Về "vương quốc tôm hùm"

03/12/2005
Với bờ biển dài 80 km, trong đó có trên 15.700 km2 diện tích mặt nước, huyện Sông Cầu (Phú Yên) có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, cho giá trị hằng năm tới 80% tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Một trong những thế mạnh đó là khai thác và nuôi tôm hùm.

Nghề lặn chỉ đủ sống, nuôi tôm lồng mới phất...

 

Có thời, đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài là nơi tôm hùm trú ngụ, sinh sôi vô số. Ngư dân thị trấn Sông Cầu, các xã Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Phương, Xuân Thịnh... ùn ùn kéo nhau ra ngụp lặn bắt tôm hùm; người nơi khác "thèm" cũng mò đến. Lâu lâu rặt "người khôn của khó"- săn được tôm hùm làm cỡ 0,5- 1kg/con không còn là chuyện dễ. Ai tóm trúng "chú" cỡ ấy coi như bữa đó gặp hên: có bạc trăm bỏ túi.

 

Tôi gặp Nguyễn Quốc Mỹ, quê thị trấn Sông Cầu, một người chuyên ngụp lặn ở vịnh Xuân Đài, hỏi đùa anh rằng: "Có đất dụng võ, sao mà chỉ đủ sống"? Áp hai bàn tay lên tấm phên bết bùn rồi xoa xoa lên mặt cho hệt "khuôn" xưa, anh mới toét miệng: "Bộ coi cái vịnh Xuân Đài không bằng cái chuôm chắc... Hèn chi mấy ổng ngộ nhận dễ bắt "hùm". Tôi nè, hai bàn tay trắng; vợ con bầy đàn. Sớm mai, vợ chồng con cái rồng rắn cùng đám thanh niên làng qua vịnh ngụp lặn. Mấy anh thử tưởng tượng coi, không bỡn đâu. Vất vả, nguy hiểm nữa. Nghề lặn về "0" là chuyện cơm bữa. Bắt được vài mống tôm nhắt đưa bán giống thấy "ngon ăn" rồi. Gần 10 năm tôi đi ngụp, kiếm đủ ăn, đủ mặc nuôi mấy miệng ăn trong nhà đã là tốt lắm rồi".

 

Qua thôn Vũng La, xã Xuân Phương, nhìn cơ ngơi ngôi làng, nhà cao cửa rộng mọc chen nhau, người, xe nườm nượp ngỡ rằng đi giữa phố huyện. Đâu đó, tiếng hời, tiếng gọi nhau râm ran một góc phố làng. Thôn quê đổi đời từ ngày có nghề nuôi tôm hùm lồng. Tôi hỏi lão ngư có tên Võ Hòa:

 

- Toàn thôn có độ bao nhiêu hộ theo nghề này ?

 

- Vũng La ấy á, ông già cười vui vẻ - cả thảy trên 230 hộ (khoảng 1.300 nhân khẩu), hộ nào cũng nuôi tôm hùm; bao gồm 1.500 lồng ứng với cỡ 75.000 - 80.000 con. Ông bảo, các vụ nuôi vừa rồi tuy có lúc biến động về giá cả thì bà con vẫn cứ gặt hái được; hộ nuôi ít thì thu vài chục triệu đồng/vụ, hộ nuôi nhiều bỏ túi đến vài trăm triệu đồng. Lại không bù cho cái quãng ngày xưa, người dân chỉ quẩn quanh bên mấy vuông ruộng với nghề đan lưới thuê, cuộc sống hẩm hiu, nghèo túng.

 

Về Xuân Thịnh trong những ngày này, chúng tôi càng có cơ sở để khẳng định: Hầu hết các làng quê ở Sông Cầu đi lên từ không đến có đều nhờ chủ yếu vào các nghề nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm hùm là nghề chủ đạo. Ông Trần Văn Bút, Chủ tịch UBND xã bộc bạch: "Xuân Thịnh từng là một trong những nơi nghèo nhất huyện. Đất canh tác bình quân đầu người rất thấp, đại bộ phận nhân dân sống bằng nghề đi biển, vất vả lam lũ mà cuộc sống thì dậm chân tại chỗ. Sau năm 1990, xã thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào các nghề có thế mạnh "đánh thức tiềm năng của biển". Nghề nuôi tôm hùm lồng được bà con "cưng" nhất vì nó mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt". "Vùng này đang là một "vương quốc" tôm hùm - Anh Sơn, một thương lái người ngoại tỉnh góp vui - "Đất thơm cò đậu", người tứ phương: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, rồi TP Hồ Chí Minh... cũng kéo về đây lập nghiệp".

