Việt Nam tắt đèn trong Giờ Trái đất

29/03/2009
20h30 tối 28/3, đèn phụt tắt tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), hàng nghìn người cầm nến đắm mình trong tiếng nhạc dịu êm. Tại TP HCM, hàng loạt nhà hàng, thương xá tại quận 1, quận 5 cũng chuyển sang dùng nến, hưởng ứng Giờ Trái đất.

Từ 20h30 đến 21h30, Hà Nội, Huế, Hội An, Khánh Hòa, TP HCM, Cần Thơ cùng với gần 4.000 thành phố tại 88 quốc gia đã đồng loạt tắt đèn và thiết bị điện không cần thiết.

Ở Việt Nam, tâm điểm của Giờ Trái đất diễn tại Quảng trường Cách mạng Tháng 8 (trước Nhà hát Lớn Hà Nội). 20h30 đèn phụt tắt, hàng nghìn người trên tay cầm nến giơ cao, đắm mình trong tiếng nhạc dịu êm của ca khúc "Em ơi Hà Nội phố". Ban tổ chức đã chuẩn bị chừng 1.500 cây nến để phát cho những người tham gia sự kiện được mở cửa tự do này.

Các ca sĩ, nhạc công trong nước và quốc tế đang biểu diễn dưới ánh sáng của các cây nến cắm hai bên sân khấu. Cầu thang bên ngoài Nhà hát Lớn cũng được trang hoàng bằng những cây nến to, tạo vẻ đẹp lung linh vào thời điểm tắt đèn. Tại đây có các màn hình lớn để người dân chứng kiến hình ảnh sự kiện diễn ra tại các thành phố khác trên thế giới như Sydney, Toronto, New York...

21h, khu vực xung quanh Hồ Gươm đã tắc nghẽn, không chỉ các điểm công cộng, nhiều nhà hàng, hộ dân cũng tình nguyện tắt đèn. Rất nhiều bạn trẻ đã đi bộ xung quanh hồ trong không gian mờ ảo, dịu mát giao mùa xuân - hạ.

"Từ nhiều ngày nay các bạn em đã bàn tán xôn xao trên mạng về chiến dịch Giờ Trái đất. Hôm nay, tụi em cũng đã tắt đèn tại ký túc xá từ 19h đến 24h để hưởng ứng", Nam, chàng sinh viên năm thứ hai, ĐH Quốc gia Hà Nội nói.

Tại khách sạn Fortuna, 20h30, toàn bộ đèn chiếu sáng tại sảnh và khu vực dạ tiệc tắt phụt, hơn 100 du khách châu Âu ngồi trong ánh nến tại khu vực bể bơi, thưởng thức rượu vang và xem phim về... bảo vệ môi trường.

Ông Frank Chin, quốc tịch Australia chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia sự kiện này ở Việt Nam. Ở nước tôi, sự kiện Giờ Trái đất đã được tổ chức năm 2007. Tôi mong rằng, sau sự kiện này, sẽ có nhiều người nhận thức được sự thay đổi của khí hậu và những ảnh hưởng xấu của nó đến môi trường”.

Giờ Trái đất còn được tổ chức tại một loạt điểm quan trọng như Cầu Thê Húc, Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn, tượng đài Lý Thái Tổ, SVĐ Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Quốc gia Hà Nội và nhiều khách sạn...

UBND TP Hà Nội cũng lưu ý không được tắt đèn tại các khu vực bệnh viện, nhà máy sản xuất, đèn tín hiệu giao thông, đèn đường đảm bảo giao thông... 100% quân số cảnh sát cơ động được huy động đến các khu vực "tắt đèn" để giải quyết tắc nghẽn và chống đua xe trái phép, phòng ngừa tội phạm.

Tại TP HCM, khu vực UBND thành phố và hàng loạt nhà hàng, thương xá tại quận 1 đã đồng loạt tắt đèn. Hàng chục nghìn người đổ về trung tâm thành phố để chứng kiến sự kiện lần đầu diễn ra tại Việt Nam. Nhiều du khách nước ngoài thích thú ngồi trong những nhà hàng thắp nến, ngắm đường phố.

Gạt những giọt mồ hôi trên trán, chị Nguyễn Thị Hạnh (quận 4) cho biết: "Việc tắt bớt đèn và các thiết bị điện không cần thiết là việc làm tốt để bảo vệ môi trường. Thành phố nên duy trì hằng năm, thậm chí mỗi năm nên tổ chức vài lần để nâng cao nhận thức của mọi người".

Giờ trái đất là chiến dịch toàn cầu của WWF, kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng tắt đèn trong một giờ từ 20h30 đến 21h30 ngày 28/3 để ủng hộ nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Chiến dịch Giờ Trái đất khởi xướng tại Sydney năm 2007 với sự tham gia của 2 triệu người. Năm 2008, hơn 50 triệu người trên thế giới tham gia. Năm 2009, Giờ trái đất hướng tới con số 1 tỷ người tại 1.000 thành phố tham gia. Tuy nhiên, hiện đã có 4.000 thành phố ở 88 quốc gia đăng ký tham gia sự kiện này.

Theo vnexpress.net

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video