Yên Bái: Nghệ nhân nỗ lực xóa đói nghèo và gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc Thái

25/07/2021
Sinh năm 1951, nghệ nhân Điêu Thị Xiêng, người dân tộc Thái, đã và đang có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong giữ gìn bản sắc dân tộc cũng như xây dựng đời sống mới, xóa đói, giảm nghèo.
Lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái trao bằng cộng nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho nghệ nhân Điêu Thị Xiêng

Sinh năm 1951, nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (bản Đêu 1, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) là người dân tộc Thái. Bà đã và đang có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong giữ gìn bản sắc dân tộc cũng như xây dựng đời sống mới, xóa đói, giảm nghèo ở quê hương mình. Năm 2019, bà vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Góp phần xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng

Năm 1978, cô gái Điêu Thị Xiêng lấy chồng. Gia đình chồng cũng nghèo, neo người vì bố chồng mất sớm, một mình mẹ chồng tần tảo nuôi con. Lúc về chung một nhà, vợ chồng bà chỉ có một căn nhà tranh tre dột nát. Bà sinh 4 người con nên cuộc sống càng khó khăn. Vốn chăm chỉ, chịu khó và tiết kiệm, vợ chồng bà đã không ngại khó khăn chăm lo sản xuất. Nhờ biết quan sát, chịu khó học hỏi kinh nghiệm những hộ gia đình chăn nuôi, sản xuất giỏi trong xã nên gia đình bà dần tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, nhờ đó gia đình không còn phải chịu đói.

Từ hộ nghèo đến đầu năm 2000, nhờ trồng lúa, ngô, nuôi trâu, bò, lợn gà, mỗi năm gia đình bà thu được 50-70 triệu đồng/năm. Có được những thành công này là do bà được tham gia Hội LHPN xã vào năm 1992. Tại đây, bà được cán bộ Hội và các hội viên hướng dẫn áp dụng những kinh nghiệm sản xuất hay, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ năm 1995, khi làm Chủ tịch Hội LHPN xã, bà Xiêng tập trung vào công tác vận động, tuyên truyền xóa đói giảm nghèo, hướng dẫn chị em áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Đặc biệt, bà cũng là người tiên phong trong tuyên truyền, vận động phụ nữ xóa đói giảm nghèo bền vững.

Nghệ nhân ưu tú Điêu Thị Xiêng với chiếc máy tẽ ngô tại Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2013

Đặc biệt, năm 2007, bà tìm tòi làm một chiếc máy tẽ ngô quy mô gia đình, giá thành thấp để nhiều bà con có thể ứng dụng. Và bà đã thành công trong việc chế tạo máy tẽ ngô tăng năng suất lên 6 lần so với việc tách bằng tay. Bình thường một lao động trong 8 giờ liên tục tẽ ngô bằng tay chỉ được khoảng 40-50 kg nhưng nếu dùng chiếc máy này sẽ tẽ được 300 kg. Sản phẩm được bà mang đến Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2013 do Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức. Với sản phẩm này, bà đã được tặng Bằng khen của TƯ Hội LHPN Việt Nam

Gìn giữ những di sản văn hóa của người Thái

Bà Điêu Thị Xiêng là một trong số ít người nắm vững các tập tục, tín ngưỡng cũng như am hiểu sâu sắc các làn điệu, múa xòe của người Thái ở Nghĩa Lộ.

Từ khi chỉ là cô bé 5 tuổi, bà đã được theo mẹ đến các đám cưới hỏi trong bản, tham dự những sự kiện quan trọng của gia đình, người thân. Vốn yêu thích và có năng khiếu ca hát, bà trở thành "họa mi" của bản, là người hát hay, xòe khéo, biết và thuộc nhiều điệu múa xòe, làn điệu xòe.

Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (phải) luôn gần gũi với phụ nữ để vận động chị em thực hiện nếp sống mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Bằng nhiệt huyết và tình yêu của mình với văn hóa dân tộc, bà trở thành "hạt nhân" của các đám xòe, từ thời thiếu nữ tới khi làm vợ, làm mẹ, làm bà. Cùng với Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến, bà là một trong số ít người lưu giữ, truyền dạy xòe cho thế hệ trẻ tại địa phương. Bà có thể sáng tác được các bài hát Khắp, vừa có thể sưu tầm, sáng tác vừa có khả năng biểu diễn sáng tác của mình. Hiện nay, trong sổ tay của nghệ nhân Điêu Thị Xiêng đã có hàng trăm bài Khắp, từ bài hát cổ sưu tầm chép lại đến bài do bà đặt lời.

"Lúc bé tôi thường học theo bà và mẹ, lớn lên thì tham gia đội văn nghệ của thôn, bản và may mắn được nghệ nhân Lò Văn Biến dạy 6 điệu xòe cổ và chữ Thái cổ. Là người Thái phải có trách nhiệm lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình nên tôi cố gắng học được đến đâu thì hướng dẫn lại cho lớp trẻ kế tục truyền thống của cha ông", bà Xiêng chia sẻ.

Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (thứ 5 từ phải sang) dạy Khắp cho đội văn nghệ Hạn Khuống

Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã từ năm 1995 đến năm 2016, gần 20 năm ấy, bà luôn nỗ lực làm tốt các vai trò của mình, cùng bà con thực hiện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nếp sống mới. Ngay cả khi về hưu, bà vẫn bền bỉ cùng cộng đồng giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Thái.

Không thể để những bài dân ca Thái bị mai một, bà đã vận động ông Lò Văn Tâm, một "quảng khắp" - người hát giỏi ở bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi và ông Cầm Văn Long (phường Pú Trạng), người đã có hơn 40 năm dày công nghiên cứu khèn bè và pí, cùng tham gia truyền dạy hát Khắp, những điệu dân ca Thái cho lớp trẻ. Lúc đầu lớp học chỉ có vài chị em cùng sở thích, bằng sự vận động bền bỉ cùng những buổi văn nghệ trong các buổi ra mắt thôn, bản văn hóa, trong dịp khai giảng năm học mới, dân ca Thái dần ngấm vào lớp trẻ và thu hút nhiều người tham gia học.

Hiện nay, đội dân ca của xã Nghĩa An đã thu hút người dân từ bản Đêu, Vệ, Nà Vặng, Nậm Đông tham gia học hát, múa xòe, học Khắp, học pí. 8/8 thôn, bản của xã Nghĩa An đều có đội văn nghệ, đội múa xòe.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video