Mô hình hoạt động Hội

06/09/2022
- Quảng Bình: Câu lạc bộ Di cư an toàn
- Vĩnh Long: Mô hình “Hạn chế sửa dụng túi nilon - Biến rác thải nhựa thành nhu yếu phẩm”
- Sơn La: Mô hình nuôi dê sinh sản
Buổi sinh hoạt CLB "Di cư an toàn" tại xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới

- Quảng Bình: Câu lạc bộ Di cư an toàn

Trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình tiếp tục ký kết biên bản thỏa thuận với Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam thực hiện Dự án Đấu tranh phòng chống mua bán người và Nô lệ thời hiện đại: Tăng cường truyền thông thay đổi hành vi và các dịch vụ” nhằm triển khai các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại.

Để nâng cao hiểu biết của người dân về phòng, chống mua bán người và di cư an toàn; lựa chọn những kênh di cư an toàn, chính thống cũng như ngăn ngừa trở thành nạn nhân bị mua bán, trong năm, 06 câu lạc bộ CLB “Di cư an toàn” tại các xã Nhân Trạch, Thanh Trạch, Hải Phú (Bố Trạch), Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh (Đồng Hới) gồm 270 thành viên đã tổ chức 12 buổi sinh hoạt với 540 lượt thành viên tham gia.

Nội dung các buổi sinh hoạt tập trung cung cấp thông tin, các chương trình về di cư an toàn, phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại, giúp các thành viên trong CLB cân nhắc, sáng suốt trong việc lựa chọn di cư lao động của bản thân hoặc người thân trong gia đình, bạn bè, thôn xóm… thông qua nhiều hình thức phong phú như hỏi đáp, tổ chức trò chơi, vận dụng sức sáng tạo của người tham gia. Bên cạnh đó, các thành viên cùng bàn bạc, thảo luận, ngoài việc lựa chọn di cư lao động để nâng cao mức thu nhập, phát triển kinh tế gia đình thì các thành viên có thể định hướng tương lai cho con, cháu hoặc bản thân một ngành nghề phù hợp với xu thế, khả năng của bản thân để phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình. Sau khi được cung cấp thông tin, các thành viên của CLB “Di cư an toàn” sẽ là những nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền các thông điệp của dự án, lan tỏa các kiến thức về di cư, phòng chống mua bán người, phân tích những mặt tích cực, lợi hại khi di cư, giảm thiểu rủi ro bị lạm dụng và bóc lột cho người thân và cộng đồng, góp phần hỗ trợ người lao động có những cuộc di cư an toàn.

- Vĩnh Long: Mô hình “Hạn chế sửa dụng túi nilon - Biến rác thải nhựa thành nhu yếu phẩm”

Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long tổ chức ra mắt 04 mô hình tham gia bảo vệ môi trường: “Biến rác thải nhựa thành nhu yếu phẩm” bằng hình thức hỗ trợ mô hình 01 ngôi nhà để các thành viên thu gom rác thải nhựa bán ve chai gây quỹ đổi lấy nhu yếu phẩm để tặng lại các thành viên tham gia mô hình; Mô hình "Hạn chế sử dụng rác thải nhựa" tại xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm, có 40 thành viên, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 01 giỏ xách đi chợ và 01 bộ hộp đựng thực phẩm nhằm hạn chế sử dụng túi nilon; Mô hình “Phân loại rác tại nhà” tại xã An Phước, huyện Mang Thít, có 40 thành viên, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 01 bộ (2 hộp) đựng thực phẩm giúp chị em bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, thay thế túi nilon; 02 sọt đựng rác tái sử dụng (01 sọt đựng rác hữu cơ; 1 sọt đựng rác vô cơ) và mô hình "Nhà sạch - ngõ xanh", tại xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, có 30 thành viên, mỗi hộ gia đình 01 thùng đựng rác khó phân hủy có nắp đậy; 01 bộ (2 hộp) đựng thực phẩm thay thế túi nilon và 01 giỏ xách đi chợ hạn chế sử dụng túi nilon; vận động các hộ gia đình trồng hoa trước ngõ.

Ra mắt mô hình "Biến rác thải nhựa thành nhu yếu phẩm"

Đây là các mô hình có ý nghĩa được cấp ủy, chính quyền địa phương và hội viên, phụ nữ quan tâm, ủng hộ, từng bước xây dựng ý thức tự giác của hội viên, phụ nữ trong việc phân loại, xử lý rác tại gia đình và hình thành thói quen thu gom, tái chế, sử dụng rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tham gia xây dựng nông thôn mới.

Dịp này, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh tổ chức 04 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về Luật bảo vệ môi trường; hướng dẫn cách thu gom, phân loại rác tại gia đình, gắn với truyền thông tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần, nhất là túi nilon cho 135 cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân tại 4 xã thuộc 4 huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm và Trà Ôn.

- Sơn La: Mô hình nuôi dê sinh sản

Mô hình nuôi dê sinh sản được Hội LHPN TP Sơn La triển khai tại bản Hùn, bản Ót Luông, xã Chiềng Cọ từ năm 2019, Hội LHPN thành phố đã trao 13 con dê trị giá 13 triệu đồng cho 13 hộ gia đình hội viên phụ nữ tham gia mô hình. Năm 2021, Hội tiếp tục hỗ trợ 60 con dê trị giá 60 triệu đồng cho 30 hộ gia đình hội viên, phụ nữ. Qua 3 năm triển khai mô hình, từ 73 con dê giống ban đầu đến nay dê sinh trưởng và phát triển tốt nhân ra được 225 con (không tính con giống ban đầu). Mỗi con bán được từ 3 triệu đồng đến 3.5 triệu đồng, mỗi năm các hộ gia đình thành viên mô hình thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng.

Phương Huyền, Tuyết Nga, Bích Diệp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video