Khai mạc Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới
Tham dự buổi lễ, về phía Việt Nam có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Uông Chu Lưu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam; Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Đại hội; Đại diện Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội...
Về phía khách quốc tế có các đồng chí: Socorro Gomes Coelho, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới; Athanasios Pafilis, Tổng thư ký Hội đồng Hòa bình thế giới; Iraklis Tsavdaridis, Thư ký thường trực Hội đồng Hòa bình thế giới; và hơn 90 đại biểu và khách mời quốc tế là đại diện các tổ chức: Đoàn kết nhân dân Á - Phi, Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Liên hiệp Công đoàn thế giới, Hiệp hội Nhân dân Trung Quốc vì Hòa bình và Tài giảm quân bị, Ban Tổ chức quốc tế - Diễn đàn Nhân dân Á - Âu, một số tổ chức hòa bình - đoàn kết ở khu vực.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng các đại biểu quốc tế từ khắp nơi trên thế giới về dự Đại hội của Hội đồng Hoà bình thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết: Hoà bình, độc lập, tự do luôn là khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam, là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Vì mục tiêu đó, nhiều thế hệ những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã không tiếc thân mình hy sinh, chiến đấu chống lại các thế lực xâm lược hiếu chiến, hung bạo nhất trong thế kỷ 20, đấu tranh không mệt mỏi cho một nền hoà bình chân chính vì tiến bộ, lương tri và phẩm giá con người, vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới vì tự do, độc lập dân tộc, vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội. Những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có Hội đồng Hòa bình thế giới và các tổ chức thành viên Hội đồng, đã cùng nhau tạo nên một mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam, góp phần rất quan trọng vào các thắng lợi của nhân dân Việt Nam.
Điểm lại những thành tựu quan trọng sau hơn 35 năm Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ cảm ơn bạn bè quốc tế luôn ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. "Nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc tình cảm đoàn kết, sự ủng hộ quý báu của Hội đồng Hòa bình thế giới và bạn bè quốc tế khắp năm châu đã và đang dành cho Việt Nam", đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Khẳng định hòa bình thế giới ngày nay đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ hoà bình, xây dựng một thế giới phát triển công bằng và bền vững đang trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. Để làm điều đó, trước hết cần nỗ lực đấu tranh để bảo đảm việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa tất cả các quốc gia; Cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh vì hoà bình, giải trừ quân bị và phi quân sự hoá, xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác để đối phó hữu hiệu với các nguy cơ xuyên quốc gia, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, thúc đẩy phát triển công bằng và bền vững cho tất cả các nước trên thế giới. Trong sự nghiệp đó, Hội đồng Hoà bình thế giới có vị trí và vai trò hết sức quan trọng. Là một trong những tổ chức nòng cốt trong phong trào nhân dân thế giới, vượt qua bao khó khăn, thử thách, Hội đồng vẫn luôn là ngọn cờ tập hợp các lực lượng hòa bình tiến bộ trên toàn thế giới, thông qua đối thoại, kết nối hợp tác tạo nên sức mạnh nhằm thực hiện mục tiêu chung đấu tranh cho hoà bình, chống chiến tranh đế quốc, vũ khí hạt nhân, đoàn kết và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Á - Phi - Mỹ Latinh, khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, trong đó có nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng Đại hội 22 của Hội đồng Hoà bình thế giới sẽ đưa ra định hướng chiến lược, xây dựng được một chương trình hành động hiệu quả và đề ra những giải pháp thiết thực để đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội đồng Hoà bình thế giới, đóng góp tích cực trong các nỗ lực ngăn ngừa xung đột, ngăn chặn chạy đua vũ trang, xoá bỏ vũ khí huỷ diệt hàng loạt và thúc đẩy việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Với tinh thần đoàn kết, trí tuệ và đổi mới, Hội đồng Hòa bình thế giới sẽ tập hợp và đoàn kết ngày càng rộng rãi các lực lượng tiến bộ trên thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì hoà bình, phát triển và tiến bộ xã hội.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới, đóng góp tích cực và có trách nhiệm nhằm góp phần hiện thực hóa khát vọng chung của nhân dân thế giới.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, đồng chí Uông Chu Lưu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, cảm ơn Hội đồng Hòa bình thế giới và các tổ chức thành viên đã tín nhiệm chọn Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội lần thứ 22 của Hội đồng Hòa bình thế giới.
Điểm lại một số dấu mốc lịch sử đặc biệt giữa Việt Nam và Hội đồng Hòa bình thế giới trong nhiều năm qua, đồng chí Uông Chu Lưu chia sẻ, Hội đồng Hòa bình thế giới, với sự lãnh đạo của cố Chủ tịch Romesh Chandra, đã tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Hàng ngàn cuộc biểu tình, tuần hành, các sự kiện chính trị, văn hoá, hoạt động gây quỹ đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam đã được tổ chức trên khắp thế giới; hàng ngàn tờ rơi, áp phích và tài liệu tố cáo tội ác và phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ bằng nhiều thứ tiếng đã được lưu hành ở hàng chục quốc gia. Hoạt động của Hội đồng Hoà bình thế giới và các tổ chức thành viên trên khắp năm châu đã góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam năm 1975.
