Những trái tim nhân hậu
* Cảm hóa bởi tấm lòng
Gặp nhau tại Hội nghị “Tuyên dương học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó” năm 2009 của phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình, cả chị Phùng Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường và 3 mẹ con chị T đều phấn khởi. Chị T chỉ tay xuống dưới sân UBND phường cười rạng rỡ, nói: “Nhà em đợi ở dưới ấy”. Ít ai biết cách đây 2 năm, gia đình hạnh phúc ấy tưởng như đã tan vỡ.
Gia đình chị T thuộc diện hộ nghèo ở Bồ Xuyên, nhà chỉ có 20m2 lợp ngói nhưng hai con gái lớp 3 và lớp 6 lại học rất giỏi. Anh H làm nghề đạp xích lô, hay rượu chè, chị T bán rau ở chợ, hoàn cảnh rất khó khăn. Đã vậy, anh H lại thường xuyên đánh chửi, đuổi vợ không cho vào nhà. Ban hòa giải Tổ dân phố đã nhiều lần đến can ngăn, khuyên giải nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy. Đầu tháng 5/2007, vợ chồng anh chị xảy ra xô xát lớn, chị T cùng 2 con gái bỏ về nhà mẹ đẻ.
Được tin, chị Phùng Thị Bạch Tuyết tìm về tận nơi. Nhà mẹ đẻ chị T cũng nghèo, bà cụ cùng con gái và 2 đứa cháu phải ngủ chung trên 1 cái giường cũ. Chị T kể trong nước mắt: Chồng chị vì muốn có con trai nên ghét bỏ, đánh đập vợ và 2 đứa con vô tội, không lo lắng, quan tâm đến gia đình. Trở về, lòng chị Tuyết buồn như xát muối.
Sau nhiều lần đến tìm không gặp, sẩm tối hôm đó, chị Tuyết quyết định đón 2 cháu nhỏ về ngồi đợi ở góc khuất sân nhà hàng xóm, quyết “rình” để nói chuyện với anh H một lần. Sẵn hơi men, anh H chẳng nể tình, không tiếc lời mắng mỏ, xỉ vả, xua đuổi. 2 đứa trẻ ôm chặt lấy bác Tuyết khóc nức nở, chị Tuyết cũng chẳng cầm được nước mắt xót xa. Sau này nhớ lại, chị Tuyết cũng chưa hiểu chính xác vì sao thời điểm đó anh H lại chuyển lòng đổi ý, chịu lắng nghe chị. Có thể vì thương các con, có thể vì cảm động trước tấm lòng của một người dưng như chị, cũng có thể vì sâu thẳm trong lòng anh vẫn luôn có tình cảm gắn bó máu thịt với gia đình.
Khi anh H đã sẵn lòng dốc bầu tâm sự, chị mới từ tốn, nhẹ nhàng khuyên nhủ: Tiền chị T vất vả kiếm được mỗi ngày không đủ trang trải chi tiêu. Người đàn ông là trụ cột của gia đình, phải cùng vợ lo cuộc sống, chăm sóc các con. Đã là vợ chồng phải tin tưởng, tôn trọng, yêu thương nhau. Chị cũng phân tích thêm, việc anh H đánh chửi vợ là phạm pháp và trái với đạo đức, làm tổn thương tình cảm của các con, ảnh hưởng đến tâm hồn non nớt, trong sáng của chúng. Như thế, tương lai của các con anh sẽ ra sao ? Anh mới có 2 con mà gia đình đã khó khăn như vậy, sao lại bắt vợ sinh thêm ? ”Trai mà chi, gái mà chi. Con nào có nghĩa, có nghì thì hơn”. Chị chân tình khuyên anh H bỏ rượu để tránh những hậu quả khó lường và hứa sẽ hướng dẫn vợ anh biết tính toán, lo toan công việc gia đình sao cho hợp lý, biết lựa tính chồng, khéo léo động viên nhau cùng xây dựng tổ ấm.
