Bình Phước: Phát huy hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy” trong phòng, chống bạo lực gia đình

22/05/2025
Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương. Tại tỉnh Bình Phước, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy”, góp phần tích cực bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Sáng tạo trong truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình được địa phương và Hội LHPN xã Lộc Phú chú trọng thực hiện (Ảnh Báo Bình phước online)

Mô hình điểm tại xã Lộc Phú: Khởi đầu cho sự lan tỏa

Thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025), Hội LHPN Việt Nam chọn xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) làm điểm triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy”. Đây là khu vực có gần 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình được triển khai với sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng, nhằm hỗ trợ kịp thời nạn nhân của bạo lực gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Sau gần 4 năm triển khai, từ mô hình điểm ban đầu, Hội LHPN tỉnh Bình Phước đã nhân rộng thêm 13 “Địa chỉ tin cậy” với 286 thành viên, nâng tổng số mô hình toàn tỉnh lên 361. Trong quá trình hoạt động, Hội đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức 30 hoạt động tuyên truyền, tập huấn tại các xã thuộc Dự án 8, với tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng. Hội còn tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, liên hoan mô hình với sự tham dự của Hội LHPN các tỉnh Đông Nam Bộ. Đồng thời, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 156 lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình cho hội viên, phụ nữ, thành viên mô hình và hội viên nòng cốt.

Phát huy vai trò của nam giới và cộng đồng

Một điểm nổi bật trong triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại Bình Phước là sự tham gia tích cực của nam giới. Ngay từ khi thành lập, mô hình đã thu hút 14 thành viên, trong đó có 9 nam, chiếm 64%. Sự tham gia của nam giới trong các hoạt động tuyên truyền, tập huấn đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

A person speaking into a microphone on a stageAI-generated content may be incorrect.

Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những giải pháp được mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng xã Lộc Phú thực hiện tốt (Ảnh Báo Bình Phước online)

Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp đã chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện sớm các nguy cơ bạo lực từ cơ sở, qua đó phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng như công an, y tế, tư pháp… xử lý kịp thời 33/33 vụ việc bạo lực gia đình. Không chỉ hỗ trợ nạn nhân, mô hình “Địa chỉ tin cậy” còn góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng, nhất là tại vùng dân tộc thiểu số. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn đa dạng và gần gũi, mô hình đã thu hút được sự tham gia tích cực của nam giới - một đối tượng vốn ít khi tiếp cận các hoạt động của Hội. Khi nam giới được lắng nghe, cùng tham gia và đồng hành, họ dần thay đổi suy nghĩ, từ đó góp phần giảm thiểu bạo lực, tăng sự chia sẻ trong gia đình. Đồng thời, mô hình còn giúp xóa bỏ dần các định kiến giới, tập tục lạc hậu như trọng nam khinh nữ, con gái không được đi học, hay phụ nữ không được tham gia công việc xã hội. Phụ nữ và trẻ em gái từ chỗ chỉ quanh quẩn trong gia đình nay có cơ hội khẳng định vai trò, tiếng nói và vị thế của mình trong cộng đồng. Đây chính là giá trị cốt lõi và bền vững mà mô hình mang lại - không chỉ xử lý hậu quả bạo lực gia đình mà còn góp phần xây dựng một môi trường sống bình đẳng, tôn trọng và phát triển toàn diện.

Những khó khăn và bài học kinh nghiệm

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát hiện, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình còn gặp một số khó khăn nhất định. Một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn chịu ảnh hưởng của luật tục, hủ tục, dẫn đến tình trạng ngại tố cáo hoặc chấp nhận bạo lực như điều bình thường; Một số vụ việc diễn ra âm thầm, kéo dài, nhưng không được báo cáo hoặc phát hiện kịp thời, gây khó khăn trong công tác can thiệp và hỗ trợ.

Từ thực tiễn triển khai, Hội LHPN tỉnh Bình Phước đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình qua triển khai “Địa chỉ tin cậy” như: Bám sát chỉ đạo của Trung ương và địa phương, xây dựng kế hoạch cụ thể giai đoạn và hằng năm, tích cực tham mưu triển khai các chương trình, đề án về gia đình, bình đẳng giới; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong khảo sát, chọn địa bàn phù hợp để đặt “Địa chỉ tin cậy”; Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phát huy vai trò nam giới trong mô hình, tăng cường vận động trực tiếp tại cộng đồng; Kết nối hiệu quả với công an, y tế, tư pháp để kịp thời hỗ trợ, cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại Bình Phước là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của sự phối hợp liên ngành, sự tham gia tích cực của cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là bước tiến quan trọng góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, bình đẳng, phát triển bền vững, thể hiện rõ vai trò của tổ chức Hội trong bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em./.

Khánh Lê

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video