã xẩy ra ở Song Khê, Yên Dũng; Vân Động Lục Nam; My Điền, Việt Yên; Phúc Hoà, Tân Yên; Dương Hưu, Sơn Động; Kép, Lạng Giang....). Đây chính là những vụ án bắt nguồn từ sự suy thoái đạo đức trong gia đình, có tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường. Như vậy, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của gia đình trong giai đoạn hiện nay là đặc biệt quan trọng, cần đặt lên vị trí hàng đầu. Nhiều năm trước đây, khi đất nước còn chiến tranh, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đời sống các gia đình nhìn chung ổn định, hoà thuận, đầm ấm, ít xẩy ra các vụ việc nghiêm trọng như trên. Nhưng đến nay, bạo lực gia đình, trọng án trong gia đình đã trở nên báo động đối với toàn thể các gia đình và trở thành "Mối quan tâm này, không phải của riêng ai"

Hiện nay, trong điều kiện phát triển của xã hội, mô hình gia đình và một số tiêu chí, giá trị của gia đình có thể thay đổi, nhưng các giá trị chuẩn mực về đạo đức của gia đình Việt Nam (như phần trên đã nêu) không được để thay đổi. Mẫu hình con người hiện đại có thể có những điều khác biệt so với mẫu hình con người trong xã hội truyền thống, nhưng vẫn phải là một con người có nhân cách, phẩm chất đạo đức cao đẹp, từ trong chính gia đình của mình...

Nhân ngày gia đình Việt Nam (28/6) và chủ đề năm gia đình Việt Nam 2010, mọi gia đình cũng như những người đang làm công tác gia đình hãy trân trọng, tự hào về bản sắc văn hoá dân tộc, về truyền thống văn hoá gia đình Việt Nam. Từ đó biết giữ gìn, kế thừa những giá trị tốt đẹp của truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn minh, tiến bộ để xây dựng gia đình Việt Nam đạt các tiêu chí "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững" làm nền tảng cho mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Website Sở VH - TT- DL Bắc Giang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video