Trong những thập niên qua, Hội đồng Hoà bình thế giới tiếp tục đồng hành, sát cánh ủng hộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Hội đồng đã ban hành Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, tích cực tham gia bảo vệ Việt Nam trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo…
Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có những biến động to lớn, nhanh chóng và hết sức phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu mong muốn, Đại hội sẽ thảo luận và xây dựng được định hướng chiến lược và chương trình hành động thiết thực để tập hợp, đoàn kết ngày càng rộng rãi, đông đảo các tổ chức, cá nhân và các phong trào hòa bình trong cuộc đấu tranh chung vì một thế giới hoà bình, phát triển công bằng và bền vững.
Bày tỏ vui mừng khi được quay lại đất nước Việt Nam tham dự Đại hội, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Socorro Gomes Coelho tái khẳng định sự đoàn kết của Hội đồng với nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng chí cho biết, Đại hội của Hội đồng Hòa bình thế giới diễn ra trong bối cảnh nhân loại đang sống trong thời kỳ đầy khó khăn, thách thức. Chính trong bối cảnh đó, với tầm nhìn rộng lớn, với tinh thần đấu tranh và đoàn kết, các đại biểu sẽ cùng nhau đề ra đường lối và nhiệm vụ của Hội đồng, đóng góp vào nỗ lực chung của các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới nhằm ngăn chặn và đánh bại các thế lực hiếu chiến, phản động đang đe dọa phá hủy những thành tựu lịch sử của nhân loại.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, đồng chí Thanassis Pafilis, Tổng Thư ký Hội đồng Hòa bình thế giới, bày tỏ vui mừng vì Đại hội lần thứ 22 của Hội đồng được tổ chức tại đất nước Việt Nam anh hùng, nơi nhân dân và Đảng Cộng sản đã viết nên những trang sử vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống các đế quốc hùng mạnh, giành độc lập cho dân tộc. Đồng chí Thanassis Pafilis cho biết, trong khuôn khổ Đại hội lần này, các đại biểu sẽ thảo luận về các hoạt động của Hội đồng và đánh giá công việc của Hội đồng với tư cách ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Các Tổ chức tham dự Đại hội đều được hoan nghênh đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của tổ chức mình. Tổng thư ký Hội đồng khẳng định, Hội đồng hoạt động nhằm thúc đẩy tình hữu nghị, đoàn kết của các dân tộc và tin tưởng vào sức mạnh của họ. Hội đồng đấu tranh chống các cuộc chiến tranh phi nghĩa; tiêu diệt những nguyên nhân gốc rễ gây ra chúng và thiết lập những điều kiện cho hòa bình thực sự.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định tặng Huân chương Hữu nghị cho tập thể và các cá nhân:
1. Hội đồng Hòa bình thế giới (tập thể).
2. Chủ tịch Socorro Gomes Coelho
3. Tổng Thư ký Thanassis Pafilis
4. Thư ký thường trực Iraklis Tsavdaridis
Hội đồng Hòa bình thế giới là cơ quan lãnh đạo phong trào hoà bình thế giới có cơ cấu quốc tế lớn nhất hiện nay với 135 tổ chức thuộc các Đảng Cộng sản và cánh tả thuộc hơn 100 quốc gia. Xuất phát từ phong trào quần chúng quốc tế chống đế quốc, trải qua hơn 70 năm phát triển, Hội đồng đã trở thành một bộ phận cấu thành phong trào hòa bình thế giới, hợp tác chặt chẽ với các phong trào quốc tế và các quốc gia khác, nhằm mục tiêu thúc đẩy nền hòa bình chung của nhân loại. Đại hội lần thứ 22 của Hội đồng Hòa bình thế giới được tổ chức từ ngày 21 -26/11/2022 tại Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh với sự tham dự của khoảng 100 đại biểu quốc tế với các hoạt động chính: Khai mạc Đại hội; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp các đại biểu quốc tế; Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Lãnh đạo thành phố Hà Nội tiếp các đại biểu quốc tế; Hội nghị Hòa bình Hà Nội; Các Hội nghị trong khuôn khổ Đại hội; Bầu Ban chấp hành Hội đồng; Các hoạt động thăm quan các di tích lịch sử/danh thắng của Việt Nam; Các hoạt động bên lề Đại hội. |
Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới:
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Đại hội. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Bà Hà Thị Nga (giữa), Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và các đại biểu tham dự Lễ khai mạc Đại hội. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Trong nội dung trao đổi bên lề Lễ Khai mạc Đại hội, bà Hà Thị Nga (phải), Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và bà Annie Raja, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, Tổng Thư ký Liên đoàn Quốc gia Phụ nữ Ấn Độ, đều thể hiện mong muốn tăng cường hơn nữa hoạt động của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế ở khu vực Châu Á. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Ông Uông Chu Lưu, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Bà Socorro Gomes, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình thế giới, phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Các đại biểu quốc tế tham dự Lễ khai mạc Đại hội. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)