Hội LHPN huyện Lạc Thuỷ, Hòa Bình tạo động lực hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển toàn diện

06/11/2024
Là một huyện miền núi của tỉnh Hoà Bình, Lạc Thủy là địa bàn có khá đông đồng bào dân tộc Mường (gần 40%). Trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội LHPN huyện đã tập trung triển khai nhiều mô hình/hoạt động hỗ trợ, thu hút hội viên, phụ nữ đặc thù và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Hoạt động ra mắt mô hình “3 an toàn” của phụ nữ xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ. (Nguồn ảnh: Hội LHPN huyện Lạc Thuỷ)

Chú trọng xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ DTTS nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khỏe

Với mục tiêu giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống tinh thần, triển khai các hoạt động dân vũ, thể dục, thể thao quần chúng trong hội viên, phụ nữ, hướng đến mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phù hợp, đến nay, 100% Hội LHPN xã, thị trấn trong huyện đã đăng ký từ 2 đến 5 loại hình hoạt động, xây dựng và duy trì 57 mô hình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ DTTS Mường tham gia. Ngoài ra, các hoạt động tập huấn, nâng cao kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình ở vùng DTTS cũng được tổ chức đều đặn thông qua các mô hình tổ phụ nữ DTTS “Nói không với bạo lực gia đình”, “3 an toàn”, “Làng quê an toàn”; nhân rộng và duy trì 17 mô hình “Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT vì sức khỏe gia đình”.

Đầu tư cho các mô hình/hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Hàng năm, Hội LHPN huyện đều chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS trên địa bàn phát triển kinh tế: tiến hành rà soát danh sách hộ nghèo, nghèo do nữ làm chủ hộ; khảo sát nguyên nhân, phân loại hộ nghèo, nhu cầu cần giúp đỡ với nhiều hình thức (hỗ trợ tiền, ngày công lao động, vốn vay không lấy lãi, con giống, cây giống…). Phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn/125 học viên về nội dung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Phối hợp mở 14 lớp dạy nghề cho 608 chị; tổ chức 12 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 1.000 phụ nữ làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh; phối hợp vận động thành lập 2 Tổ liên kết, 1 Hợp tác xã sản xuất nông sản (chè, măng tươi, mật ong) do phụ nữ tham gia, làm chủ; phối hợp với Ngân hàng Chính sách hỗ trợ phụ nữ vay vốn hơn 123 tỷ đồng.

Tổng số gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo được tổ chức Hội giúp đỡ thoát nghèo, thoát cận nghèo là 215 hộ; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 6 nhà Mái ấm tình thương cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn… qua đó từng bước giúp đỡ các gia đình hội viên, phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế.

Hoạt động chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình tập hợp, phát triển, quản lý hội viên phụ nữ tại huyện Lạc Thuỷ (Nguồn ảnh: Báo Hoà Bình, tháng 3/2024)

 

Tích cực thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”

Trong giai đoạn từ năm 2022-2023, Hội LHPN huyện Lạc Thuỷ đã tập trung triển khai nhiều nội dung, hoạt động/mô hình can thiệp hướng đến thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn. Cụ thể, Hội LHPN huyện đã phối hợp thành lập được 25 mô hình tại 14 thôn ĐBKK thuộc 4 xã, thị trấn (trong đó có 14 Tổ truyền thông cộng đồng, 6 Địa chỉ tin cậy cộng đồng, 5 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”) và 100% thành viên các mô hình đều được cung cấp tài liệu và tham gia các lớp tập huấn ở tỉnh/huyện. Bên cạnh đó, Hội phụ nữ huyện cũng ưu tiên chỉ đạo, triển khai nâng cao năng lực thực hiện/giám sát bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ các cấp tại địa phương với 5 lớp tập huấn, 4 cuộc đối thoại cấp xã, 4 cuộc cấp thôn, 2 chương trình phát động Chiến dịch Bình đẳng giới; tích cực tham gia các hội thi do Hội phụ nữ cấp trên tổ chức như tìm hiểu kiến thức Luật phòng, chống bạo lực gia đình; sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng DTTS&MN; thi tuyên truyền viên giỏi… và đều đạt được kết quả cao.

Chú trọng xây dựng các mô hình thu hút hội viên phụ nữ đặc thù

Hội LHPN huyện đã chú trọng rà soát, thống kê, cập nhật số lượng, dữ liệu hội viên (trong đó có phụ nữ DTTS) trên phần mềm, rà soát số lượng cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức Hội. Hướng dẫn các cấp Hội thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nhân rộng và thành lập mới các mô hình thu hút tập hợp hội viên phụ nữ đặc thù, đăng ký chỉ tiêu phát triển hội viên theo thực tế nguồn tại địa phương. Với những đơn vị có tỷ lệ thu hút hội viên thấp, Hội đã tổ chức hội nghị làm việc với các đơn vị và lãnh đạo địa phương, qua đó nắm bắt khó khăn, tìm rõ ra nguyên nhân và xây dựng giải pháp cụ thể, có biện pháp để tháo gỡ kịp thời, thành lập các mô hình tập hợp nhóm phụ nữ khó tập hợp như phụ nữ đi làm ăn xa, phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên, phụ nữ tiểu thương... Kết quả, tính đến tháng 6/2024, Hội phụ nữ huyện đã chỉ đạo, thành lập 14 mô hình phụ nữ đặc thù (gồm 7 mô hình phụ nữ cao tuổi, 2 mô hình phụ nữ đi làm ăn xa, 2 mô hình phụ nữ Công giáo, 3 mô hình thanh niên trẻ) qua đó góp phần quan trọng, nâng tổng số hội viên trong huyện lên là 13.068 hội viên, tăng so với đầu nhiệm kỳ 640 hội viên, đạt 89% chỉ tiêu Nghị quyết cả nhiệm kỳ; tỷ lệ thu hút 74,3%, không có cơ sở Hội đạt tỷ lệ thu hút dưới 65%...

Với những kết quả đã đạt được, Hội phụ nữ huyện Lạc Thủy đang tiếp tục hướng đến việc tạo động lực phát triển và xây dựng một hệ thống Hội vững mạnh, nơi mọi phụ nữ DTTS đều có thể phát triển và khẳng định giá trị bản thân trong gia đình và cộng đồng.

Phạm Hiền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video