Hải Dương: Bàn về thực trạng chính sách dân số liên quan đến phụ nữ

Tham dự Hội nghị có đại diện TW Hội LHPN Việt Nam, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; đại diện các ban cơ quan Hội LHPN tỉnh.
Hội nghị Tọa đàm là dịp để các bên cùng nhìn nhận lại thực trạng, nguyên nhân và những khó khăn, thách thức trong chính sách dân số hiện nay để từ đó cùng nhau xây dựng một hệ thống chính sách công bằng, nhân văn và phù hợp hơn với thực tiễn, đặc biệt là trong việc phát huy vai trò của phụ nữ – những người vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể tích cực của các chính sách dân số.
Tại Hội nghị, bà Đào Thị Vi Phương, Phó Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam đã cung cấp những thông tin về thực trạng vấn đề dân số tại Hải Dương, tình hình mức sinh thay thế, tỷ suất giới tính khi sinh, tình hình chất lượng dân số và những vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện chính sách dân số có liên quan đến phụ nữ tại tỉnh Hải Dương.
Các đại biểu tham dự cũng đã chỉ ra một số thực trạng đáng chú ý tại tỉnh Hải Dương, như: Tỷ số giới tính khi sinh còn cao trong cả nước dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng tỷ lệ sinh nhiều ở một số khu vực nông thôn dẫn đến áp lực về nguồn lực giáo dục, y tế, việc làm; định kiến giới vẫn còn phổ biến ở một số địa phương, công tác tuyên truyền chính sách dân số chưa thực sự hiệu quả và vấn đề chất lượng dân số. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng các chính sách hiện hành còn thiếu tính đến đặc thù giới, chính sách nhóm phụ nữ đặc thù, chưa phát huy được vai trò chủ động của phụ nữ trong việc ra quyết định về quy mô và chất lượng gia đình. Việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn gặp nhiều rào cản, nhất là ở nhóm phụ nữ yếu thế.
Trên cơ sở những chia sẻ, trao đổi, Hội nghị đã đề xuất một số giải pháp cụ thể:
Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và vận động phụ nữ tích cực tham gia chính sách dân số;
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới trong đó chú trọng tạo nguồn cán bộ nữ để phát huy năng lực quản lý nhà nước của phụ nữ;
Xây dựng các chính sách hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù (như nhóm phụ nữ yếu thế, công nhân lao động tại các khu công nghiệp), chính sách ưu tiên cho cán bộ công chức nhà nước sinh con thứ 2 trở lên vì đóng góp nguồn dân số chất lượng cho xã hội, chính sách hỗ trợ cho các bà mẹ sinh con thứ 3 dưới 35 tuổi, ưu tiên hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, có chế độ thời gian nghỉ dài hơn cho chồng nếu vợ sinh con;
Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ dân số và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách dân số như mô hình gia đình văn hóa… Tích cực đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, huy động nguồn lực cho các chương trình về dân số, phụ nữ và trẻ em.