Yên Bái: Chính quyền gia tăng hành động, cộng đồng gia tăng nhận thức ngăn chặn bạo lực phụ nữ và trẻ em

05/08/2022
Bài 2: Chính quyền gia tăng hành động, cộng đồng gia tăng nhận thức
10 cuộc truyền thông đã được Dự án triển khai góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bạo lực phụ nữ, trẻ em

Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Yên Bái phối hợp thực hiện tại hai xã Bình Thuận và Minh An, huyện Văn Chấn (từ tháng 10/2019 - 9/222). Với các hoạt động của Dự án, cán bộ địa bàn 2 xã Bình Thuận, Minh An có thêm điều kiện để hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình; cộng đồng ở 2 xã được nâng cao nhận thức và thái độ đối với bạo lực phụ nữ và trẻ em.

Chính quyền gia tăng hành động

Ông Lê Xuân Đồng - điều phối viên Dự án Hagar cho biết: “80% cán bộ địa phương tham gia Dự án tăng cường năng lực và cam kết về phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái và hỗ trợ các trường hợp dựa theo hiểu biết về sang chấn là một trong những mục tiêu Dự án đặt ra. Để thực hiện mục tiêu này, Dự án đã thành lập 2 tổ phản ứng nhanh tại 2 xã Minh An, Bình Thuận”.

Tổ phản ứng nhanh ở mỗi xã có 15 thành viên với sự tham gia của lãnh đạo UBND xã, đại diện một số hội, đoàn thể và ngành chức năng, trực tiếp chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng. Ông Hoàng Văn Vượng - Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh xã Bình Thuận thông tin: “Song song với việc nắm bắt tình hình nhanh chóng, kịp thời, để công tác hỗ trợ nạn nhân có chiều sâu, toàn diện, Tổ phản ứng nhanh đã lồng ghép các hoạt động tuyên truyền tại các buổi họp thôn, đặc biệt là tổ hòa giải thôn đến các gia đình có xảy ra tình trạng bạo lực để hòa giải, phân tích đúng sai, cung cấp kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ về quyền của họ, giúp họ tăng sự tự tin và giúp nam giới nhận thức, biết cách kiềm chế bản thân”.

Ông Triệu Đức Quý - Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh xã Minh An cho biết: “Qua khảo sát, từ thời điểm năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã có 29 cặp vợ chồng có bạo lực gia đình, trong đó 3 cặp có nguy cơ ly hôn. Tổ phản ứng nhanh đã tổ chức thực hiện các bước quy trình giúp đỡ, trợ giúp pháp lý, tư vấn sức khỏe, hòa giải, xử lý vi phạm và nhất là vận động tham gia Câu lạc bộ “Gia đình chung sức - vun đắp yêu thương” để hỗ trợ, hàn gắn cho các cặp vợ chồng. Đến nay 3 cặp vợ chồng có nguy cơ ly hôn đã trở lại bình thường”. Việc vận động tham gia Câu lạc bộ không hề dễ dàng, nhất là đối với nam giới. Các thành viên Tổ phản ứng nhanh đã kiên trì gặp gỡ từng người. Đặc biệt, ông Triệu Đức Qúy khi đó là Chủ tịch UBND xã với thái độ chân thành đã kiên nhẫn chia sẻ với những nam giới hay gây bạo lực về suy nghĩ mỗi gia đình đều gặp những khó khăn trong cuộc sống, các thành viên có thể chia sẻ cùng nhau để vượt qua khó khăn đó; mâu thuẫn vợ chồng là điều khó tránh khỏi, giáo dục con cái cũng là vấn đề khó khăn, chúng ta cần những kiến thức và kỹ năng để khắc phục những điều đó. Nhiều người dần dần đã bị thuyết phục bởi lý lẽ và chân tình của người cán bộ xã.

Thành viên Tổ phản ứng nhanh xã Bình Thuận thăm hộ gia đình có bạo lực gia đình

Chị Trần Lệ Thu - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Phưa, thành viên tổ phản ứng nhanh xã Minh An chia sẻ: “Có khi nửa đêm, có lúc đang bữa cơm nhưng nhận được điện thoại hay thông tin về gia đình nào đó đang xảy ra bạo lực là tôi đến ngay. Không thiếu những lần tôi bị người đàn ông gây bạo lực  đe dọa, chửi bới không nể nang. Với kiến thức, kỹ năng từ tập huấn của Dự án và sự đồng cảm với nạn nhân, tôi đã trực tiếp can thiệp, trợ giúp thành công 5 cặp gia đình xảy ra bạo lực nặng. Ngôi nhà của tôi trở thành nhà tạm lánh cho 4 trường hợp nạn nhân”.

