Hội LHPN xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang: Nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả
Trước đây, gia đình bà Trương Thị Hương (chi hội Đắc Lộc 1) rất khó khăn. Năm 2012, gia đình bà được Hội Phụ nữ xã Vĩnh Phương hỗ trợ vay 30 triệu đồng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, vợ chồng bà đầu tư trồng thêm 200 gốc xoài. Bà cũng sử dụng vốn vay được để thuê máy xúc đào 3 hồ chứa nước nhằm chủ động tưới tiêu. Hiện nay, vườn cây của gia đình bà có gần 1.000 gốc xoài các loại, cho thu hoạch khoảng 60 tấn/năm. Trừ chi phí đầu tư, gia đình bà lãi 400 triệu đồng/năm. Bà Hương cho biết: “Nguồn vốn vay ưu đãi đã hỗ trợ chúng tôi khá kịp thời. Nhờ trúng mùa, vợ chồng tôi trả hết nợ ngân hàng. Năm 2014, chúng tôi còn xây được nhà, mua sắm đầy đủ vật dụng gia đình”.
Nhờ chăm chỉ, chịu khó và năng động, gia đình chị Huỳnh Thị Kim Yến (chi hội Đắc Lộc 1) cũng vươn lên thành hộ khá trong thôn. Vợ chồng chị cưới nhau năm 1999 với hai bàn tay trắng. Tần tảo làm rẫy, tranh thủ làm thuê nhưng anh chị cũng chỉ đủ nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Quyết tâm vượt lên chính mình, chị Yến bàn với chồng vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Hội phụ nữ nhận ủy thác để chăn nuôi bò. Năm 2011, anh chị dùng vốn vay mua con bò đầu tiên. Năm 2013, chị trả hết nợ và được hỗ trợ vay tiếp 30 triệu đồng để đầu tư thêm 2 con bò. Nhờ biết học hỏi và ứng dụng kỹ thuật, tiêm phòng dịch bệnh nên đàn bò của gia đình chị ngày một phát triển. Đến nay, nhà chị có 18 con bò, mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng từ làm rẫy, bán bò thịt và bò giống.
Từ mô hình kinh tế gia đình, nhiều hội viên còn tạo được việc làm cho lao động nữ nông thôn. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhựa của chị Lê Thị Lại (chi hội Như Xuân 2) tạo việc làm cho 40 lao động nông thôn, chủ yếu là lao động nữ, với thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trồng rau an toàn của chị Nguyễn Thị Cam (chi hội Đắc Lộc 1) tạo việc làm cho 20 lao động nữ.
Bên cạnh các hộ kinh tế gia đình thì ở Vĩnh Phương có một số tổ liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả như: tổ “Phụ nữ đam mê nấu ăn”; “Phụ nữ may gia công”; “Phụ nữ buôn bán nhỏ”... Trong đó, tổ “Phụ nữ đam mê nấu ăn” đã thu hút được 25 thành viên, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, tổ “Phụ nữ buôn bán nhỏ” có 36 thành viên, thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng. Thành viên các tổ liên kết còn tham gia tiết kiệm giúp nhau với số tiền hàng chục triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Phương cho biết, trong năm 2016, Hội sẽ mở rộng mô hình tổ liên kết “Phụ nữ may gia công”. Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 20 nhóm phụ nữ may gia công, mỗi nhóm tạo việc làm cho 3 - 5 phụ nữ. Ngoài ra, nhiều phụ nữ chưa có tay nghề cũng tham gia các công đoạn cắt chỉ, đính cúc , đơm khuy áo... Trong khi đó, Hội đang có 8 chiếc máy khâu chưa sử dụng. Hội sẽ khảo sát xem nhóm nào có nhiều nguồn hàng, mặt bằng rộng để vận động mở rộng nhà xưởng, đặt máy của Hội, thu hút phụ nữ tham gia liên kết may gia công.