Đừng theo dõi con như thế
Việc mẹ Hiếu làm “giám sát viên” với con hầu như mọi người xung quanh ai cũng biết bởi bà biểu hiện một cách rất lộ liễu. Bà cho con tiền tiêu nhưng sau đó ngay sau đó kiểm soát xem con sử dụng nó như thế nào.Thấy con ra khỏi nhà là bà lập tức bám theo. Lúc nào bà cũng nôn nóng và cảm thấy không yên khi chưa biết con mình vừa đi đâu, làm gìvề. Bà thuộc lòng hết số điện thoại của bạn bè Hiếu và cứ vài ngày một cậu bạn của em lại bị bà“khai thác” đến là khổ sở. Thậm chí, đến cả cô giáo chủ nhiệm cũng trở thành đối tượng bị bà “khai thác” và cô phải công nhận rằng bà là phụ huynh nhiệt tình đến thăm nhà cô giáo nhất từ trước tới nay.
Cái lý của bà là làm bố làm mẹ thì có quyền biết tất cả mọi việc con mình đang làm, thậm chí đang suy nghĩ và điều đó không có gì là quá đáng cả. Bây giờ xung quanh bọn trẻ có biết bao là cám dỗ, nếu mình không kiểm soát kịp thì sổng một cái là có thể vướng vào như chơi. Bà nói thế cũng có lý vì bố mẹ nào chẳng lo lắng cho con, có làm gì thì cũng chỉ mong con được bình yên, hạnh phúc mà thôi. Nhưng có một điều họ không biết là phản ứng của con cái sẽ như thế nào nếu phát hiện ra mình đi đâu bị bố mẹ gắn ống nhòm. Rõ ràng, con cái cũng cần có những khoảng tự do riêng và bình đẳng với bố mẹ chứ. Tại sao lại có chuyện khi con thắc mắc bố mẹ đi đâu thì câu trả lời thường là “đi có việc, con không cần phải biết” hay “đó không phải là việc của con” nhưng hễ con ngỏ ý xin phép ra ngoài là họ buộc con phải giải trình một thôi một hồi cho đến lúc hết hứng đimới chịuthôi.
Một bà mẹ còn cho rằng đây là cách quan tâm con tế nhị nhất rồi. Sự tế nhị của bà thể hiện ở chỗ, không tra lục con gái, không chạy theo con mỗi khi cô ra khỏi nhà. Một phần là vì bà không thường xuyên ở nhà như bà mẹ của Hiếu, phần nữa bà đã có cách đối phó là đã có chìa khóa của phòng riêng con gái. Khoảng một tuần, đợi con gái đi vắng là bà lại lặng lẽ mở cửa phòng và cẩn trọng lục tìm từng thứ, từ những tờ giấy nháp vứt bừa bãi trên bàn học, các đồ đạc trên giường ngủ,đĩa nhạc, và cuối cùng là quyển nhật ký. Xong xuôi, bà lại sắp xếp cho đâu vào đấy như không có gì và thở phào nhẹ nhõm khi ra khỏi phòng cô con gái nếu như thấy không có gì đáng lo ngại.
Cách thăm dò con cái như bà mẹ này không phải là cá biệt. Rất nhiều bậc phụ huynh coi việc đọc trộm nhật ký, nghe trộm điện thoại của con là cần thiết, không phải vì tò mò mà muốn biết tất cả những khúc mắc, những công việc thường ngày của con cái mình để từ đó tìm cách bảo vệ hay định hướng cho con. Tuy nhiên, cách này sớm muộn gì bọn trẻ cũng phát hiện ra và phản ứng của chúng lúc này thật tệ hại. “Em cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, bố mẹ không chút nào tôn trọng em hết. Mẹ em làm thế sao em có thể tin tưởng được nữa” -một “đối tượng “ của các“do thám” bày tỏ. Một em khác khi phát hiện ra mình đang bị bố mẹ theo dõi đã chua chát nói: “Mẹ em tham dự quá nhiều vào cuộc sống riêng tư của em khiến em lúc nào cũng phải dè chừng. Ngay cả việc em hẹ hò với một bạn gái mới quen mẹ cũng biết. Chuyện chưa có gì nhưng mẹ đã vặn vẹo em đủ thứ. Cứ phải phanh phui hết mọi chuyện với mẹ như thế này em thấy bức bối quá. Sao mẹ không để em được sống đời sống riêng của mình chứ?”.
Xuất phát từ sự lo lắng cho nên việc theo dõi con của các ông bố bà mẹ là dễ hiểu, dễ thông cảm. Nhưng theo dõi một cách quá đáng như các bà mẹ nói trên thì có thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi hay chỉ làm cho các em thêm cảnh giác và nghĩ ra được nhiều mưu kế đối phó tinh vi hơn. Hãy để các em độc lập và duy trì một khoảng cách nhất định giữa mọi người thay vì chạy theo từng “nhất cử nhất động” của các con như thế. Đó là điều những đứa trẻ bị theo dõi muốn nói với bố mẹ./.