Lãnh đạo tỉnh An Giang đối thoại với cán bộ, hội viên, phụ nữ
Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thường trực các huyện, thị, thành ủy; Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh; Hội LHPN huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị; cùng 137 đại biểu đại diện cho phụ nữ trong toàn tỉnh.
Thời gian qua, trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh An Giang luôn quan tâm triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án... nhằm nâng cao mọi mặt đời sống của phụ nữ. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội trong công tác phụ nữ. Chất lượng cuộc sống và vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao; phụ nữ có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà, nhiều gương phụ nữ vượt khó vươn lên thành đạt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy vai trò phụ nữ trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Tại Chương trình đối thoại, cán bộ hội, hội viên, phụ nữ đã thẳng thắn, dân chủ nêu câu hỏi, mong muốn, kiến nghị gửi đến lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành với nội dung xoay quanh các vấn đề về: chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ, chế độ, kinh phí hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, điều kiện làm việc đối với cán bộ Hội cơ sở trong thời đại công nghệ 4.0; tình hình tội phạm công nghệ cao và việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái trên không gian mạng; lao động, việc làm ổn định cho phụ nữ nông thôn; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; công tác chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho hội viên phụ nữ và bình đẳng giới…
Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thấu hiểu và sẻ chia, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các đại diện sở, ngành, đơn vị liên quan đã lắng nghe và trao đổi, cung cấp thông tin cần thiết, trọng tâm đáp ứng những băn khoăn, trăn trở cũng như các đề xuất, kiến nghị của chị em.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân dân tỉnh Lê Văn Phước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình ghi nhận đầy đủ các ý kiến đặt ra tại đối thoại có liên quan; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác phụ nữ; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để tổ chức Hội LHPN thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước; đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Đây là năm thứ hai, Chương trình đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh và cán bộ, hội viên, phụ nữ được tổ chức. Qua đó, đã tạo diễn dàn để cán bộ, hội viên, phụ nữ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới và các nội dung đảm bảo hoạt động Hội LHPN các cấp vững mạnh.