Cô gái Cơ Tu đam mê phát triển du lịch cộng đồng
Là một người con dân tộc Cơ Tu, sinh ra và lớn lên gắn liền với không gian núi rừng, những giá trị văn hóa đặc sắc của làng ăn sâu trong máu thịt, chị Thìn luôn có ước muốn về phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu. Học hết phổ thông, chị Thìn theo học tại Trường Đại học Ngoại ngữ, rồi chị làm điều hành tour và sale cho một số công ty du lịch tại thành phố Đà Nẵng. Với những kinh nghiệm thực tế, chị đã vận dụng kiến thức và trải nghiệm để đem những bài học hữu ích áp dụng tại quê hương của mình trong phát triển du lịch cộng đồng. Vượt qua nhiều khó khăn, chị trở thành “cầu nối” để du khách gần xa, nhất là khách quốc tế đến trải nghiệm, khám phá những nét riêng giàu có bản sắc của văn hóa Cơ Tu… Chị Thìn cũng đã xây dựng Homestay riêng và là người hướng dẫn viên du lịch của thôn mình.
Tuy nhiên, để đi đến được thành công chị Thìn và mọi người trong thôn đã trải qua nhiều khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid - 19, số lượng khách tham quan du lịch tại thôn Bhơhôồng ngày càng ít đi. Với mong muốn vực dậy du lịch cộng đồng tại quê hương, chị Thìn đã tìm mọi cách, vận động cộng đồng tiếp tục khôi phục, kết nối với các đoàn du lịch. Chị cùng với bà con tăng cường các hoạt động trải nghiệm để du khách được hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm hoạt động lưu trú qua đêm, đốt lửa dưới sân nhà Gươl giữa không gian núi rừng hoang sơ, được trải nghiệm đan lát, dệt thổ cẩm, bắn nỏ, leo núi, máu tâng tung - dá dá, cho đến thưởng thức ẩm thực truyền thống với tâm thế du khách là khách quý của làng. Đồng thời, các sản phẩm dệt, đan lát… thủ công của người Cơ Tu làm ra trở thành mặt hàng lưu niệm ưa thích của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Các hoạt động vận động, hướng dẫn bà con phục vụ du khách được chuẩn bị chu đáo, mang lại sự trải nghiệm nhiều điều thú vị cho du khách, Bhơhôồng dần đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Dưới sự khéo léo, nhiệt tình và sự kết nối của chị Thìn, điểm du lịch cộng đồng thôn Bhơhôồng mỗi tháng đón hơn 100 lượt khách du lịch. Qua làm du lịch, chị đã giúp Tổ hợp tác du lịch thôn có thêm nguồn hoạt động với mỗi năm thu về trên 80 triệu đồng.
Đinh Thị Thìn với mô hình homestay
Ngoài ra, chị Thìn nhận thấy “ngôn ngữ chính là chìa khóa giao tiếp”, do vậy chị đã nghĩ đến việc giúp người dân trong thôn có thể giao tiếp với người nước ngoài, chị đã mở miễn phí lớp tiếng anh cơ bản cho trên 30 học viên để thực hiện công tác hướng dẫn viên tại cộng đồng. Đến nay, một số người dân trong thôn đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh bằng những câu nói thông dụng mỗi khi có khách nước ngoài ghé đến.
Hành trình chị Thìn kết nối, đầu tư phát triển du lịch bằng giá trị văn hóa cộng đồng gắn với bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa Cơ Tu đang mở ra nhiều hy vọng. Với tư duy nhạy bén, cộng thêm lý tưởng mới mẻ, khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt, những mô hình của chị đang vận hành góp phần thu hút du khách tìm đến bản làng. Từ đó giúp bà con trong thôn có việc làm ổn định, giảm nghèo bền vững và hưởng lợi từ du lịch, góp phần vào sự phát triển của địa phương.