Một tuần sau, chị Tuyết cùng các chị trong Ban Thường vụ Hội phụ nữ phường đưa mẹ con chị T về nhà. Anh H mời tổ hòa giải, anh trai và 2 người bạn đến dự bữa tiệc ngọt đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Hội Phụ nữ cũng quyết định cho chị T vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH để chuyển sang kinh doanh thực phẩm; tặng sách giáo khoa cho 2 cháu nhỏ và đề xuất Ban Dân số-Gia đình của Phường thường xuyên quan tâm đến các cháu.
Gia đình anh H, chị T nay đã hòa thuận. Hạnh phúc gia đình ngày một bền chặt. Kinh tế khá hơn, anh chị đã sửa được nhà, mua được tiện nghi, đồ dùng sinh hoạt. 2 con gái là học sinh giỏi cấp thành phố, cấp trường. Chị T là hội viên tích cực, thành viên CLB Gia đình hạnh phúc. Tấm lòng nhân hậu của chị Tuyết thật không uổng phí!
* Cứu vớt một con người
Phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La có Trịnh Quang Khải - một Phó Bí thư Đoàn khá đặc biệt: Trẻ trung, vui nhộn, rất có trách nhiệm. Mới được phân công đảm nhiệm vai trò này nhưng anh đã cùng tập thể BCH đưa tổ chức Đoàn ở đây thực sự là địa chỉ tin cậy quy tụ đông đảo thanh niên. Ít ai nghĩ rằng, cách đây 6 năm thôi, anh còn là nạn nhân của ma túy.
Sinh ra trong một gia đình gia giáo, nền nếp, Khải đã tốt nghiệp Đại học và công tác trong ngành quản lý thị trường ở Mộc Châu. Trong giây phút yếu mềm, anh đã biến mình thành nô lệ của “nàng tiên nâu”. Giấu gia đình, giấu cơ quan, mắc nghiện ngày một nặng đến mức biết mình không thể làm tiếp được nữa, anh xin cơ quan cho thôi việc về nhà. Kể lại thì ngắn gọn như thế nhưng những ngày tháng đó đối với Khải thật dài đằng đẵng và khó khăn biết mấy. Nhất là nỗi đau của cha anh - người đảng viên, nhà giáo. Anh trở thành tâm điểm đau khổ trong gia đình, đối tượng cần cảnh giác, hoài nghi của lối xóm...Cuộc sống đảo lộn, bố mẹ buồn phiền chán nản, sự tốn kém vật chất, nỗi cô độc vì bị xa lánh, không có việc làm, cảm giác trở thành gánh nặng...Những điều đó trĩu nặng trên vai Khải vì anh vốn không phải kẻ vô lương tâm, thiếu hiểu biết.
“Trường hợp của Khải để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc” - chị Lù Thị Miền, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tô Hiệu nhớ lại. Gia đình chị và gia đình Khải ở gần nhau, láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau. Gần gũi, thăm hỏi làm công tác tư tưởng một thời gian, chị Miền bàn với gia đình Khải cho anh cai tại nhà. Chị cùng Ban chủ nhiệm CLB cai nghiện tư vấn cho gia đình Khải những kiến thức về cắt cơn nghiện, tránh tái nghiện; thể chất, tâm lý của người nghiện sau khi cắt cơn như thế nào. Chị và gia đình Khải thống nhất phải quyết tâm tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh để phòng ngừa sự cám dỗ cho Khải vận động anh tham gia các hoạt động phong trào; lấy tình thương để cảm hóa Khải; khuyến khích anh phát huy những mặt tốt. Không phụ công gắng sức, cuối năm 2005, Khải đã đoạn tuyệt được với ma túy. Vui hơn, anh được chi đoàn thanh niên tổ 3 bầu làm Phó Bí thư chi đoàn rồi Bí thư Chi đoàn, uỷ viên BCH Đoàn phường. Đặc biệt, 6/2008, Trịnh Quang Khải được bầu bổ sung làm Phó Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN phường. Một vinh dự lớn đến với Khải khi anh được kết nạp vào Đảng CSVN ngày 30/9/2009.
