Thái Nguyên: Nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe, giúp phụ nữ Phú Bình phát triển kinh tế
Hội LHPN huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên với 22 cơ sở trực thuộc, tổng số hội viên là 27.860 hội viên. Trong những năm qua với sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, của Thường trực Huyện ủy Phú Bình, với sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của đội ngũ Ban chấp hành, sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên, phụ nữ, công tác Hội và phong trào phụ nữ Phú Bình từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ.
Sau mỗi buổi tuyên truyền, chị em phụ nữ chú trọng hơn về sức khỏe bản thân
Chị Thân Thị Quyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết, từ năm 2018, hàng năm Hội LHPN huyện Phú Bình đều có từ 4 đến 5 buổi tư vấn, tuyên truyền và khám trực tiếp về sức khỏe tại các xã và thôn xóm. Các nhân viên y tế có hướng dẫn, tư vấn chi tiết về sức khỏe sinh sản, khám sàng lọc sức khỏe sinh sản, tầm soát ung thư cho chị em phụ nữ 5 xã: Bàn Đạt, Tân Khánh, Tân Hòa, Lương Phú và Tân Thành. Tổng số chị em được khám và tư vấn là 400 người.
Mỗi một mùa giải đều thu hút được rất nhiều chị em tham gia và chất lượng đều được nâng lên rõ rệt
Năm 2022 được sự quan tâm của Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, đã tổ chức tư vấn và khám bệnh cho gần 100 hội viên phụ nữ xã Nga My, Phú Bình. Trước đây, chị em luôn có suy nghĩ là hi sinh vì chồng, vì con, vì gia đình mà phải tằn tiện không lo cho sức khỏe của bản thân. Nhưng sau mỗi buổi tư vấn này thì chị em đã quan tâm hơn và lo cho bản thân hơn vì người phụ nữ khỏe mạnh mới chăm sóc được cho gia đình mình tốt và giảm nghèo, phát triển kinh tế".
Mô hình nuôi chim bồ câu tại xã Xuân Phương
"Khi chị em an tâm về sức khỏe thì việc tham gia làm kinh tế cũng nhiệt huyết và mạnh mẽ hơn, khi thực hiện chương trình "Phụ nữ chung tay làm kinh tế", Hội Hội LHPN huyện Phú Bình đã cho chị em vay vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật để làm kinh tế chuyển đổi. Trong năm 2021 và 2022, chúng tôi đã hỗ trợ được 10 mô hình, dùng tiền tiết kiệm của hội viên (3- 5 triệu) kích cầu, nhiều mô hình phát triển kinh tế nuôi gà, nuôi bò sinh sản phát triển rất mạnh, chị em thoát nghèo và làm giàu bền vững"- chị Quyên nói thêm.
Hội LHPN huyện Phú Bình trao bò tại xã Tân Đức, giúp hội viên thoát nghèo
Cùng với việc tổ chức tư vấn khám sức khỏe, Hội còn chú trọng việc xây dựng và nhân rộng các loại hình câu lạc bộ như dân vũ, bóng chuyền hơi giúp chị em rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe.
Tính đến thời điểm 15/3/2023, toàn huyện Phú Bình đã xây dựng được 276 mô hình câu lạc bộ các loại cho trên 27.000 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó các mô hình câu lạc bộ văn hóa văn nghệ là 90 mô hình; Thể dục thể thao, dân vũ là trên 186 mô hình.
Nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, thoát nghèo thành công
Việc thành lập các mô hình câu lạc bộ theo sở thích đã tạo điều kiện thuận lợi cho chị em hội viên tham gia sinh hoạt, nâng cao sức khỏe, đồng thời tạo không khí vui tươi, phát triển hoạt động văn hóa gắn kết cộng đồng tại các khu dân cư, từ đó góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
* Vừa qua, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Giải pháp xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích các nội dung thực tế như: Những giá trị mới về chuẩn mực đạo đức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; những giá trị cốt lõi của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới… Đồng thời đề xuất các giải pháp xây dựng người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thái Nguyên nói riêng trong thời đại mới, đáp ứng yêu cầu của xã hội và gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Kết luận Hội thảo, bà Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp Hội căn cứ hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, tình hình thực tiễn của các địa phương, đơn vị, chủ động, linh hoạt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng các tiêu chí phù hợp với vùng miền, nhóm phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ xây dựng các giá trị của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới “Có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”.
Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều phụ nữ Thái Nguyên đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều phụ nữ trở thành những doanh nhân giỏi, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh.
Bên cạnh đó, phụ nữ Thái Nguyên cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, thể dục thể thao; tích cực tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, chủ động tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân…