Vươn lên trong gian khó

18/09/2020
“Chồng bệnh tật, chị Nguyễn Thị Sương, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Làng Đông, xã Lộc Hòa vẫn gầy dựng được mô hình kinh tế thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị cũng là người tích cực tham gia các phong trào phụ nữ”, chị Lê Thị Phương Lam, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lộc đánh giá.
Chị Nguyễn Thị Sương vừa sản xuất giỏi vừa tích cực tham gia phong trào

Ngôi nhà kiên cố, khang trang đầy đủ tiện nghi của vợ chồng chị Sương nằm giữa trang trại rộng lớn. Trang trại có hơn ngàn con gà, hàng chục con heo thịt sắp xuất chuồng.

Chị Sương cho biết, mỗi lần đi tham gia nấu ăn phục vụ tại khu cách ly phòng chống dịch COVID-19, chị phải dậy từ 4h sáng. Tranh thủ tắm rửa, dọn dẹp chuồng trại, chuẩn bị thức ăn sẵn cho đàn heo, chị mới yên tâm lên đường. “Về đến nhà hơn 6h tối, tôi tiếp tục lặp lại công việc này thêm lần nữa. Vất vả nhưng vì mong sớm đẩy lùi dịch COVID-19 nên tôi sắp xếp việc riêng để tham gia nhiệm vụ chung cùng xã hội”, chị Sương bày tỏ.

Nhớ lại nỗ lực vươn lên trong gian khó của mình, người phụ nữ năng động, tháo vát tuổi 50 cho biết, gần 20 năm trước, chị bén duyên vợ chồng với anh Lê Văn Lực, người đàn ông bị liệt một chân, trong sự ngăn cản của gia đình. Không được ủng hộ về tinh thần, cái nghèo cái đói lại bủa vây, nhưng tình yêu, sự đồng cảm đã tiếp cho vợ chồng chị sức mạnh. Chị Sương xin đất của xã xây nhà tạm và hàng ngày chị lên núi chặt củi về bán. Qua một năm ki cóp, chị Sương cũng đủ tiền mua được cặp heo giống. Niềm tin và hy vọng vươn lên được nhen lên từ đó. Chị dành công sức chăm sóc cặp heo, tiền bán heo chị dùng để tăng đàn.

Thấy triển vọng từ chăn nuôi, chị Sương quyết lập trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để hạn chế rủi ro khi chăn nuôi tập trung, chị tìm sách, báo nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do hội phụ nữ các cấp phối hợp tổ chức, rồi vay vốn xây trang trại kiên cố và đầu tư thêm con giống. Chị tận dụng thức ăn tự nhiên nuôi gà lai đá, để vừa bảo đảm chất lượng gà vừa tiết kiệm chi phí thức ăn trong quá trình nuôi.

Mỗi năm tăng đàn một ít, đến nay trang trại chăn nuôi của chị Sương được đánh giá là mô hình tốp đầu trong xã. Chị được Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam ủy thác làm đại lý chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi, con giống và dịch vụ  kỹ  thuật phát triển bền vững. Trung bình 3 tháng, chị Sương xuất một lứa gà 1 ngàn con, và hàng chục con lợn. Từ đầu năm đến nay, chị xuất 2 lứa gà, một lứa heo, hiện đang chuẩn bị xuất thêm hơn 30 con heo thịt. Theo chị Sương, so với năm trước, năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá cả sụt giảm nhiều nhưng mỗi lứa gà, chị vẫn thu lãi gần 30 triệu đồng; riêng heo lãi một con hơn 2 triệu đồng.

Để phát triển sản xuất, chị Sương tiếp tục cải tạo vườn trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ và đã cho thu hoạch năm đầu tiên. Thành quả chị Sương gầy dựng được có sức thuyết phục, nên nhiều hội viên khác đã mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Sương còn là “cây” phong trào tại địa phương. Chị tích cực đi đầu trong mọi hoạt động và đã 5 lần tham gia hiến máu tình nguyện. 

Với vai trò Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Làng Đông, chị Nguyễn Thị Sương luôn tâm niệm, mình phải dám nghĩ, dám làm mới “truyền lửa” cho chị em khác. Chị Sương từng được nhận nhiều bằng khen, giấy khen trong lao động sản xuất giỏi và có nhiều thành tích trong công tác phụ nữ. Hiện, chị đang làm hồ sơ nhận Kỷ niệm chương vì sự phát triển của phụ nữ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

https://baothuathienhue.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video