Kết quả ba năm hoạt động Mạng lưới cán bộ tham mưu, tư vấn vê giới

19/01/2006
Cuối năm 2002, sau khi xây dựng Kế hoạch hành động 5 năm (KHHĐ) trên cơ sở các mục tiêu Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010,

Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (UBQG) có sáng kiến thành lập Mạng lưới cán bộ tham mưu tư vấn về giới để tổ chức và điều phối các hoạt động nâng cao năng lực của các ngành, các cấp trong việc thực hiện KHHĐ, Chiến lược quốc gia đạt hiệu quả.

 

Mục đích của mạng lưới cán bộ tham mưu tư vấn vê giới (gọi tắt là mạng lưới giới) nhằm tăng cường nỗ lực tham mưu về giới trong công tác hoạch định chính sách, lồng ghép giới trong các lĩnh vực và tuyên truyền vận động vì bình đằng giới, tiến bộ phụ nữ; hỗ trợ các Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ trong công tác tham mưu, tư vấn về giới và giúp cán bộ tham mưu có thông tin, kinh nghiệm làm tốt trách nhiệm của mình.

 

Thành viên của mạng lưới giới gồm các cán bộ, chuyên viên nghiên cứu, tham mưu, thư ký hoặc cán bộ thường trực các Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ thuộc bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, là người có quá trình và kinh nghiệm công tác, hiểu biết về giới và tâm huyết với sự nghiệp bình đẳng giới, được Bộ, ngành chủ quản tiến cử hoặc tự nguyện tham gia, đồng thời được UBQG chấp thuận.

 

Tại cuộc họp ra mắt đầu tiên, các thành viên đã thông qua “Cơ chế hoạt động của mạng lưới” với các nội dung về mục tiêu hoạt động, vai trò, trách nhiệm của thành viên và cơ quan điều phối mạng lưới giới, hoạt động và chế độ họp.

 

Với tư cách cơ quan điều phối hoạt động, UBQG đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức, năng lực về giới và lồng ghép giới cho các thành viên, đồng thời thường xuyên cung cấp thông tin hoạt động bình đẳng giới trong nước và quốc tế cho các thành viên thông qua các hình thức: cung cấp tài liệu, cập nhật thông tin, nghe báo cáo chuyên đề…

 

Từ buổi họp đầu tiên đến nay, Mạng lưới giới đã duy trì tốt chế độ họp định kỳ và đã qua 13 kỳ họp (mỗi quý/lần), Riêng năm 2005 họp được 4 lần). Hiện nay đã có 60 thành viên tham gia thường xuyên.

 

Tuy thời gian họp quy định chỉ một buổi nhưng các thành viên đã được cập nhật thông tin đều đặn về hoạt động bình đẳng giới trong và ngoài nước, nghe các chuyên đề cần thiết và trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động tham mưu tư vấn về giới.

 

Các chuyên đề được báo cáo trong các kỳ họp đã giúp các thành viên hiểu biết, có kinh nghiệm thiết kế, lập kế hoạch hành động và phương pháp nghiên cứu điều tra về giới.

 

Bên cạnh đó, tại hội nghị mạng lưới giới, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật bình đẳng giới của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

 

Cùng với việc cung cấp thông tin, tài liệu thường xuyên qua các kỳ họp và tập huấn nâng cao kiến thức về giới, lồng ghép giới, UBQG còn giới thiệu các thành viên trong mạng lưới tham gia giảng dạy giới cho các cơ quan, địa phương và làm giảng viên cho các lớp tập huấn khác của UBQG.

 

Trong 3 năm qua, đã có hơn 100 lớp tập huấn về giới và lồng ghép giới trong hoạch định chính sách công tại các cơ quan, địa phương do các thành viên trong Mạng lưới giới thực hiện mà UBQG giới thiệu.

 

Dự kiến trong năm 2006, sẽ có 4 cuộc họp định kỳ của mạng lưới giới với nhiều chuyên đề thiết thực và bổ ích. Trong nội dung các kỳ họp này sẽ còn tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật Bình đẳng giới vàtuyên truyền Luật Bình đẳng giới sau khi được Quốc hội thông qua.

 

* Các chuyên đề về giới:

 

- “Chiến lược và kế hoạch thực hiện giới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn” của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

- “Cách đưa vấn đề giới vào hoạt động chuyên môn ở cơ quan” và “Khái niệm về lồng ghép giới trong thể chế nhà nước và xã hội” của tiến sĩ Nguyễn Thu Linh – Học viện Hành chính quốc gia.

 

- “Kinh nghiệm xây dựng và tổ chức hoạt động mạng lưới tham mưu tư vấn” của Thạc sĩ Lưu Ngọc Hoạt – Trung tâm mạng lưới tư vấn và đào tạo sức khoẻ cộng đồng.

 

- “Thực trạng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo quản lý và đề xuất giải pháp tăng cường sự bình đẳng và phát triển của cán bộ nữ trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” của chị Phạm Ngọc Anh – Phó BanNghiên cứu Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

 

- “ Bình đẳng giới trong giáo dục” của Tiến sĩ Đỗ Thị Bích Loan – Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục.

 

- “ Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới ở Viện Chiến lược và Chính sách khoa học & Công nghệ” của Thạc sĩ Nguyễn Việt Hoà - Viện Chiến lược và Chính sách khoa học & Công nghệ.

 

- “ Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị” của Tiến sĩ Võ Thị Mai – Viện Khoa học tổ chức – Ban Tổ chức TW Đảng.

 

- “ Các phát hiện từ đánh giá nghèo đói có sự tham gia của người dân (PPA) 2003” của Tiến sĩ Trần Thị Vân Anh – Viện Gia đình và Giới thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

 

- “Về hội nghị cấp cao tổng kết Bắc Kinh + 10 khu vực Châu á Thái bình dương và trên thế giới” của chị Trần Thị Mai Hương – Chánh Văn phòng UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

 

- “Nghiên cứu tích hợp giới vào chương trình tiểu học” của chị Nguyễn Thị Mai Hà - cán bộ nghiên cứu Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục – Bộ Giáo dục - Đào tạo.

 

- “Giới thiệu Công ước CEDAW và quá trình thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam” và “Thực trạng phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài” của Tiến sĩ Dương Thanh Mai – Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp lý – Bộ Tư pháp.

Nguyễn Thị Mai - Văn phòng UBQG Vì STBCPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video