 

Tôi gặp "gã nhà giàu" Nguyễn Hiếu Hùng, qua câu chuyện mới hay, con đường trở thành tỷ phú của anh không mấy... xuôi chèo mát mái: "Thôn tôi, nhiều phen bà con long đong, lận đận. Không ít người bỏ đi làm ăn nơi khác. Tôi cũng "theo" về bên quê vợ ở mãi tận làng biển Cà Ná (Bình Thuận). Hơn 10 năm đi thuyền, khấm khá đâu không thấy, chỉ vơ thêm cái nheo nhóc... Buồn bã, ngán ngẩm. Trong lúc còn chưa biết xoay sở ra sao thì dịp may đưa đến. Dạo đó, Xuân Thịnh vừa rộ lên phong trào nuôi tôm hùm lồng, không bỏ lỡ cơ hội này, chúng tôi lại khăn đùm khăn gói mang nhau về quê làm ăn".

 

Xuân Thịnh hiện có 1.500 hộ thì có tới gần 1.000 hộ nuôi tôm hùm với khoảng 5.330 lồng. Nuôi tôm giống thì mỗi hộ thầu 300 -1.500 con; nuôi tôm thịt thì hộ ít cũng 100 con, hộ nhiều cỡ 1.000 con. Năm ngoái, chỉ riêng nghề nuôi tôm hùm đã cho tổng thu nhập toàn xã hơn 54 tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi tôm sú đã chuyển sang nuôi tôm hùm cho lãi lớn hơn.

Alô! "Ông trợ lực" 2308...


Theo báo cáo của Sở Thủy sản Phú Yên, trong khi nghề nuôi tôm sú đang gặp khó khăn, thì nghề nuôi tôm hùm lồng ở Sông Cầu lại đang phát triển mạnh. Toàn huyện có trên 14.500 lồng, trong đó có khoảng 10.000 lồng chuyên nuôi tôm thịt thương phẩm. Không ít người đã chuyển dần từ hình thức nuôi lồng sát đáy sang nuôi bè nổi để có thể dễ dàng di chuyển, chăm sóc và giữ gìn môi trường vùng nuôi.

 

Từ lâu, nghề này đã mang lại sự giàu có sung túc cho bà con và họ vẫn tiếp tục đầu tư mạnh, mặc dù đồng vốn cần lớn. Có được hướng phát triển đó, không thể không nhắc tới vai trò của "ông trợ lực" 2308 (Nghị quyết liên tịch giữa Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam). Theo đó, chỉ tính đến giữa năm 2004, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có tổng dư nợ 144 tỷ đồng thì dư nợ từ các hộ vay nuôi tôm hùm đã chiếm trên 100 tỷ đồng, bằng 70% tổng số dư nợ.

 

Ông Lê Tiến Dũng, cán bộ tín dụng chi nhánh ngân hàng này cho biết: 100% hộ nuôi tôm hùm có đủ điều kiện đều được vay, mức thấp nhất là 20 triệu đồng, không phải thế chấp bất kỳ thứ tài sản nào. Số tiền đó đủ để dựng một lồng có kích cỡ 3x3x1,2m, mua con giống và thức ăn trong suốt chu kỳ nuôi từ 18 - 24 tháng. Chín cán bộ tín dụng thuộc chi nhánh được phân công theo dõi chịu trách nhiệm cụ thể từng địa bàn, đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc thẩm định, giải ngân kịp thời.

Vẫn còn đó những nỗi lo...


