Bảo vệ môi trường sống, kết nối hội viên phụ nữ với mô hình “Khu phố xanh – Hướng tới tương lai”
Xây dựng, duy trì, tạo mảng xanh kết hợp vẽ tranh tại khu dân cư theo mô hình “Mảng xanh – sạch ngõ”
Hội đã chủ động kết nối, vận động kinh phí cho chi hội phụ nữ khu phố chủ động thực hiện; gợi ý các nội dung cụ thể để chi hội chủ động trao đổi bàn bạc, tham mưu với cấp ủy chi bộ, khu phố để thực hiện; giao nhiệm vụ chi hội chủ động vận động người dân xung quanh khu vực chỉnh trang mảng tường cùng tham gia thực hiện.
Việc cải tạo lại các khu vực này gồm các bước: dọn dẹp sạch sẽ không gian bị lạm dụng làm nơi để rác thải, chậu cây bể…; vận động người dân sơn vẽ lại các mảng tường theo các chủ đề, hình ảnh về môi trường; vận động người dân và các chi hội bạn tự trồng cây vào chậu và tặng cho công trình; vận động bà con nhân dân ngay tại khu vực công trình sẽ thực hiện việc chăm sóc, bảo quản và giữ gìn.
Hoạt động này được thực hiện tại 6 tuyến hẻm, nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân. Trong đó lực lượng nòng cốt tại mỗi điểm là 40 hội viên phụ nữ với tổng kinh phí thực hiện là 170 triệu đồng, toàn bộ từ nguồn vận động và đóng góp của người dân. Điểm mới trong cách làm là Hội đã tạo được sự kết nối giữa người dân với cấp ủy, ban điều hành khu phố và doanh nghiệp, mạnh thường quân; vận động kinh phí để thực hiện các giải pháp mang tính bền vững lâu dài như đèn chiếu sáng tự động bằng năng lượng mặt trời, hệ thống tưới tự động, các chất liệu sơn vẽ giúp chống thấm và giảm thiểu hư hỏng ở công trình…
Vận động người dân tham gia cải tạo, tăng cường mảng xanh, sống xanh
Hội LHPN phường đã chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ và liên kết thực hiện với tổ chức CHANGE (Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển) tổ chức cuộc thi trồng rau bằng tháp rau hữu cơ Eco “Tháp rau sạch – Nhà thêm xanh”. Bên cạnh các giải thưởng có giá trị để thu hút đông đảo các hộ dân tham gia, mục đích của hoạt động cũng nhằm hướng người dân đến việc tự cung cấp thực phẩm sạch cho chính mình và ý thức bảo vệ môi trường thông qua quy trình tái tạo rác hữu cơ của tháp rau.
Hội thi được chia thành 02 đợt, đợt 1 với 40 tháp được thực hiện ở cấp phường; đợt 2 với 60 tháp rau được triển khai thực hiện ở cấp quận. Một tháp rau có giá thị trường là 1.380.000 đồng. Ban đầu, đơn vị tài trợ chỉ hỗ trợ 50%, tuy nhiên, sau quá trình Hội trao đổi với mong muốn mô hình này được tiếp cận với các hộ gia đình khó khăn, bên đối tác đã đồng ý hỗ trợ toàn bộ kinh phí là 138 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác.
Nhằm tạo điều kiện giao lưu, trao đổi, Hội LHPN phường đã tạo 1 nhóm zalo gồm các thành viên là các hộ gia đình đăng kí tham gia cuộc thi và Ban tổ chức… qua đó, các hộ gia đình sẽ gửi hình chụp tháp rau từ lúc bắt đầu gieo hạt đến khi thu hoạch trong vòng 30 ngày để Ban tổ chức đánh giá, chấm thi. Các thành viên nhóm zalo đều trở thành những tuyên truyên viên về bảo vệ môi trường tại khu dân cư.
Giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác sinh hoạt, tái sử dụng các vật liệu tái chế
Thông qua hoạt động “Tái chế dễ thế”, chị em phụ nữ và người dân được tập huấn hướng dẫn phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt; tham gia gian hàng làm đồ tái chế, tham quan khu Triển lãm tái chế, nơi trưng bày sản phẩm từ rác tái chế và vải vụn; được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng ứng dụng VECA – ve chai công nghệ trên điện thoại thông minh. Hoạt động “Đổi rác lấy quà” với những phần quà sống xanh cũng đã thu gom được mỗi đợt khoảng 200kg rác đã được phân loại... Tất cả các hoạt động đều hoàn toàn miễn phí, ý nghĩa nên đã nhận được sự đồng tình cũng như tham gia nhiệt tình từ người dân tại các khu dân cư.
Với các giải pháp trên, Hội LHPN phường ĐaKao đã thực hiện tốt mô hình “Khu phố xanh – Hướng tới tương lai” góp phần thực hiện tốt CVĐ “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, phong trào “Chống rác thải nhựa”, vận động sự chung tay góp sức của hội viên, phụ nữ và người dân trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.