Hà Nội: Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy năng lực
Sáng 30/8, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã chủ trì Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 55-KL/TW, ngày 08/1/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Trình bày báo cáo của Thành ủy, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Phùng Văn Dũng cho biết, phụ nữ chiếm khoảng 50,4% trong dân số Thủ đô và chiếm 42,8% tổng số đảng viên Đảng bộ thành phố. Trong 10 năm qua, công tác phụ nữ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cùng sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Thủ đô.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tiếp tục được triển khai hiệu quả, tập trung thực hiện Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp” giai đoạn 2018 - 2025. Giai đoạn 2018 - 2022, các cơ sở Hội đã giúp 6.050 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo có địa chỉ, 15.122 hộ cận nghèo nâng cao mức sống. Hằng năm, các cấp Hội phối hợp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho trên 15.000 lao động. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động là 48,5%; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 21,1%.
Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vị trí quản lý, lãnh đạo ở các cấp có chuyển biến khá tích cực. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ 3 cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng so với nhiệm kỳ 2015 - 2020: Cấp cơ sở đạt 26,3% (tăng 3,6%), cấp huyện đạt 24,1% (tăng 8,03%), cấp Thành phố đạt 19,7% (tăng 7,7%), trong đó 25% Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 24,13%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tăng so với nhiệm kỳ trước: cấp Thành phố đạt 25,5% (tăng 2,4%), cấp huyện đạt 33,3% (tăng 3,3%), cấp xã đạt 39,7% (tăng 11,2%).
Từ năm 2018 đến nay, đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) từ Thành phố đến cơ sở có 150 cán bộ được điều động, luân chuyển sang công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể. Tỷ lệ nữ được kết nạp vào Đảng chiếm 44,4% trong tổng số đảng viên được kết nạp (23.922/53.835), trong đó, có 9.455 cán bộ, hội viên ưu tú do Hội LHPN giới thiệu, góp phần tạo nguồn cán bộ nữ tại địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, công tác phụ nữ và hoạt động các cấp Hội LHPN thành phố Hà Nội còn gặp không ít khó khăn, thách thức như một bộ phận phụ nữ trình độ nhận thức còn hạn chế, đời sống khó khăn. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến bình đẳng giới và công tác phụ nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định: Công tác phụ nữ tại Hà Nội luôn được đặt trong tổng thể công tác chính trị của thành phố; được lồng ghép vào các chương trình, nghị quyết, cơ chế chính sách trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao khen thưởng cho các tập thể
10 năm qua, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt bình quân khoảng 7%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 3,45 lần trong vòng 15 năm kể từ khi Hà Nội hợp nhất. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội Thành phố luôn được bảo đảm, tạo ra môi trường cho phát triển, bảo đảm mọi mặt đời sống người dân, trong đó, có phụ nữ và trẻ em gái. Đáng chú ý, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhất là cấp Thành phố và quận, huyện đều tăng so với trước. Cán bộ nữ đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đúng với năng lực, sở trường.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện công tác phụ nữ của các cấp ủy, tổ chức thời gian qua, chúc mừng thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân được khen thưởng. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Chính sách đặc thù cho phụ nữ Thủ đô chưa có nhiều; chưa có hệ thống cơ chế, chính sách về phụ nữ, bình đẳng giới đồng bộ; khoảng cách về đời sống, việc làm, cơ hội phát triển và hưởng thụ giữa phụ nữ khu vực trung tâm và xa trung tâm có xu hướng ngày càng doãng ra; việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ nữ chưa đồng đều giữa các cấp và giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương...
Thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị các cấp Thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho phụ nữ được phát huy năng lực. Cùng với quan tâm phát triển quy hoạch của Thành phố, còn phải quan tâm đến quy hoạch phát triển đồng đều cả vật chất và tinh thần, chỉ số hạnh phúc đối tượng thụ hưởng trước tiên là trẻ em và phụ nữ.
Lưu ý, thời gian tới, nhất là dưới tác động của Cuộc cách mạng 4.0, đòi hỏi lực lượng có tay nghề cao, nên lao động nữ, nhất là phụ nữ nông thôn dễ bị ảnh hưởng, do đó, cần có các cơ chế, chính sách đào tạo, hỗ trợ các đối tượng này. Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu rà soát lại các cơ chế chính sách đối với riêng phụ nữ thành phố Hà Nội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy rà soát lại về quy hoạch đối với quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ để có chỉ đạo trong hệ thống chính trị thành phố bảo đảm chỉ tiêu theo quy định.
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị, các cấp, các ngành phải quan tâm đồng thời đối với 3 nhóm đối tượng phụ nữ, tạo thế "kiềng 3 chân" trong công tác phụ nữ. Đó là nhóm đối tượng yếu thế, nhóm đối tượng đại trà và nhóm đối tượng thường ít được quan tâm là đối tượng tiên tiến, xuất sắc để tạo nên động lực, đầu tàu, lan tỏa tạo lên khát vọng cho các đối tượng khác cùng phấn đấu vươn lên.
Ngoài ra, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị với Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố có các hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa đối với các đối tượng đặc thù như công nhân nữ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội, Công an có nhiều hoạt động bảo vệ trẻ em gái…