Gần 3 năm qua, các thành viên tổ phản ứng nhanh của 2 xã đã thực hiện gần 400 lượt thăm hộ gia đình nạn nhân hoặc nắm thông tin qua điện thoại; hòa giải thành công 31 cuộc xung đột xảy ra tại địa bàn; lập kế hoạch đề xuất hỗ trợ cho 270 trường hợp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.

Cộng đồng gia tăng nhận thức

Để nâng cao nhận thức và thái độ của cộng đồng đối với vấn đề bạo lực phụ nữ và trẻ em, các hình thức truyền thông đa dạng được triển khai.

Hội thi truyền thông “Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc” với hình thức sân khấu hóa qua các tiểu phẩm vừa sinh động, thu hút người xem vừa sâu lắng nhiều thông điệp. Câu chuyện về người vợ thường xuyên có thái độ dè bỉu, chê bai chồng với công việc thấp kém giúp nhiều người nhận diện một thứ bạo lực gia đình mà họ ít khi nghe đến - bạo lực tinh thần.

Bà Đoàn Thị Thư - thôn Khe Phưa, xã Minh An cho biết: “Trước nay, cứ nghĩ chỉ có thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mới là bạo lực. Mà trước nay cũng thường chỉ thấy có đàn ông bạo hành với vợ, giờ hiểu ra rằng cũng có những gia đình người bị bạo hành lại là người chồng. Ai là nạn nhân của bạo lực gia đình dù hình thức nào thì cũng thấy đều đáng thương cả”.

Nhiều nam giới gây bạo lực thuận lòng tham gia Câu lạc bộ “Gia đình chung sức - Vun đắp yêu thương” nhờ sự kiên trì vận động của cán bộ xã

Chuyện về người chồng lạc lối ma men, đánh đập vợ con hay người đàn ông nghiện ngập, bỏ bê gia đình… là những chuyện dễ thấy trong xã hội nhưng được hiện hữu trên một sân khấu xã bình dân vẫn cứ neo lại nơi tâm trí nhiều người về những điều đắng cay, sai trái. Sẽ có những người nhận ra chính mình trong đó; có những khoảng lặng trôi theo giọt nước mắt, nỗi sợ hãi của nạn nhân bạo lực gia đình phía trên sân khấu; có cả những kiến thức pháp luật được đan cài dễ hiểu, dễ nhớ. Chị Dương Thị Mai - thôn Đồng Quẻ, xã Minh An chia sẻ: “Mình có thêm kiến thức hữu ích về phòng, chống bạo lực gia đình để về chia sẻ thêm với các thành viên gia đình, không cho bạo lực có cơ hội nảy sinh trong gia đình mình”.

Hội thi “Sáng kiến phòng, chống xâm hại tình dục học đường” đã được tổ chức cho các em học sinh Trường THCS Bình Thuận, trở thành một trong những hội thi thành công nhất từng được tổ chức tại đây. “Hội thi mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho cả người thi và người xem. Khán giả bị hút vào những kiến thức bổ ích, cuốn vào hình thành k năng tự bảo vệ mình và người thân trước vấn nạn xâm hại tình dục luôn hiện hữu xung quanh” - ông Nguyễn Văn Khiển - Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thuận nhận xét. Qua Hội thi, các em được viết, được vẽ, được hóa thân trong các vai diễn. Có em đã từng bị xâm hại không còn tự ti, mặc cảm dám nói, dám viết, dám xây dựng kịch bản, vẽ tranh từ những câu chuyện, tình huống đã trải qua. Hội thi giúp thay đổi rất nhiều về nhận thức cho các em học sinh và giúp các em có kiến thức, có k năng phòng tránh trước các hành động, biểu hiện của xâm hại tình dục.

10 cuộc truyền thông như thế đã được tổ chức ở hai xã địa bàn Dự án. Bà Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái, Phó ban Quản lý Dự án chia sẻ: “Dự án đã có những đóng góp lớn đối với sự thay đổi của cộng đồng địa bàn Dự án, từ trách nhiệm, hành động của cán bộ cho đến nhận thức của người dân, đặc biệt là hội viên và phụ nữ được trực tiếp thụ hưởng Dự án; đồng thời cũng mang lại sự lan tỏa đến hội viên và phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh về nhận thức, ý thức phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Yên Bái đang thực hiện nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân. Muốn vậy, cũng cần làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có phòng, chống bạo lực phụ nữ, trẻ em. Hiệu ứng lan tỏa này là tiền đề tích cực và khẳng định sự tham gia của phụ nữ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh”.

Hạnh Phạm

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video