Vai trò của hội LHPN Việt Nam trong việc giới thiệu nhân sự nữ vào các cơ quan dân cử; một số định hướng trong thời gian tới.

13/12/2005
Bài phát biểu của đồng chí Hà Thị Khiết - Uỷ viên TW Đảng, Đại biểu Quốc hội khoá XI - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia VSTBPNVN tại Hội thảo “Vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong thời kỳ đổi mới”.

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Thưa toàn thể các đồng chí!

 

Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một chặng đường dài đầy gian nan, thử thách nhưng cũng đầy oanh liệt với những chiến công chói ngời. Ở đó, con người Việt Nam với phân nửa là phụ nữ được tôi luyện và trưởng thành, ngày càng khẳng định những phẩm chất, tinh hoa tốt đẹp của dân tộc. Với truyền thống yêu nước anh hùng, các tầng lớp phụ nữ đã đoàn kết, phát huy tài năng, trí tuệ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên nhiều thành tích vĩ đại. Phụ nữ Việt Nam không chỉ cần cù lao động, đảm đang công việc gia đình mà còn có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

 

Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức đúng và đánh giá rất cao vai trò đặc biệt quan trọng của phụ nữ, coi phụ nữ là lực lượng quần chúng to lớn của cách mạng; đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ. Đặc biệt trong các cơ quan dân cử, Đảng và Nhà nước ta đã xác định cần có một tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tương xứng để đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, nhất là đối với phụ nữ Việt Nam. Mặt khác, việc bố trí cho phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử các cấp là cơ hội và điều kiện để chị em phát huy tài năng và sức lực của mình đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước nhằm đạt tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Trong công cuộc đổi mới, thực hiện CNH - HĐH đất nước, cùng với sự trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ cán bộ nữ cả nước, nữ đại biểu các cơ quan dân cử đã và đang tham gia tích cực trong việc xây dựng luật pháp, chính sách, góp phần tạo ra những điều kiện cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng. Với vai trò của mình, dù ở cương vị công tác nào, các chị cũng phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương cũng như cử tri trong cả nước.

 

Là một tổ chức chính trị xã hội với chức năng đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ; tham gia quản lý Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng; qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội LHPN Việt Nam đã luôn tỏ rõ là một tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, tích cực tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác vận động phụ nữ, quan tâm lãnh đạo quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Đồng thời có một vai trò quan trọng trong công tác giới thiệu nhân sự nữ cho Đảng, Nhà nước xem xét đưa vào các cơ quan dân cử, các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của nước ta.

 

Như chúng ta đều biết, Quốc hội có vai trò quan trọng trong lập pháp, giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách, quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh. Vì vậy, để đảm bảo lồng ghép giới trong xây dựng luật rất cần có sự tham gia của các nữ đại biểu quốc hội. Nhận thức rõ điều đó, trong các kỳ bầu cử Quốc hội, đặc biệt là Quốc hội khoá X, XI, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động thực hiện chức năng của mình, triển khai, quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về bầu cử Quốc hội. Chủ động tham mưu, đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội theo Luật bầu cử Quốc hội. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thống nhất việc phân bổ đại biểu của khối đoàn thể, đảm bảo cơ cấu đại diện các vùng miền, đảm bảo tỷ lệ nữ hợp lý. Hội đã cùng với Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tổ chức tập huấn cho các nữ ứng cử viên theo các vùng, miền nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết, gửi thư động viên kịp thời giúp các chị bình tĩnh, tự tin hơn trong quá trình tham gia ứng cử. Chủ động tham gia giới thiệu nhân sự nữ đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đại diện cho các tầng lớp phụ nữ của địa phương tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.

 

Trung ương Hội đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ nêu caotinh thần làm chủ, tự giác, tích cực tham gia bầu cử với khí thế của một ngày hội lớn, coi đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là nội dung hoạt động trọng tâm của Hội. Làm cho hội viên và các tầng lớp phụ nữ thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của bầu cử Quốc hội, về vai trò, vị trí của Quốc hội trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đó có những nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của phụ nữ đại diện cho giới nữ tham gia Quốc hội; tích cực tuyên truyền vận động đắc cử cho các nữ ứng cử viên góp phần nâng dần tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội.

