Hiệu quả từ những mô hình “giữ bình yên cho cuộc sống”

20/06/2016
Mỗi mô hình một cách làm, sáng tạo và hiệu quả của các cấp Hội LHPN Việt Nam, qua đó nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, hậu quả của mua bán người và các tệ nạn xã hội cho hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn, góp phần giữ bình yên cuộc sống.

Truyền thông bằng kịch tương tác

Đó là cách làm của Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên nhằm tuyên truyền sâu rộng tác hại của của ma túy góp phần nâng cao khả năng hiểu biết của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân địa phương, để người dân tránh xa ma túy và các tệ nạn xã hội. Để hoạt động truyền thông có hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã cẩn thận lựa chọn nội dung truyền thông, xây dựng các tình huống phù hợp với thực tiễn địa phương và thể hiện qua hình thức sân khấu hóa (tiểu phẩm/diễn kịch…). Đặc biệt, các buổi truyền thông bao giờ cũng có phần tương tác dành cho khán giả. Khán giả sẽ được cùng tham gia diễn kịch hoặc thảo luận, hoặc được mời lên sân khấu để thể hiện cách giải quyết vấn đề của mình, sau đó người dẫn chương trình kết luận, tóm tắt lại các vấn đề cần nhớ/các hành vi cần thực hiện. Đây là một hình thức truyền thông tương đối mới mẻ, hiệu quả vì tương tác trực tiếp, gần với người dân, chuyển tải thông điệp truyền thông một cách sinh động, hẫp dẫn, không bị khô cứng, tác động tích cực tới đối tượng. Hình thức truyền thông này thu hút sự tham gia của người xem vào quá trình phát triển, sáng tạo nội dung vở kịch/tiểu phẩm; người tham gia chủ động suy nghĩ từ thực tế cuộc sống để đưa ra quan điểm hay hành động cụ thể giải quyết vấn đề một cách phù hợp với thực tế của mình, từ đó rút ra nội dung thông điệp tuyên truyền dễ được người dân tiếp nhận. Mô hình hiện đang nhận được sự đầu tư và hỗ trợ chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Thời gian tới sẽ được Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, tiếp tục nhân rộng mô hình.

Tổ phụ nữ “10 + 1” (10 người giúp 1 người).

Phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi có 4.600 hộ, 18.000 nhân khẩu, trong đó hội viên phụ nữ là 3.190 chị. Năm 2013, phường Quảng Phú có 85 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ; 10 học sinh bỏ học, 11 thanh thiếu niên có biểu hiện hư, xảy ra 20 vụ bạo hành gia đình, hàng trăm hộ gia đình chưa đăng ký đổ rác, hơn 1.000 chị tham gia tổ chức Hội…Mô hình Tổ phụ nữ “10+1” đã ra đời từ những trăn trở về thực trạng trên của BCH Hội LHPN phường Quảng Phú.Các chị đã cùng với các chi hội họp chọn đối tượng cần giúp đỡ như: hội viên thuộc hộ nghèo; có con bỏ học, có biểu hiện hư; gia đình có tệ nạn xã hội; gia đình có bạo lực; gia đình chưa tham gia các hoạt động cộng đồng; gia đình vi phạm VSMT… Từ đó, cứ 10 chị đăng ký giúp1 chị khó khăn bằng nhiều hình thức: chị có điều kiện kinh tế thì cho vay vốn, giúp đỡ về con giống, công cụ sản suất; chị thì ủng hộ về đồ dùng học tập cho các con; chị thì bằng kiến thức, sự hiểu biết của mình tư vấn về cách cư xử, giải quyết các mối quan hệ hoặc những khó khăn trong gia đình…Đối với các chị có con hư hoặc bỏ học thì các chị bàn bạc, tìm hiểu rõ nguyên nhân, lựa cơ hội thuận lợi đến động viên, giúp đỡ, tìm cách chia sẻ với gia đình và gặp gỡ riêng trẻ để động viên, phân tích giúp trẻ tiến bộ. Mỗi chị bằng những việc làm cụ thể, sự động viênchân thành đã giúp đỡ các chị khó khăn hơn cảm thấy được chia sẻ, được tiếp sức để từng bước cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập, giáo dục con, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần ổn định trật tự an ninh thôn xóm.Đến nay cả phường đã có 237 chị tham gia các nhóm,giúp đỡ được 29 chị gặp khó khăn.Hoạt động của mô hình đã góp phần thiết thực vào thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đặc biệt, qua mô hình này phường đã xây dựng một mạng lưới tự quản, gần gũi và sâu sát ở từng tổ dân phố, là một trong những hoạt động được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Mô hình 3 trong 1”

Được thành lập từ năm 2012 từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu Phòng chống tội phạm và ma túy do công an tỉnh cấp hàng năm, mô hình “3 trong 1” về an ninh trật tự của Hội LHPN tỉnh Bình Thuận đã được triển khai ở các phường/xã làm điểm của các huyện/thị trong toàn tỉnh. Mô hình được hoạt động theo hình thức nhóm, mỗi nhóm có 3 người gồm 1 cán bộ Hội Phụ nữ, 1 đại diện cấp ủy hoặc Ban điều hành khu phố và 1 tình nguyện viên. Nhóm tổ chức giúp đỡ phụ nữ lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng có việc làm ổn định; động viên trẻ em bỏ học trở lại trường hoặc cảm hóa thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật trở nên tiến bộ; giúp đỡ gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình không còn tình trạng bạo lực. Kết quả đã giúp được 02 gia đình không còn xảy ra bạo lực; 06 em từ bỏ ma túy và có việc làm ổn định, vận động 56 người nghiện uống Methadone; cung cấp 42 nguồn tin về an ninh trật tự, ma túy cho các ngành chức năng để kịp thời xử lý. Mô hình đã phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm của Hội Phụ nữ trong công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, đảm bảo an ninh trật tự; quản lý, giáo dục con em có lối sống lành mạnh, không phạm tội và tệ nạn xã hội.Được biết, thời gian tới Hội LHPN tỉnh sẽ nhân rộng tại các xã trên địa bàn huyện và các huyện khác.

Ngọc Minh - Văn phòng TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video