Hội LHPN Tiền Giang cho ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013

23/05/2025
Ngày 17/5/2025, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý tâm huyết.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh: “Việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Hội LHPN tỉnh mong muốn các đại biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm, đóng góp những ý kiến thẳng thắn, xây dựng, nhất là về các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, vai trò của phụ nữ, vấn đề bình đẳng giới và tổ chức Hội Phụ nữ.”

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến xác đáng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ toàn tỉnh đối với những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp 2013.

02 nhóm vấn đề quan trọng của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 được các đại biểu thảo luận sôi nổi: Các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và  các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện

Đa số đại biểu thống nhất cao với nội dung Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên, đại biểu cũng thảo luận và đề xuất một số vấn đề:

Điều 9: việc xác định các tổ chức như Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản, Hội Phụ nữ... là “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể gây tranh luận. Vì trên thực tế, các tổ chức này được Đảng lãnh đạo trực tiếp và có tư cách pháp nhân độc lập, có hệ thống tổ chức riêng. Nếu gọi là “trực thuộc” sẽ giảm tính độc lập tương đối của các tổ chức chính trị xã hội này. Do đó, kiến nghị sử dụng cụm từ mềm hơn, như: “là tổ chức chính trị – xã hội thành viên nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phối hợp tổ chức và hoạt động dưới sự hiệp thương dân chủ do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì”;

Khoản 3 Điều 110 quy định: “Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định”, cần giữ quy định về việc “lấy ý kiến Nhân dân đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính” và việc này do Quốc hội quy định. Việc lấy kiến nhân dân là phát huy dân chủ, là một trong những cơ sở quan trọng, tạo sự đồng thuận trong người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Đề nghị xem xét giữ lại nội dung đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chánh án tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân ở Điều 115 để phát huy hết trách nhiệm và quyền của đại biểu Hội đồng nhân dân; thống nhất với thời gian Nghị quyết có hiệu lực vào ngày 01/7/2025...

Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Phượng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, mang tính xây dựng của các đại biểu. Bà cho biết, các ý kiến sẽ được tổng hợp đầy đủ, gửi về Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Ban Chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp để nghiên cứu, tiếp thu.

 

Hội LHPN Tiền Giang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video