Khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc: 9 giải pháp nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị cũng đồng thời là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước, tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Báo cáo tại Hội nghị đã đưa ra các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là:
Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù; Xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước; Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. (Ảnh:Doãn Tấn/TTXVN)
Hội nghị cũng rút ra 6 bài học kinh nghiệm:
Bài học thứ nhất: Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Coi trọng công tác lãnh đạo, quản lý, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí văn hóa, con người; việc chỉ đạo thực hiện phải thường xuyên, liên tục, lan tỏa, thấm sâu, có trọng tâm, trọng điểm.
Bài học thứ hai: Đẩy nhanh việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, con người thành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách và nguồn lực cụ thể, thiết thực, nhất là các chính sách đặc thù liên quan đến quản lý và hoạt động văn hóa, tạo môi trường pháp lý khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực xã hội xây dựng và phát triển văn hóa, con người.
Bài học thứ ba: Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa theo hướng tăng cường tính hiệu quả, tính chi phối, không phát triển thiết chế theo một mô hình có sẵn, cứng nhắc mà phải căn cứ đặc điểm vùng, miền, dân tộc,tôn giáo, từng nhóm đối tượng, phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò và tính tích cực của hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống của các dân tộc, tôn giáo; xây dựng một số thiết chế văn hóa tiêu biểu, có trang thiết bị hiện đại, chuyên nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm. Đảm bảo vai trò chủ đạo của Nhà nước trong xây dựng văn hóa, con người, giữ vững trận địa tư tưởng, tạo sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận của xã hội.
Bài học thứ tư: Chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa ở các cấp có đức, có tài, có kinh nghiệm và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ khá, giỏi trong chuyên môn, có khả năng hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực; chú ý đến việc phát hiện, đào tạo, sử dụng tài năng văn hóa, văn nghệ ở một số lĩnh vực, bộ môn có tính đặc thù, chất lượng cao, năng lực đặc biệt.
Bài học thứ năm: Việc xây dựng môi trường văn hóa phải được thực hiện đồng bộ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, thực hành dân chủ, tính năng động, sáng tạo, đoàn kết của các chủ thể văn hóa; xây dựng cơ chế phối hợp, phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện Nghị quyết; xây đi đôi với chống; cổ vũ, động viên nhân tố mới, điển hình tiên tiến; kiên quyết đấu tranh loại trừ cái xấu, các ác, cái tiêu cực tha hóa con người, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Bài học thứ sáu: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, chống suy thóai tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực sự trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên gương mẫu về mọi mặt, thực sự là tấm gương, là động lực, niềm tin để nhân dân học tập, noi theo; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.