Vì quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên và các cấp Hội phụ nữ

29/03/2005
Ngày 7/3/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2003/NĐ-CP quy định “Trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước”. Vì sao Nghị định được ban hành? Nội dung, Quyền lợi và Trách nhiệm của Hội viên và các cấp Hội phụ nữ đối với việc thực hiện Nghị định như thế nào?

Ban Tuyên giáo, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ, Trường Cán bộ Phụ nữ TW biên soạn tài liệu sinh hoạt Hội viên dưới dạng Hỏi - Đáp nhằm tìm hiểu và tuyên truyền sâu rộng về Nghị định.


Hỏi
: Vì sao Chính phủ ban hành Nghị định 19/2003/NĐ-CP quy định “Trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước”?


Đáp:
Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, gần 20 năm qua, đời sống nhân dân, trong đó có phụ nữ từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, mặt trái củacơ chế thị trường nảy sinh nhiều vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống của phụ nữ. Một bộ phận phụ nữ còn thiếu việc làm, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức khoa học để sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó là tình trạng gia tăng các tệ nạn xã hội như buôn bán phụ nữ, trẻ em, mại dâm, nghiện hút, rượu chè, cờ bạc, bất bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình còn biểu hiện tương đối nặng nề. Tình trạng đánh đập ngược đãi vợ con, bạo lực gia đình, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương, cơ sở. Trước tình trạng trên, đòi hỏi các cấp Hội phụ nữ thực hiện tốt chức năng đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ, bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của phụ nữ, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của hội viên, phụ nữ.

 

Để đáp ứng yêu cầu trên, ngày 7/3/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ nhằm thể chế hóa mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước và các cấp Hội phụ nữ, thể chế hóa vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tạo điều kiện để các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ chính quyền vững mạnh. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp Hội trở thành cơ chế làm việc thường xuyên tạo nên sự chuyển biến về lề lối làm việc và phương thức hoạt động hiệu quả. Thực hiện nghị định góp phần cải thiện mối quan hệ giữa các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể với các cấp Hội phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để Hội đẩy mạnh phong trào phụ nữ đồng thời chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Hội viên, phụ nữ.


Hỏi:
Nội dung cơ bản của Nghị định 19/2003/NĐ-CP là gì?


Đáp:
Nghị định 19/2003/NĐ-CP có 7 điều, nội dung cơ bản của nghị định là:

 

a. Quy định các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm:

 

- Mời đại diện Hội phụ nữ cùng cấp tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào xây dựng chương trình kế hoạch về kinh tế- xã hội, các văn bản quy phạm pháp luật; mời đại diện Hội phụ nữ cùng cấp tham gia với tư cách là thành viên chính thức trong các tổ chức tư vấn, các Ban quản lý, Ban chỉ đạo của cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp.

 

- Mời đại diện Hội phụ nữ cùng cấp tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ trẻ em.

 

- Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội phụ nữ: cấp kinh phí, điều kiện, phương tiện làm việc, hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ.

 

- Định kỳ phối hợp với Hội phụ nữ cùng cấp tổ chức các cuộc họp giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội, tình hình thực hiện luật pháp chính sách đối với phụ nữ, trẻ em.

 

- Quy định việc kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện nghị định theo định kỳ.

 

- Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra tổng hợp báo cáo trình Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị định.

 

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưỏng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thi hành.

 

b. Hội phụ nữ cùng cấp tham gia các hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến phụ nữ, trẻ em:

 

- Tham gia thảo luận, góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn XH và chính sách liên quan đến phụ nữ trẻ em.

 

- Tham gia với tư cách là thành viên chính thức trong các tổ chức tư vấn, các Ban quản lý, Ban chỉ đạo… của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước cùng cấp về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em như giải quyết lao động, việc làm, đời sống, sức khoẻ, đất đai, nhà ở, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.

 

-Tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ trẻ em.

 

Hỏi: Hội viên được hưởng những quyền lợi gì khi nghị định 19/2003/NĐ-CP được thực hiện tốt?


Đáp:
Hội viên sẽ được hưởng các quyền lợi sau:

 

- Được phát huy quyền làm chủ thông qua đại diện Hội phụ nữ tham gia vào quá trình xây dựng các chương trình kế hoạch kinh tế, xã hội và các luật pháp chính sách cụ thể liên quan đến phụ nữ, trẻ em tại địa phương.

 

- Được tham gia vào các hoạt động quản lý Nhà nước tại địa phương, cơ sở như kiểm tra giám sát các hoạt động về đầu tư xây dựng công trình phúc lợi, nhà trẻ, mẫu giáo, quy hoạch đất đai…

 

- Được bày tỏ tâm tư, nhu cầu, nguyện vọng của mình để Hội đề xuất với chính quyền tạo điều kiện cấp đất làm nhà ở, đất sản xuất, trẻ em nghèo được cấp học bổng, phụ nữ nghèo được Hội giúp đỡ giải quyết khó khăn, cho vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn để biết cách làm ăn, tổ chức cuộc sống gia đình. Nhờ có các hoạt động này, hội viên, phụ nữ được nâng cao kiến thức về mọi mặt, nhiều chịem thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng gia đình hạnh phúc.

