Giải pháp cụ thể thúc đẩy nhanh chuyển đổi số đi vào cuộc sống

18/09/2023
Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị. Nhằm thúc đẩy nhanh chuyển đổi số đi vào cuộc sống, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số; đồng thời giúp các địa phương hình thành một trung tâm chuyển đổi số mẫu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (Nguồn: Bộ TTTT)

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước quý III/2023 kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trong đó tập trung vào số hóa, làm giàu và kết nối dữ liệu; tăng cường bảo vệ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các "điểm nghẽn" nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước quý III/2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. (Nguồn: Bộ TTTT)

Trao đổi trong Hội nghị giao ban, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các Sở Thông tin và Truyền thông nhận diện một số vấn đề còn tồn tại cần giải quyết, như: Thiếu hụt nhân lực phục vụ công tác quản lý; cơ chế để thuê chuyên gia giỏi, lao động làm việc; vấn đề cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ bưu chính cũng như quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính tại địa phương…

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu: Trong lĩnh vực bưu chính, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, công nghiệp ICT…vấn đề chung ở các 63 Sở hiện nay là tình trạng thiếu nhân lực, chỉ có khoảng 1-2 người làm cho các lĩnh vực trên. Trong khi đó, ngành có nhiều vấn đề mới, cán bộ ở các Sở chưa rõ nội hàm nên còn lúng túng trong khâu thực thi, chưa phát huy được vai trò tham mưu của quản lý nhà nước.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các Sở Thông tin và Truyền thông cần xử lý thách thức, tồn tại của ngành này theo phương châm “4+1”.

Những việc cần làm ngay là dùng công cụ số, ứng dụng AI để thay cho 60% công sức lao động, giúp gia tăng năng suất; tiến hành xã hội hóa, kêu gọi nhiều lực lượng cùng tham gia giải quyết các vấn đề của ngành tại địa phương, bằng việc thành lập tổ công tác hỗ trợ bao gồm đại diện các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản trên địa bàn.

Việc quan trọng cần thực hiện thời gian tới, đó là Sở Thông tin và Truyền thông nên có đầu tư thuê các chuyên gia xuất sắc trong một thời gian ngắn, hoặc theo từng dự án để bổ sung những tri thức mới. Đồng thời, các đơn vị cần rà soát, thiết kế lại tổ chức, bớt đi những việc cũ không còn giá trị để tối ưu hóa nguồn lực, dành thời gian công sức cho việc mới. Đối với việc khó, việc mới, khi giao việc, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hướng dẫn, chỉ ra cách làm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, chuyển đổi số đã đến lúc cần làm những việc cụ thể, triển khai ứng dụng mạnh mẽ trong thực tế.

Theo đó, Bộ sẽ hướng dẫn các Sở những công việc, cách làm, thời hạn hoàn thành các vấn đề chung cho toàn quốc, các tỉnh. Trong tháng 9/2023, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn triển khai lĩnh vực chuyển đổi số. Bản cẩm nang chuyển đổi số được Bộ phê duyệt, các lĩnh vực khác như viễn thông, báo chí, an toàn thông tin mạng cũng sẽ thực hiện các cẩm nang hướng dẫn... Lãnh đạo Bộ, các Cục, Vụ thuộc các lĩnh vực của ngành chủ động triển khai.

Đặc biệt, trong thời gian tới, mỗi địa phương cần thành lập một trung tâm chuyển đổi số. Đây sẽ là nơi giới thiệu những giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp ở địa phương và trên toàn quốc; đồng thời sẽ là nơi thể hiện lời giải cho những vấn đề khó khăn của các tỉnh trong triển khai chuyển đổi số. Do là trung tâm chuyển đổi số nên không gian không cần quá rộng, diện tích chỉ khoảng 30 - 40 m2 để các doanh nghiệp ở trung ương cũng như địa phương giới thiệu các giải pháp công nghệ chuyển đổi số. Trước tiên, trong tháng 10/2023, Cục chuyển đổi số quốc gia sẽ chọn 1 địa phương để triển khai làm mẫu, khai trương trung tâm chuyển đổi số.

Tính đến hết ngày 30/6/2023, đã có 96 bộ, ngành, địa phương (33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố) hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về cơ sở dữ liệu quốc gia đến thời điểm này là 2.087.114 hồ sơ (trong đó bộ, ngành là 132.626/253.837 hồ sơ, đạt 50,25%), địa phương là 1.974.488/2.030.095 hồ sơ, đạt 96,28%).

Về hạ tầng số, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021 - 2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022 - 2023.

Việc triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư.

Kiều Lê (tổng hợp)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video