Khải tâm sự với chị Miền: "Đoạn tuyệt với ma tuý, đời tôi mới có tương lai". Nay Khải đã là nhân tố tích cực trong hoạt động phong trào Đoàn của phường Tô Hiệu, đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên phòng chống các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy; giữ gìn trật tự an toàn ở địa phương. Khải hẳn không bao giờ quên những việc mà cộng đồng đã làm cho anh, trong đó có bóng dáng chị Miền.
* Minh chứng thuyết phục nhất
Tân Bình,Tân Thạnh, Long An là vùng sông nước miền Tây
Nhà Huệ nghèo, cha suốt ngày say xỉn, đập phá đồ đạc, đánh chửi vợ con. Mẹ em quanh năm đi làm mướn, tần tảo gánh vác gia đình, cam chịu trước số phận. Là chị lớn trong nhà, Huệ vốn là một cô bé chăm ngoan hiếu thảo nhưng sau một lần bị chan đánh rồi xé hết sách vở, em đã bỏ học và thay đổi tâm tính, không chịu phụ giúp việc nhà mà còn đi chơi lang thang. Có người bắt gặp em tụ tập cùng nhóm thiếu niên quậy phá của xã bên...
Chị Duyên tìm mọi cách gặp Huệ. Mới đầu, em cương quyết lẩn tránh, bất hợp tác. Nhưng chị cứ kiên trì, ngày một, ngày hai, cùng sự giúp sức của mẹ Huệ, cuối cùng em đã chịu ngồi nghe chị nói chuyện. Được gợi mở, chia sẻ, em oà khóc tức tưởi, nói rất thương mẹ nhưng không chịu nổi khi thấy hình ảnh cha suốt ngày vùi đầu trong cơn say. Nhóm thanh niên hư đang rủ rê lôi kéo em... Giờ đây Huệ rất hối hận, muốn đi học trở lại. Ôm cô bé trong tay, chị Duyên xót xa vô cùng. Con gái chị cũng bằng tuổi Huệ, lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng biết bao nhiêu ! Làm sao để Huệ trở về đúng lứa tuổi của mình, làm sao giúp em trở lại trường để có tương lai tốt đẹp hơn ? Hôm đó, chị Duyên đã tâm sự rất nhiều với Huệ như nói với cô con gái nhỏ của mình, về nỗi đau khổ, vất vả của mẹ em. Trong hoàn cảnh ấy, mẹ em đã rất kiên cường vượt lên để nuôi con, gánh vác gia đình. Chỉ có những đứa con ngoan mới cho mẹ sức mạnh để vượt qua tất cả. Huệ ngồi nghe chị nói, lặng lẽ khóc...
Chị Duyên cũng gặp riêng mẹ Huệ, phân tích cho chị thấy những thiếu sót trong giáo dục con, nhất là ở lứa tuổi của Huệ, cần sự gần gũi, chỉ bảo của người mẹ, không chỉ lo cho con đủ ăn đủ mặc là tròn bổn phận. Chị cùng BCH Hội trao đổi với Hội Nông dân, Ban quản lý ấp gặp gỡ phân tích để cha Huệ nhận ra những sai lầm, dần bỏ nhậu nhẹt, chăm chỉ làm ăn...Nhân có đợt vay vốn giải quyết việc làm, tổ phụ nữ đã cho gia đình Huệ vay 5 triệu đồng để cải tạo ao nuôi cá. Nhờ thế, kinh tế gia đình ngày một khá hơn.
Huệ đã đi học trở lại. Sau khi tốt nghiệp THCS, Hội Phụ nữ xã giới thiệu em vào trường Trung cấp nghề của tỉnh vừa học nghề vừa học văn hóa. Hiện em đã có việc làm và là cán bộ Đoàn ở ấp. Em rất tích cực tham gia cùng Đoàn Thanh niên, tổ phụ nữ ấp giáo dục, vận động các thanh thiếu niên khôn vi phạm pháp luật bởi câu chuyện của chính em là minh chứng sinh động và thuyết phục nhất./.