Hội đồng khoa học cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam: Xét duyệt Thuyết minh 04 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ

1. Nhiệm vụ khoa học cấp Bộ “Thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực số cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ban Tổ chức, TW Hội LHPN Việt Nam chủ trì, TS. Nguyễn Đức Toàn và TS. Bùi Xuân Chung làm đồng chủ nhiệm.
Đề tài có mục tiêu phân tích cơ sở lý luận thông qua tổng hợp và phân tích các tài liệu lý luận về năng lực số, bao gồm khái niệm, cấu trúc, và vai trò của năng lực số trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam; đánh giá thực tiễn qua việc thu thập và phân tích thực trạng năng lực số của cán bộ Hội LHPN Việt Nam, xác định khoảng trống từ việc so sánh thực trạng năng lực số hiện tại của cán bộ Hội với các tiêu chuẩn năng lực số quốc gia và quốc tế; đề xuất giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực số cho cán bộ Hội, gồm các chương trình đào tạo, chính sách hỗ trợ, và phương pháp triển khai hiệu quả; phát triển một mô hình hoặc khung năng lực số phù hợp với đặc thù hoạt động của Hội LHPN Việt Nam, góp phần nâng cấp chất lượng hoạt động của Hội LHPN Việt Nam, phát huy vai trò của phụ nữ trong chuyển đổi số, thích ứng với sự phát triển của xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
2. Nhiệm vụ khoa học cấp Bộ “Phát huy vai trò của phụ nữ trong giáo dục gia đình thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số” do Ban Gia đình - Xã hội phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam chủ trì, PGS.TS Dương Kim Anh là chủ nhiệm.
Đề tài có mục tiêu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò của phụ nữ trong giáo dục gia đình, đề xuất giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ trong giáo dục gia đình thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số, kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước, trong đó có giải pháp của Hội LHPN Việt Nam.
Hội đồng chính sách dân số và phát triển
3. Nhiệm vụ khoa học cấp Bộ “Tổng quan tình hình nghiên cứu và xây dựng dữ liệu về công tác phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2015-2025 do Học viện Phụ nữ Việt Nam, Ban Chính sách – Luật pháp phối hợp với Văn phòng TW Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện, TS. Đàm Thị Vân Thoa và ThS. Nguyễn Hoàng Anh là đồng chủ nhiệm.
Đề tài cung cấp một bức tranh toàn cảnh về công tác phụ nữ, bình đẳng giới nhằm cung cấp bằng chứng khoa học để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình hành động nhằm thực hiện mục tiêu tổng quan các xu hướng nghiên cứu chính về phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2015-2025 làm căn cứ xác định những vấn đề đặt ra đối với Hội LHPN Việt Nam và đề xuất xây dựng bộ số liệu phục vụ công tác chỉ đạo, định hướng nhiệm kỳ XIV (2026 - 2031) của Hội LHPN Việt Nam.
4. Nhiệm vụ khoa học cấp Bộ “Chính sách dân số và phát triển: Hàm ý xây dựng chính sách cho phụ nữ” do Ban Chính sách – Luật pháp chủ trì thực hiện, ThS. Đào Thị Vi Phương là chủ nhiệm.
Đề tài nhấn mạnh dân số và phát triển là hai vấn đề đi liền với nhau, gắn bó hữu cơ và thúc đẩy lẫn nhau. Một chính sách dân số hợp lý, khoa học sẽ là điều kiện cho kinh tế phát triển và ngược lại, khi kinh tế phát triển ở một trình độ nhất định sẽ tác động đến dân số ở các góc độ khác nhau từ cá nhân đến cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Năm 2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển - chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số. Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu, đánh giá thực trạng chính sách dân số và phát triển tại Việt Nam hiện nay, qua đó nhận diện những vấn đề tác động đến phụ nữ. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm điều chỉnh và hoàn thiện chính sách, đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Các hội đồng nghiệm thu diễn ra trong không khí nghiêm túc, thuyết minh các đề tài được đánh giá cao, thành viên đề tài và hội đồng đã thảo luận sôi nổi đưa ra nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện thuyết minh đề tài. Đồng thời yêu cầu chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa, bổ sung đề cương thuyết minh và triển khai thực hiện theo đúng tiến độ.