4 lời khuyên giúp phụ nữ startup vượt qua đại dịch Covid-19

13/03/2020
Bạn đang lo lắng về những tác động xấu của đại dịch Covid-19 đối với công việc kinh doanh và dự án khởi nghiệp của mình. Những lời khuyên của chuyên gia dưới đây sẽ giúp bạn vững tin đối diện với khó khăn.
Khó khăn trong mùa dịch bệnh là điều không tránh khỏi, nhưng đây cũng là cơ hội để startup thể hiện bản lĩnh của mình

Dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp startup.

Thống kê mới đây của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đối với 1.200 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa ra những con số đáng báo động. Nếu dịch bệnh kéo dài trên 6 tháng, có khoảng 60% số doanh nghiệp cho biết sụt giảm một nửa doanh thu.

Theo kết quả khảo sát, khoảng 74% doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không đủ bù đắp chi phí vận hành và lãi vay. Những ảnh hưởng bị quan của nền kinh tế tác động đến không ít các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Trong đó, có không ít các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Các startup, đặc biệt là phụ nữ khởi nghiệp cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này? Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh Nguyễn Phi Vân, thành viên Hội đồng Cố vấn của Đề án 844 (đề án được phát kiến bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vững mạnh cho Việt Nam đến năm 2025) đã đưa ra những lời khuyên có thể sẽ hữu ích với bạn.

Lùi một bước để có thể tiến 3 bước sau mùa dịch

Nếu trước đây, doanh nghiệp của bạn chưa có thời gian xây dựng nền tảng, đặc biệt là các vấn đề về kế toán, quản trị tài chính, huấn luyện nhân viên, hoàn thành các qui trình vận hành, xây dựng và tối ưu hóa các công cụ tự động hoá..., thì thời gian này chính là dịp tốt nhất để bạn quay về chấn chỉnh, xây dựng, hoàn thiện những nền tảng mà trước giờ bạn hay viện cớ bận bán hàng quá chưa làm. Bạn hãy cho mình dừng lại một chút trên chặng đường startup lùi một bước để có thể tiến 3 bước sau mùa dịch.

Cơ hội tiếp cận, thay đổi cách làm việc

Để phòng dịch, Bộ Y tế khuyến cáo không nên tập trung đông người. Đây là cơ hội để bạn làm quen với một hình thức làm việc hiện đại hơn: Tổ chức văn phòng và đội ngũ làm việc online. Làm việc từ xa là cách làm của tương lai, hiệu quả hơn, xanh hơn, dễ dàng hơn.

Có rất nhiều công cụ có sẵn để sử dụng. Ví dụ, để họp online, bạn có thể sử dụng: Zoom, Skype, hangout, meet, teams... Công cụ làm việc và quản trị dự án có Asana, Trello, slack. Công cụ chat để bàn bạc 1:1 có Viber, WhatsApp, Telegram, Wechat, Zalo, Mesenger, Line...

Với khách hàng, bạn nên thay đổi kênh bán hàng sang online. Vì dịch đã thay đổi hành vi mua hàng nên cách bán hàng của doanh nghiệp cũng phải đổi theo, nhanh chóng, dồn tổng lực đẩy mạnh các kênh online để có doanh thu sống sót trong thời gian tới. Bạn cũng nên nghĩ tới việc điều chỉnh dịch vụ sản phẩm, dịch vụ từ "tại chỗ" sang "tại nhà" để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Cắt giảm chi phí

Trong thời điểm khó khăn này, rà soát lại các loại chi phí là việc cần làm ngay. Bạn nên cắt giảm những gì không cần thiết để có thể để tồn tại. Ví dụ, đàm phán để giảm chi phí thuê mặt bằng. Nếu không cần thiết phải thuê văn phòng, bạn có thể chuyển sang làm việc online. Nên ưu tiên những loại chi phí hỗ trợ tạo ra doanh thu như xây dựng kênh bán hàng online; rà soát, chọn lọc nhân sự phù hợp…

Phát triển bản thân

Nếu bạn đang thấy buồn chán vì dịch bệnh làm cho bạn rảnh rỗi, thì đây chính là lúc bạn dành thời gian để phát triển bản thân, để học những gì bản thân cần nhất; đặc biệt là nâng cấp kiến thức về công nghệ, sáng tạo, suy nghĩ về chặng đường mới cho doanh nghiệp mình khi Covid-19 đi qua.

Khó khăn trong mùa dịch bệnh là điều không tránh khỏi, nhưng đây cũng là cơ hội để các startup thể hiện bản lĩnh, học và làm được những điều ý nghĩa cho cuộc sống, cho công việc của mình trong tương lai.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video