Chăm sóc mẹ và bé tuần đầu tiên sau sinh
Tuần đầu tiên sau sinh là khoảng thời gian cực kỳ quan trong đối với bà mẹ và trẻ sơ sinh. Giai đoạn này, bé sẽ tập dần từ việc hít thở, tiêu hóa, ánh sáng, âm thanh và các vận động cơ thể khác. Còn các bà mẹ tuần đầu tiên sau sinh là giai đoạn điều chỉnh và phục hồi đặc biệt quan trọng.
Ngoài việc phục hồi xương chậu sau sinh hay toàn bộ cơ thể thì lúc này, người mẹ phải làm 1 lúc nhiều việc như vừa sinh con, vừa chăm sóc trẻ sơ sinh và có thể gặp các biến chứng sinh nở.
Tuy nhiên, ở một số vùng sâu, vùng xa, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) còn chưa cập nhật đủ kiến thức để nhận biết nguy cơ này.
Y sỹ Hoàng Thị Loan, Phó Phụ trách Trạm Y tế thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ
Y sỹ Hoàng Thị Loan, Phó Phụ trách Trạm Y tế thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ với nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS cho biết, có những cặp vợ chồng còn khá lúng túng trong việc nhận biết ra những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh cũng như giữ gìn sức khỏe cho người mẹ.
Theo y sĩ Hoàng Thị Loan, đối với trẻ sơ sinh và bà mẹ thì đây là khoảng thời gian trẻ và mẹ cần được chăm sóc đặc biệt. Người mẹ phải được khỏe mạnh và an toàn, cần theo dõi sản dịch; theo dõi sữa của mẹ đủ cho con bú hay không, có đủ dinh dưỡng không, người mẹ phải ngủ đủ giấc và được động viên tinh thần.
Ngoài việc tiêm phòng viêm gan B, tiêm phòng lao thì trẻ phải được xét nghiệm lấy máu gót chân, việc này giúp trẻ phát hiện và được chữa trị kịp thời một số bệnh lý về rối loạn nội tiết hoặc chuyển hóa bẩm sinh, tăng tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 95%. Trẻ được chữa trị kịp thời có thể phát triển khỏe mạnh bình thường.
Một giờ đầu sau sinh được gọi là giờ "vàng" đối với trẻ. Trong thời gian này, trẻ được bú ngay sẽ giúp nhận được nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa non. Nên cho trẻ bú ngay sau khi sinh, trong vòng khoảng 30 phút đến 1 giờ. Mặc dù sữa non rất ít, chỉ khoảng 3-5ml sữa nhưng đó là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời mà bé bú được.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, đây là loại thức ăn phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt, tăng sức đề kháng cho trẻ để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn sau sinh.
"Việc giữ ấm cho trẻ vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè là rất cần thiết. Một số bà mẹ dân tộc thiểu số còn chủ quan trong việc này. Cần quan sát trẻ từ việc bú, đến đại tiểu tiện. Nếu trẻ sốt, tím tái, khò khè, bỏ bú thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời" - Phó Phụ trách Trạm Y tế thị trấn Yên Lập khuyên.
Ngoài việc để ý những bất thường ở trẻ sơ sinh, chị em cũng cần để ý những dấu hiệu của chính mình. Việc ra máu tăng dần hoặc có máu cục, sốt, đau bụng âm ỉ kéo dài hoặc dịch chảy ra từ âm đạo có mùi hôi; phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều,… đó là những dấu hiệu không nên bỏ qua.
Bên cạnh đó, các bà mẹ cần lưu ý triệu chứng của tình trạng băng huyết sau sinh. Ví dụ như chảy quá nhiều máu đỏ tươi ở âm đạo sau sinh, đau bụng dưới, sốt,... Nguyên nhân do tử cung không co hồi nhỏ lại vì một số bà mẹ mới sinh xong đã làm việc nặng, hoặc với bà mẹ mang đa thai nên tử cung quá căng, hoặc nhau thai còn trong tử cung sau khi sinh. Khi có những dấu hiệu này, sản phụ nên đi thăm khám ngay.
Theo đại diện Trung ương Hội LHPN Việt Nam, từ thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, như tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ sinh đẻ tại nhà của phụ nữ DTTS còn phổ biến. Bên cạnh đó, còn tồn tại một số tập quán, thói quen còn lạc hậu, như: Tảo hôn, tự sinh con không cần trợ giúp của nhân viên y tế. Cắt rốn trẻ sơ sinh bằng vật dụng chưa được khử trùng. Thiếu kiến thức chăm sóc bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và bé, dẫn đến tử vong mẹ, trẻ sơ sinh.
Năm 2022, Hội LHPN Việt Nam triển khai thực hiện 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, được phê duyệt trong Chương trình Mục tiêu quốc gia. Hội LHPN các tỉnh đã phối hợp với ngành Y tế tổ chức các hoạt động phù hợp với đặc thù từng địa phương. Hàng năm các cơ sở Hội rà soát lập danh sách số phụ nữ đang mang thai, sinh con tại cơ sở y tế tại địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn chi trả gói chính sách hỗ trợ bà mẹ cho đội ngũ cán bộ Hội, trạm y tế, chi hội trưởng phụ nữ, cán bộ y tế thôn bản, đội ngũ tuyên truyền viên.
Theo báo cáo của Hội LHPN 10 tỉnh, tính đến tháng 8/2024, các tỉnh đã hỗ trợ chi trả chế độ các gói chính sách cho gần 7.000 bà mẹ với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 9 tỷ đồng.
Cùng với đó, các cấp Hội đã tổ chức đa dạng, phong phú các hoạt động truyền thông về kiến thức làm mẹ an toàn và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em thông qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, hội thi tìm hiểu, truyền thông tại cộng đồng, truyền thông lưu động,…
Hội LHPN cấp tỉnh, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, đồng hành, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách của gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn ngay tại cơ sở.