 

- Được bảo vệ khi xảy ra các vụ việc vi phạm luật Hôn nhân gia đình như bị ép tảo hôn, khi ly hôn liên quan đến việc phân chia tài sản không hợp lý, khi phụ nữ bị lợi dụng, lừa gạt, bị buôn bán, bị đối xử bất công, bị đánh đập ngược đãi, bị xâmphạm nhân phẩm… Hội giúp phụ nữ giải quyết khó khăn vướng mắc trong cuộc sống, nâng cao địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội .


Hỏi:
Hội viên cần phải làm gì để góp phần thực hiện tốt Nghị định?


Đáp:
Để góp phần thực hiện tốt Nghị định, Hội viên phụ nữ cần thực hiện các nội dung sau:

 

- Phát huy tính dân chủ, có ý kiến tham gia, kiểm tra giám sát các hoạt động quản lý của Nhà nước theo tinh thần“ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ; Nâng cao ý thức, năng lực làm chủ của mình, phát huy tiềm năng sáng tạo, góp phần tích cực thực hiện tốt mọi nhiệm vụ của địa phương như sản xuất tốt, xây dựng làng bản đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau lúc khó khăn.

 

- Tích cực tham gia các hoạt động của Hội, tích cực học tập nâng cao kiến thức về mọi mặt, nắm vững luật pháp chính sách, hiểu chức năng, nhiệm vụ của Hội phụ nữ, quyền và lợi ích của Hội viên để tự bảo vệ và yêu cầu Hội hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn. Thường xuyên phản ánh với Hội về tâm tư, nguyện vọng, thông báo cho Hội biết những vụ việc vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, đối xử bất công, ngược đãi, xâm hại trẻ em , từ đó các cấp Hội có được biện pháp phối hợp cùng các ngành chức năng giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị em.

 

- Trước các vụ việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phụ nữ không nên cam chịu và im lặng, mà cần đấu tranh và biết cách đấu tranh đạt kết quả. Chị em cũng không nên thờ ơ với các trường hợp vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của những chị em khác, cho đó không phải là việc của nhà mình. Chị em cần tìm cách giúp đỡ nhau khi gặp những vấn đề vướng mắc, xung đột trong gia đình, nếu không đạt kết quả cần báo cho cán bộ chi, tổ phụ nữ hoặc Hội cấp trên phối hợp với chính quyền, công an để ngăn chặn, can thiệp và xử lý kịp thời, góp phần cải thiện tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình, cộng đồng.


Hỏi:
Các cấp Hội phụ nữ cần phải làm gì để Nghị định được thực hiện có hiệu quả, đem lại quyền lợi thiết thực cho phụ nữ?


Đáp:
Các cấp Hội phụ nữ cần làm tốt các nội dung sau:

 

- Trong việc tham gia xây dựng kế hoạch, chủ trương kinh tế - xã hội liên quan phụ nữ, trẻ em các cấp Hội cần chủ động tìm hiểu dự kiến chủ trương của Đảng, Nhà nước, địa phương ngay từ đầu, phải sâu sát với thực tế, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, trẻ em, xác định những vấn đề cấp bách, thảo luận trong Ban chấp hành hoặc Ban Thường vụ thống nhất ý kiến để tham gia có hiệu quả. Cấp Hội cơ sở cần chú ý các vấn đề như kế hoạch mở mang ngành nghề, tạo việc làm, cho vay vốn, kế hoạch sản xuất, xây dựng công trình phúc lợi, kế hoạch xây dựng khu dân cư, nhà trẻ, mẫu giáo, sắp xếp ngành hàng cho hội viên tiểu thương, quản lý đất đai, các chương trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chương trình giáo dục, y tế, văn hóa ở địa phương để chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ.

 

- Cử người có năng lực, trình độ tham gia vào các Hội đồng tư vấn, các Ban có liên quan nhiều đến PNTE, không nhất thiết cứ phải Chủ tịch hay Phó chủ tịch tham gia mà có thể cử cán bộ chuyên trách hay Uỷ viên Ban chấp hành miễn là người đó có đủ năng lực và trình độ để tham gia có hiệu quả. Người được cử tham gia trong các Hội đồng, các Ban chỉ đạo, Ban quản lý... phải chủ động tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, chính sách luật pháp liên quan đến các Ban, Hội đồng mình tham gia, đồng thời nắm chắc tình hình số liệu liên quan đến phụ nữ trẻ em để đưa ra ý kiến tham gia có tính thuyết phục.

 

- Nắm vững luật pháp chính sách để tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện cũng như vận dụng vào quy định cụ thể của địa phương để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em. Khi phát hiện có các vụ việc vi phạm liên quan đến PNTE, cán bộ Hội phải xem xét cụ thể và đề xuất biện pháp giải quyết đối với cơ quan chức năng.

 

- Chủ động đề nghị chính quyền duy trì chế độ làm việc định kỳ. Để các cuộc làm việc với Chính quyền đạt kết quả, các cấp Hội cần chuẩn bị kỹ nội dung về phong trào phụ nữ, tình hình hội viên để báo cáo và đề xuất một số vấn đề quan trọng liên quan đến phụ nữ trẻ em, có biện pháp cụ thể phối hợp cùng chính quyền theo dõi, đôn đốc thực hiện những việc đã bàn.

 

-Cần tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, phát huy vai trò nòng cốt, đổi mới nội dung, cách thức làm việc theo hướng đề cao tính chủ động, tìm tòi suy nghĩ, mạnh dạn đưa ra ý kiến sát thực để tham gia có hiệu quả vào các hoạt động quản lý Nhà nước, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em.

Theo Thông tin Phụ nữ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video