Giữa năm ngoái, tôm hùm bán thịt bỗng trở lên khan hiếm, các đầu mối xuất khẩu đổ xô mua, nhiều hộ nông dân thu hoạch sớm để bán với giá cao. Chỉ riêng các xã Xuân Thịnh, Xuân Phương ngư dân đã bán cho tư thương vài chục tấn tôm thương phẩm; giá tôm hùm loại I (mỗi con nặng trên một kg) từ 450.000- 480.000 đồng/kg; loại II khoảng 440.000 đồng/kg. Mức này còn giữ được đến tháng 7- 8 và người ta hy vọng sẽ tăng lên vào giữa vụ. Tuy nhiên, sang tháng 9 giá bán đột ngột giảm xuống, loại I chỉ còn 420.000 đồng/kg và loại II còn 380.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá thấp so với cùng thời điểm trong nhiều năm qua. Sở dĩ có tình trạng này, theo một số hộ nuôi tôm ở Sông Cầu, đó là do các đầu mối thu mua tôm hùm xuất khẩu đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía bắc ép giá. Các tư thương chỉ chọn mua tôm hùm loại II bởi loại này dễ tiêu thụ. Trong khi đó, giá thức ăn lại tăng lên, nông dân buộc phải thu hoạch nhằm tránh bị lỗ. Mặt khác, hiện nay tuy đang vào mùa chính vụ sinh sản tôm hùm, nhưng hầu hết các thuyền ngư dân chỉ khai thác được lượng giống rất ít. Mỗi đêm, mỗi tàu chỉ bắt được chừng 5-20 con tôm giống. Hiện tại, nhu cầu thả nuôi cho khoảng 15.000 lồng là rất lớn, nhưng lượng tôm giống lại đang khan hiếm nên giá liên tục tăng vọt; nếu như hồi đầu vụ giá chừng 100.000 đồng/con giống thì nay lên tới 145.000 đồng/con.

 

Việc tôm hùm giống cạn kiệt được xem như là một hậu quả tất yếu của tình trạng khai thác ồ ạt lâu nay.

 

Tại nhiều ngư trường, nhất là đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài thường xuyên diễn ra các hoạt động khai thác thủy sản bằng hóa chất hoặc sử dụng xung điện trong vùng cấm. Còn ở các vùng biển giáp ranh với Bình Định, Tuy An, Hòn Khô - Hòa An, cửa Vịnh Hòa, cửa Vũng La... có rất nhiều đối tượng cả người địa phương lẫn người nơi khác đến chuyên đánh bắt bằng chất nổ. Những hành động vi phạm pháp luật này đã hủy diệt nguồn lợi thủy sản, làm xáo trộn tầng đáy. Bên cạnh đó, hàng loạt những tác động khác của con người như phát triển đô thị, khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, chặt phá rừng, nuôi trồng thuỷ sản tự ý ồ ạt... đã khiến cho môi trường càng ngày càng trở nên suy thoái, biến dạng làm mất cân bằng sinh thái. Điều đó không những gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống cộng đồng tại 8/10 xã thị trấn ven biển, mà còn tác động lâu dài đến ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

 

Ngư dân sống nhờ biển, nhưng đã làm được gì cho biển ngoài những cuộc triền miên khai thác? Để đến tận bây giờ khẩu hiệu hành động "hãy bảo vệ biển"; "bảo vệ nguồn lợi thủy sản" mới tạc vào "bộ nhớ" khơi dậy tiềm thức trong con người? Sự thật thì họ chỉ kịp nhận ra điều đó khi thấy rằng: Nguồn lợi thuỷ sản đang cạn kiệt, môi trường đang suy thoái nghiêm trọng và biển đang chết dần! Sau những cuộc "đại phẫu thuật": Tuyên truyền, vận động, tuần tra, kiểm soát, bảo vệ, xử lý những hành vi vi phạm (bắt đầu từ tháng 3-2003) tới nay, bà con đã cùng nhau ký vào cam kết: không dùng thuốc nổ, không sử dụng giã điện, xung điện, hóa chất để khai thác thủy sản... Huyện cũng đang khẩn trương quy hoạch cơ cấu ngành nghề thủy sản phù hợp theo từng vùng, từng cụm dân cư, từng tuyến ngư trường nhằm phát huy và khai thác có chọn lọc, hiệu quả đối với các loại thuỷ sản.

 

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển - chính là người dân đã biết chăm lo cho cuộc sống lâu dài của mình, để có cơ hội làm giàu chính đáng ngay trên quê hương duyên hải.

Theo báo Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video