 

Cuộc bầu cử HĐND là cơ hội để các cấp Hội giới thiệu những chị em đủ tiêu chuẩn tham gia HĐND các cấp, để phát huy năng lực và đóng góp sức mình cho sự phát triển của địa phương và đất nước. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, Hội và Uy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Namđã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội, các Ban VSTBCPN các tỉnh, thành trong cả nước tập trung tuyên truyền cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử HĐND các cấp, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật tổ chức HĐND và UBND, các văn bản có liên quan đến công tác bầu cử đại biểu HĐND của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo điều kiện để chị em nắm chắc tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu HĐND, trên cơ sở đó chủ động lựa chọn, giới thiệu những nữ ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, có uy tín tham gia ứng cử. Chỉ đạo các cấp Hội tổ chức gặp gỡ giữa đại biểu HĐND với nữ ứng cử viên trao đổi về kinh nghiệm hoạt động, về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của nữ ứng cử viên tham gia HĐND các cấp.

 

Song song với công tác chỉ đạo, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới thông qua tài liệu bồi dưỡng cho nữ ứng cử viên nhằm trang bị cho chị em các kiến thức và kỹ năng về lãnh đạo, quản lý, kiến thức giới và kỹ năng lồng ghép giới vào hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là các chị mới ra ứng cử lần đầu. Phân công các đồng chí lãnh đạo TW Hội và UBQGVSTBCPN Việt Nam thường xuyên nắm bắt tình hình, kết quả triển khai bầu cử tại các đơn vị được phân công phụ trách để kịp thời có những tác động nhằm đảm bảo tỷ lệ nữ theo yêu cầu.

 

Với những nỗ lực, tích cực chỉ đạo của Hội cùng với sự phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Quốc hội đã liên tục được tăng dần qua các khoá (khoá X: 26,22% và khoá XI: 27,31%); cán bộ nữ giữ cương vị Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội chiếm tỷ lệ 25%. Thành tựu này đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ nhất Châu Á và thứ hai khu vực Châu Á-Thái Bình dương về tỷ lệ nữ tham gia Quốc Hội.

 

Đối với nữ đại biểu HĐND các cấp cũng được tăng dần. So sánh giữa nhiệm kỳ 1994-1999 với nhiệm kỳ 1999-2004, cấp tỉnh/thành tăng 3,4% (đạt 23,8%), cấp huyện/quận tăng 4,91% (đạt 23,2%) và cấp xã/phường tăng 5,13% (đạt 20,1%). Sự gia tăng về tỷ lệ nữ trong Hội đồng nhân dân làm tăng đáng kể tỷ lệ nữ giữ chức danh chủ chốt của HĐND và UBND các cấp, trong đó chức danh Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và Phó Chủ tịch UBND cấp xã, phường nhiệm kỳ 2004-2009 tăng hơn gấp 3 lần so với nhiệm kỳ 1999-2004. Điều đó đã thể hiện sinh động vai trò của phụ nữ trong hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước đồng thời thể hiện sự tôn trọng, tin cậy và quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với phụ nữ Việt Nam. Những kết quả đó đã thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta với mục tiêu về sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã nói ở trên, việc phát huy vai trò đại diện của nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội có tăng nhưng không nhiều so với nhiệm kỳ trước và thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2010, nữ ứng cử viên Quốc hội còn phải kết hợp nhiều cơ cấu như tuổi trẻ, ngoài đảng, dân tộc, tôn giáo nên đặt ra nhiều thách thức với chị em trong cả quá trình ứng cử cũng như tham gia hoạt động tham chính sau này. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2004-2009 đạt 23,8% cấp tỉnh/thành (chỉ tiêu trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đề ra: tỉnh 25%, thành phố trực thuộc TW 27%). Càng xuống cơ sở, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND càng thấp. Ở các cương vị chủ chốt, nữ Chủ tịch HĐND chỉ chiếm 1,5%, nữ Phó chủ tịch chiếm 1,1%. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ nữ các ngành, các cấp còn mỏng và hạn chế, nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc đưa ra các quyết định mang tính nhạy cảm giới. Những nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của phụ nữ, trẻ em chưa được phản ánh một cách đầy đủ trong các chính sách, chương trình, dự án phát triển của địa phương.

 

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên là do nhận thức chung của xã hội về bình đẳng giới còn hạn chế. Định kiến giới, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội đã tác động tới cử tri, khiến họ chưa tích cực ủng hộ cho nữ ứng cử viên. Mặt khác, phụ nữ cũng chưa nhận thức được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình nên còn có tư tưởng tự ty, an phận hoặc do thiếu sự ủng hộ của gia đình và chị em xung quanh.

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Thưa các đồng chí!

