Người đem “Phép màu” trong điều trị ung thư cho trẻ
Duyên với nghề
Bác sĩ Lan nhớ lại, khi chị học bác sỹ nội trú, thời điểm đó Việt Nam chưa có thuốc điều trị ung thư, hầu hết bệnh nhân chẩn đoán bệnh ung thư phải đi tìm thuốc từ nước ngoài mang về hoặc ra nước ngoài chữa bệnh. GS. Nguyễn Công Khanh là người thầy đã truyền động lực cho chị; tạo điều kiện cho các học trò được đi học ở nước ngoài và đề nghị Bộ Y tế nhập thuốc điều trị ung thư. Khoa Ung thư bắt đầu được thành lập, là khoa ung thư nhi đầu tiên ở Việt Nam và chị bén duyên với “Điều trị bệnh nhi ung thư” từ khi tốt nghiệp Bác sỹ nội trú.
Trong những năm qua, bác sĩ Lan đã trực tiếp tham gia khám và điều trị cho các bệnh nhi ung thư, chủ trì hội chẩn, tham gia hội chẩn cấp bệnh viện, liên viện, hội chẩn chuyên gia quốc tế. Kết quả điều trị thành công các bệnh lý ung thư trẻ em đã đạt ngang tầm các nước khu vực như bạch cầu cấp dòng lympho đạt trên 70%; u nguyên bào gan, u nguyên bào thận, u tế bào mầm ngoài sọ, u lympho không Hodgkin đạt trên 80%. Đặc biệt, chị đã góp phần điều trị thành công nhiều trẻ mắc ung thư hiếm gặp, hoặc ở giai đoạn IV mà trước đây trẻ phải ra nước ngoài điều trị; triển khai các kỹ thuật cao theo kịp trình độ quốc tế: ghép tế bào gốc tạo máu cho 60 bệnh nhi; điều trị cho 06 bệnh nhân bạch cầu cấp dòng lympho B kháng trị hoặc tái phát tủy xương đạt kết quả tốt trên cơ sở tiếp cận được nguồn viện trợ nhân đạo thuốc đích Blinatumomab trị giá gần 40 tỷ đồng; tiêm hoá chất động mạch mắt để bảo tồn mắt cho 30 bệnh nhi u nguyên bào võng mạc mà trước đây trẻ phải khoét bỏ nhãn cầu hoặc tử vong; tiêm hóa chất và nút mạch gan cho 5 bệnh nhi u nguyên bào gan giúp mổ cắt u gan lớn thành công; ghép gan thành công cho 2 bệnh nhi u nguyên bào gan mà trước đây không thể cứu được; mổ cắt thận bảo tồn, cứu sống cho 2 bệnh nhi u nguyên bào thận 2 bên; mổ bảo tồn chi 10 bệnh nhân mắc sarcoma xương, sarcoma mô mềm mà trước đây phải cắt cụt chi.
Bác sĩ cao cấp Bùi Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Ung thư, Bệnh viện Nhi
Từ năm 2020 đến nay, bác sĩ và tập thể bệnh viện đã phối hợp với Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thực hiện xạ trị áp sát cho 5 bệnh nhi bị sarcoma cơ vân âm đạo, bàng quang, lưỡi. Đây là kỹ thuật khó chưa từng thực hiện được ở trẻ em, giúp cứu sống và bảo tồn được các tạng của trẻ; phối hợp với bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện xạ trị dưới gây mê cho bệnh nhi để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Trong quá trình làm việc, Bác sĩ Lan thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị có hiệu quả cao trên thế giới, liên hệ với Bệnh viện của Trường Đại học Quốc gia Singapore để kịp thời có các thuốc hiếm điều trị cho bệnh nhi.
Đào tào thế hệ tương lai
Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, bác sĩ Lan còn tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh và hội chẩn các ca bệnh khó, tích cực hỗ trợ thuốc và chuyên môn cho một số bệnh viện tỉnh, khoa Nhi Bệnh viện K Tân triều để bệnh nhi không bị gián đoạn điều trị trong thời gian giãn cách đại dịch COVID-19, hạn chế tái phát bệnh.
Đồng thời có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Tiêu biểu là chủ nhiệm 3 đề tài cấp cơ sở và là thành viên 2 đề tài cấp cơ sở khác đã được nghiệm thu, 3 bài báo được công bố quốc tế và 68 bài báo được công bố trong các tạp chí có uy tín trong nước. Đồng tác giả 1 sáng kiến được cấp chứng nhận bản quyền tác giả. Là giảng viên kiêm nhiệm của 6 trường Đại học khối y dược và điều dưỡng. Hướng dẫn tốt nghiệp 14 bác sĩ nội trú, cao học và chuyên khoa 2, trong đó có 13/14 là bác sĩ nữ. Tham gia giảng dạy các đối tượng bác sĩ, điều dưỡng sau đại học, các lớp đào tạo chuyên ngành ung thư nhi cho bệnh viện tuyến tỉnh.
Động lực gắn bó, vượt qua khó khăn
Ung thư trẻ em có tiên lượng tốt hơn ung thư người lớn. Nhiều bệnh ung thư ở trẻ em có thể khỏi bệnh đến 80%. Khi mắc bệnh, có cháu rất nặng, nhưng sau khi điều trị nhiều năm đã khỏi bệnh, học giỏi, lập gia đình, có con. Đó là động lực rất lớn để chị và các đồng nghiệp tiếp tục cống hiến cho lĩnh vực khó này.
Là 1 trong những lĩnh vực khó nên trong quá trình công tác chị gặp không ít khó khăn. Có những lần, khi gặp các ca bệnh khó, Việt Nam mình chưa có đủ khả năng chẩn đoán xác định bệnh, phải hội chẩn với chuyên gia, gửi bệnh phẩm ra nước ngoài để chẩn đoán; có khi có chẩn đoán rồi nhưng lại không có thuốc, đặc biệt là thuốc đích mới để điều trị cho các cháu. Trung tâm ung thư nhi của BV nhi nói chung và các khoa điều trị ung thư nhi trong cả nước luôn trong tình trạng quá tải, các nhân viên đa phần trẻ có thời gian đi học nâng cao hoặc có thời gian sinh đẻ nên có thời điểm những người đi làm phải làm 200% công suất.
Nhưng với tâm huyết với nghề và yêu trẻ, tình thương trước những đau đớn mà trẻ ung thư phải chịu đựng đã tiếp thêm động lực cho bác sĩ Lan, giúp chị vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục kiên trì con đường mình đã chọn – con đường cứu sống và mang lại cuộc sống bình an, mạnh khỏe hơn với trẻ em không may mắc bệnh hiểm nghèo.