Để ngày càng có nhiêu phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia cơ quan Đảng, chính quyền các cấp
Còn nhớ tại Đại hội đại biểu phụ nữ Việt Nam lần thứ XII (tháng 3/2017), bà Giàng Páo Mỷ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu từng chia sẻ, bản thân bà là người con dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở một tỉnh nghèo và khó khăn nhất trong cả nước, với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có trên 80% là người dân tộc thiểu số. Được tổ chức quan tâm, tạo điều kiện học tập, công tác, cùng với sự động viên, khích lệ của gia đình và sự nỗ lực của bản thân, bà đã dần dần trưởng thành, lần lượt được điều động giữ các chức vụ Phó Chủ tịch, Chủ tịch HĐND huyện, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và hiện nay là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu.
Trên từng cương vị công tác, bà Mỷ luôn chủ động, tích cực tham mưu Thường trực Tỉnh ủy quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách về công tác cán bộ nữ, nữ dân tộc thiểu số và động viên khích lệ chị em dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu vươn lên khẳng định giới mình. Vì vậy, công tác cán bộ nữ của tỉnh Lai Châu trong những năm qua đã có những kết quả đáng khích lệ. Phụ nữ ngày càng chủ động tham gia vào đời sống chính trị, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đội ngũ cán bộ nữ trên nhiều lĩnh vực từng bước được trưởng thành, tăng cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng.
Ở Tuyên Quang, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã chú trọng quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ bình quân cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đưa vào quy hoạch cấp ủy các cấp đều vượt so với Trung ương quy định. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 48 đồng chí, trong đó nữ dân tộc thiểu số gồm 05 đồng chí, chiếm 10,4%. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 13 đồng chí, trong đó nữ dân tộc thiểu số gồm 01 đồng chí, chiếm 7,6%.
Địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là những vùng chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý nói riêng được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh toàn diện. Đó cũng là điều kiện mấu chốt để thực hiện chính sách dân tộc.
Những năm qua, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã triển khai nhiều giải pháp tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.
Kết quả Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, ở các xã vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng là nữ dân tộc thiểu số chỉ chiếm 6% tổng số cán bộ, công chức. Ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội càng thấp và càng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số trong tổng số cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng càng cao.
Cụ thể, tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số trong tổng số cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng khu vực nông thôn chiếm 6,2% so với tỷ lệ tương ứng ở khu vực thành thị là 4,3%; ở khu vực biên giới là 8,6%, cao gấp 1,5 lần khu vực khác là 5,7%.
Trong các vùng kinh tế - xã hội, Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng là nữ dân tộc thiểu số cao nhất cả nước 8,6%; tiếp theo là Tây Nguyên 5,3%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 5%. Trong khi đó, Đông Nam Bộ chỉ có 1,2% cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng là nữ dân tộc thiểu số.
Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung, tỷ lệ cán bộ, công chức là nữ dân tộc thiểu số trong cơ quan Đảng rất thấp so với nam dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội.
Công tác cán bộ nữ nói chung và nữ người dân tộc thiểu số nói riêng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ và thực hiện bình đẳng giới. Bà Giàng Páo Mỷ cho rằng, sự trưởng thành của cán bộ nữ dân tộc thiểu số là kết quả của rất nhiều yếu tố liên quan, từ tầm nhìn chiến lược, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đến xây dựng, thực hiện các chính sách giáo dục, đào tạo trẻ em gái, xây dựng nguồn nhân lực nữ, quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ dân tộc thiểu số; từ việc hạn chế định kiến giới, tập tục lạc hậu, sự xóa bỏ rào cản đến sự nỗ lực vượt bậc của bản thân trẻ em gái, phụ nữ dân tộc thiểu số.
Tiếp đó là vai trò tác động của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục coi trọng công tác giáo dục, đào tạo trẻ em gái dân tộc thiểu số và đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ dân tộc thiểu số. Cấp ủy các cấp cần có chính sách đặc thù và đảm bảo thực hiện nghiêm túc qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, chủ động tạo nguồn cán bộ nữ dân tộc thiểu số; đảm bảo nội dung, chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu cầu nhân lực thời kỳ mới. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần chủ động phát hiện, tạo nguồn, tham mưu, đề xuất với Đảng về công tác cán bộ nói chung, cán bộ nữ dân tộc thiểu số nói riêng; tạo điều kiện để cán bộ nữ có cơ hội vươn lên, nói lên tiếng nói của giới.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số nói riêng; dần xóa bỏ tập quán lạc hậu, định kiến giới và những rào cản cản trở sự phát triển của trẻ em gái và phụ nữ. Bản thân phụ nữ dân tộc thiểu số cũng cần chủ động, quyết tâm, nỗ lực, rèn luyện, tu dưỡng vượt qua rào cản, chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chủ trương, chính sách, nguồn lực dành cho giáo dục, đào tạo trẻ em gái, cán bộ nữ và chính sách phát triển nhân lực vùng dân tộc thiểu số, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước trong giai đoạn mới.