Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh tích cực chăm lo đời sống mọi mặt cho phụ nữ

Hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Năm 2024, tại 16 xã có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cao nhất trong tỉnh, Hội LHPN cấp xã đã thành lập, ra mắt và tập huấn cho thành viên mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ”. Các thành viên tham gia sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khoa học, đảm bảo trẻ phát triển trí tuệ và thể lực tốt nhất. Hội LHPN tỉnh cấp phát trên 400 quyển sổ theo dõi chiều cao, cân nặng trẻ từ 0-60 tháng tuổi cho các thành viên mô hình để theo dõi sự phát triển của trẻ.
Trong năm đã tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức về xoá bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; 4 hội nghị giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống tảo hôn và vận động sinh con đúng chính sách dân số cho hội viên phụ nữ tại các huyện: Bình Liêu, Hải Hà, Ba Chẽ, Đầm Hà. Đồng thời thành lập và ra mắt 10 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi"; thành lập mới 48 tổ truyền thông cộng đồng tại 8 huyện triển khai Dự án 8; in và phát 1.000 túi vải truyền thông về bình đẳng giới.
Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", các cấp Hội đã vận động xã hội hóa trên 250 triệu đồng để hỗ trợ xây mới 2 "Nhà an toàn", sửa chữa 1 nhà; trao 11 mô hình nuôi lợn thịt; tặng quà phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Bình Liêu và trao 5 mô hình sinh kế, 1 công trình sân phơi hộ gia đình với tổng kinh phí 37 triệu đồng; tặng 3 xe lăn cho phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại Móng Cái. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương” tại huyện Bình Liêu và Tiên Yên, qua đó đã vận động được 130 triệu đồng để trao tặng kinh phí hỗ trợ xây 2 "Nhà an toàn" và tặng 77 suất quà cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Phát huy vai trò phụ nữ trong gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa địa phương
Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, các cấp hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng tới đông đảo cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ tham gia phát triển con người Quảng Ninh gắn với phong trào thi đua của Hội "Xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh thời đại mới có trí thức, đạo đức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, văn minh, thân thiện".
CLB may thêu trang phục truyền thống tại huyện Tiên Yên. Ảnh: Cơ sơ cung cấp
Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức 847 hội nghị, truyền thông, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... thu hút trên 82.000 lượt phụ nữ tham gia. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… gắn với thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, phong trào “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao phù hợp để rèn luyện sức khỏe” được hội viên, phụ nữ hưởng ứng và tham gia sôi nổi.
Hội LHPN huyện Đầm Hà đã tích cực vào cuộc tham gia các hoạt động khôi phục thành lập và ra mắt các mô hình, CLB giữ gìn bản sắc nghề thêu dân tộc Dao tại thôn Tài Lý Sáy và thôn Lý Khoái, CLB Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình.
Tại TP Hạ Long, nhiều mô hình, câu lạc bộ hướng tới nhiệm vụ trọng tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Trong đó Hội LHPN xã Đồng Sơn với mô hình thêu may trang phục truyền thống. Được tổ chức mỗi tháng 1 lần, CLB tập trung tại nhà văn hoá thôn với hơn 20 thành viên. Tham gia CLB, những người bà, người mẹ, người chị không chỉ được thể hiện niềm đam mê, mà họ còn truyền dạy cho lớp trẻ giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân về những giá trị của văn hóa truyền thống; phát hiện và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng, thành lập các CLB của phụ nữ về bảo tồn, phát huy và giữ gìn các di sản văn hóa truyền thống. Nâng tổng số mô hình, CLB về lĩnh vực văn hóa toàn tỉnh lên 1.313 với gần 30.000 thành viên tham gia.
Trong đó có 10 CLB về văn hóa văn nghệ, hát Soóng cọ, hát then, 4 CLB thêu may hoa văn trang phục dân tộc Dao Thanh Phán, 1 CLB may trang phục dân tộc Dao Thanh Y, 1 CLB Phụ nữ dân tộc liên thế hệ bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống, 1 CLB phụ nữ phát huy giá trị truyền thống văn hoá địa phương, 1 CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao, 3 lớp học tiếng Dao Thanh Y; 1 mô hình Phụ nữ tiểu thương yêu thích, bảo tồn các làn điệu hát ru và dân ca.