 

Từ thực tế tham gia của phụ nữ trong các khoá Quốc hội và HĐND các cấp; trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước đã và đang đặt ra cho Hội LHPN Việt Nam và Uỷ ban Quốc gia nhiệm vụ phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa vai trò tham mưu đề xuất thực hiện Luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác vận động phụ nữ, sử dụng lao động nữ và công tác cán bộ nữ; coi đây là một nguồn lực quan trọng của đất nước. Phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt nam đến 2010, nhất là về giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khoẻ, tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ, trong đó chú ý tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan dân cử cho nhiệm kỳ tới không dưới 30% trong Quốc hội khoá XII (2007 - 2012), phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh/thành phố nhiệm kỳ 2009 - 2014 là 30%, cấp quận/huyện là 25%, cấp xã, phường là 20%;các ngành có tỷ lệ nữ 30% thì phải có lãnh đạo nữ v.v... Để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu như trên, Hội và Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, thích hợp với các tầng lớp nhân dân về quyền bình đẳng nam nữ; truyền thống cách mạng tốt đẹp, vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là vào những dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và khởi nghĩa Hai Bà Trưng; ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10. Đồng thời phải thường xuyên coi trọng việc lồng ghép Giới, những yếu tố nhạy cảm giới trong việc tham gia đề xuất vào các mục tiêu chương trình Quốc gia của Nhà nước nhằm thực hiện tốt công ước của LHQ về chống phân biệt đối xử với phụ nữ và mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ mà Nhà nước ta đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

 

Trước mắt Hội và Uỷ ban Quốc gia sẽ tập trung cao độ vào việc xây dựng dự thảo Luật Bình đẳng Giới để trình Quốc hội vào năm 2006. Đảng đoàn TW Hội LHPN Việt Nam tiếp tục tham mưu đề xuất với Bộ Chính trị ra Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”.

 

Uỷ ban Quốc gia VSTB của phụ nữ Việt Nam đang tiến hành đánh giá Kế hoạch hành động đến năm 2005 vì sự tiến bộ của phụ nữ trong cả nước (trong giai đoạn 1) thực hiện Chiến lược Quốc gia đến 2010 và sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc vào quý I/2006 để có cơ sở thực tiễn và khoa học hơn trong việc tư vấn cho Thủ tướng chính phủ có những quyết sách phù hợp nhằm thực hiện thành công những mục tiêu, chỉ tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Thưa các đồng chí!

 

Hiến pháp năm 1946 của nước ta đã khẳng định phụ nữ ngang quyền với nam giới trong mọi phương diện và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Từ đó phụ nữ Việt Nam đã được Quốc hội cho một thế đứng vững vàng và ngời sáng không những chỉ ở trong nước mà cả trên trường quốc tế được bạn bè mến mộ và tin cậy.

 

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Quốc hội Việt Nam, thay mặt giới nữ cả nước chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Quốc hội và mong muốn Quốc hội tiếp tục quan tâm thiết thực hơn nữa tới phụ nữ Việt Nam bằng Luật pháp và quyền giám sát tối cao của mình đối với toàn xã hội về việc thực hiện Luật pháp, chính sách đối với phụ nữ trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước.

 

Về phía Hội và Uỷ ban Quốc gia trong thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các cơ quan Quốc hội nhất là Văn phòng Quốc hội và Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trong việc tổ chức các chương trình cung cấp thông tin, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND để chị em có điều kiện ngày càng làm tốt vai trò người đại biểu nhân dân. Đồng thời Hội cũng tiếp tục chú trọng bằng nhiều biện pháp trong tuyên truyền giáo dục giúp cho chị em vượt qua những tự ty, mặc cảm, những trở ngại không đáng có trong cuộc sống và việc làm để cùng nhau tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ hạnh phúc. Coi đó là những điều kiện và môi trường thuận lợi để động viên chị em phấn khởi, tự tin tham gia ngày càng nhiều và có chất lượng hơn trong các cơ quan dân cử, nhằm mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong các lĩnh vực tham chính của phụ nữ Việt Nam. Với quyết tâm thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, có cơ chế chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành, chúng ta tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần năng động sáng tạo, vượt khó đi lên, phụ nữ Việt Nam sẽ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu “Bình đẳng, phát triển và hoà bình” cho phụ nữ trong thế kỷ XXI, vì mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

Cuối cùng xin kính chúc các đồng chí sức khoẻ và hạnh phúc, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

 

Xin cảm ơn./.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video