Chi, tổ phụ nữ tiết kiệm tốt, tương trợ tốt, nuôi dạy con tốt

19/09/2016
Mô hình “Chi, tổ phụ nữ tiết kiệm tốt, tương trợ tốt, nuôi dạy con tốt” (gọi tắt là mô hình 3 tốt) được triển khai trên địa bàn TP Hải Phòng từ năm 2014 là hoạt động cụ thể hóa triển khai Nghị quyết liên tịch 01 về “Quản lý giáo dục con em không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” giữa TW Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an, bước đầu khẳng định được hướng đi đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng, đem lại lợi ích thiết thực đối với hội viên, phụ nữ và cộng đồng.

Thời gian trước đây, số người tái nghiện, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng trên toàn địa bàn thành phố. Trẻ em hư, bỏ học, tình trạng bạo lực học đường, trẻ em gái bị xâm hại, tỷ lệ lao động không có việc làm, thiếu việc làm... đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự tại cộng đồng dân cư.

Mô hình 3 tốt của Hội LHPN TP Hải Phòng ra đời. Sau 3 năm triển khai hoạt động, 379/379 mô hình được cấp ủy địa phương đánh giá cao, được Thành ủy Hải Phòng công nhận là mô hình dân vận khéo. Hiện nay, toàn thành phố có 65.215 hội viên phụ nữ tham gia mô hình, 26 hộ có trẻ em vi phạm pháp luật đã được giúp đỡ cảm hóa thành công, 11 hộ có trẻ vị thành niên mắc tệ nạn xã hội đã được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, 51.223 người tham gia tiết kiệm; 520/690 hộ nghèo được tương trợ, 615/652 hộ cận nghèo được hỗ trợ, 309/341 hộ không còn trẻ em suy dinh dưỡng.

Tiêu biểu là sự phối kết hợp của hai ngành tại quận Lê Chân, Ngô Quyền. Những đồng chí công an như đồng chí Khương (Vĩnh Niệm, quận Lê Chân); những cán bộ Hội như chị Phượng, chị Đặng (Vĩnh Niệm, Đông Hải- quận Lê Chân), chị Triều (Bắc Sơn- Kiến An)… đã trở thành người cha, người mẹ thứ hai của trẻ em hư, trẻ em bụi đời. Các anh công an, các chị cán bộ Hội đã giúp các em có cơ hội “vượt lên chính mình” trở thành con ngoan, trò tiến bộ.

Trường hợp cháu Huy ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, học sinh nghèo vượt khó, bố đi tù, mẹ bỏ đi ở cùng chú ruột bệnh tật nên chán nản, bỏ học. Được sự giúp đỡ, động viên của các thành viên trong mô hình, cháu quyết tâm quay trở lại trường học và đến nay có kết quả học tập tốt. Cháu Long ở phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, một trẻ từng bỏ nhà đi bụi đời được hỗ trợ học nghề miễn phí và đến năm 2015, cháu mở được một tiệm bánh ngọt kinh doanh trang trải cuộc sống bản thân. Chị Kim ở phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, người phụ nữ tàn nhưng không phế, là trụ cột chính của cả gia đình, được chi hội phụ nữ tặng xe lăn, hỗ trợ vốn bán hàng nước.

Điển hình về sự thay đổi trong cách nuôi dạy con là trường hợp gia đình của chị Lý ở Hùng Tiến- Vĩnh Bảo. Chị Lý có con trai học lớp 7 do mặc cảm không có bố, cháu rất ít nói, nhưng lại nghịch ngợm hay đánh bạn khi bị trêu chọc, học lực yếu nên năm lớp 7 cháu không hoàn thành kỳ thi cuối năm. Vì vậy chị Lý thường xuyên đánh mắng, phạt con, so sánh con với các bạn khiến cháu càng trở lên cáu bẳn. Khi tham gia mô hình được các thành viên chia sẻ, được dự các buổi truyền thông, chị hiểu con hơn, từ đó, chị dành nhiều thời gian quan tâm, nói chuyện, chia sẻ với con. Cháu Duy cũng dần dần cởi mở, tâm sự với mẹ những việc xảy ra hàng ngày để được nghe mẹ hướng dẫn, phân tích giúp cháu nhận biết điều tốt, điều xấu. Có những bài tập khó, không biết cách dạy con, chị cùng con sang hàng xóm hỏi các anh chị lớp trên hướng dẫn. Năm 2015, Duy đã được lên lớp 8, được nhà trường tặng giấy khen học sinh tiên tiến.

Trường hợp khác là chị Thúy ở Hồng Bàng, trước đây chị có quan niệm muốn con khỏe, có thể lực phải cho con ăn nhiều thức ăn, ăn nhiều chất đạm, ăn nhiều bữa. Cách nuôi con của chị Thúy dẫn đến tình trạng con gái 2 tuổi của chị bị suy dinh dưỡng độ 3, rối loạn đường tiêu hóa. Tham gia mô hình, chị được các thành viên tư vấn cách nuôi và chăm sóc con với chế độ dinh dưỡng khoa học, cháu Nga hiện nay không còn bị suy dinh dưỡng.

Tính đến nay, mô hình đã giúp đỡ cho gần 1.500 đối tượng được thụ hưởng từ các hoạt động can thiệp hiệu quả. Để đạt được kết quả đó, hai ngành Phụ nữ và Công an đã rất cẩn trọng trong các khâu triển khai mô hình, không nóng vội, không làm ồ ạt, đặc biệt xác định rõ chỉ tiêu cần đạt được của 3 tiêu chí.

Tiêu chí tiết kiệm đã được triển khai với cách tuyên truyền, vận động thành viên có lối sống thực hành tiết kiệm từ chính những hành vi cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày. Tiêu chí nuôi dạy con tốt với hoạt động tương trợ cho các thành viên về vốn, kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con và phát triển kinh tế. Tiêu chí tương trợ lại xác định không nhất thiết phải giúp nhau vay vốn mà chị em giúp nhau ngày công cấy, công gặt, giúp nhau kỹ năng, kinh nghiệm để gia đình được êm ấm, chia sẻ cho nhau cách huy động chồng con giúp đỡ mình làm công việc nhà…

Với những cách làm thiết thực, cụ thể đó, mô hình “3 tốt” đã thật sự đi vào cuộc sống, tạo ra những hiệu ứng tích cực, được đông đảo chị em hưởng ứng, tham gia.

Trong thời gian tới, để mô hình ngày càng phát huy hiệu quả, các chi, tổ phụ nữ cần đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của cơ sở, xác định truyền thông thay đổi hành vi là nhiệm vụ then chốt, triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, can thiệp giúp các thành viên của mô hình thực hiện tốt 3 tiêu chí đã cam kết; thường xuyên tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, những thành công, hạn chế cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình, đồng thời biểu dương kịp thời những cá nhân, đơn vị tiêu biểu thực hiện tốt mô hình. Hy vọng rằng, mô hình sẽ luôn là điểm tựa vững chắc, là nơi thắp sáng những ước mơ, niềm tin và hy vọng cho những số phận mong mỏi “vượt lên chính mình”.

Hương Giang- Ban Tuyên giáo TW Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video