Mô hình tập hợp phụ nữ trên mạng xã hội
Mô hình thí điểm hướng tới mục tiêu là “sân chơi”, diễn đàn để trao đổi sở thích, nguyện vọng, nhu cầu của hội viên không có điều kiện tham gia hoạt động/sinh hoạt Hội trực tiếp trên địa bàn dân cư đồng thời hướng đến thu hút, tập hợp nữ thanh niên, phụ nữ trong các khu chung cư, khu công nghiệp tiếp cận các hoạt động, sự kiện của Hội.
Việc quyết định lựa chọn mạng xã hội Facebook để triển khai thí điểm mô hình dựa trên kết quả khảo sát thực tế một số tỉnh, thành và các bộ, ngành liên quan cho thấy mạng xã hội facebook có tính phổ biến, kết nối không biên giới, tính năng đa dạng, giao diện hấp dẫn.
Song song với việc trực tiếp chỉ đạo mô hình thí điểm tại Hà Nội và Đà Nẵng, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo Học viện phụ nữ Việt Nam thực hiện mô hình tập hợp nữ sinh viên và Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mô hình đối với nhóm phụ nữ đặc thù trong nữ thanh niên, phụ nữ đi làm ăn xa, phụ nữ khu chung cư…
Ngày 5/5/2024, nhóm (group) “Phụ nữ Gia Lâm khỏe đẹp mỗi ngày” (thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) được khởi tạo, vận hành với 200 thành viên, sau đó 10 ngày, nhóm “Thanh Xuân Cẩm Lệ” (thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) được khởi tạo, vận hành với 40 thành viên.
Sau hơn 3 tháng hoạt động, 02 nhóm tập hợp phụ nữ trên mạng xã hội facebook đã thu được một số kết quả bước đầu: số lượng thành viên nhóm Thanh Xuân Cẩm Lệ tăng 4 lần, hiện có 422 thành viên, nhóm Phụ nữ Gia Lâm khỏe đẹp mỗi ngày tăng 5 lần, hiện có 1.100 thành viên. Trong đó, số thành viên là phụ nữ chưa tham gia tổ chức Hội chiếm trên 20%. Số lượng bài viết của 2 nhóm trung bình mỗi ngày có 3 bài viết; nội dung các bài viết tương đối đa dạng (hoạt động dân vũ, thông tin các hoạt động, sự kiện liên quan đến phụ nữ ở địa phương, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, nội dung giải trí và các nội dung khác. Các nhóm cũng đã thu hút được sự tương tác khá tích cực, nhóm “Phụ nữ Gia Lâm khỏe đẹp mỗi ngày” có 994 bình luận và 6.534 cảm xúc, nhóm “Thanh Xuân Cẩm Lệ” có 484 bình luận và 3.269 cảm xúc. Một điểm đáng chú ý, việc tham gia các nhóm không chỉ khuôn hạn trong hội viên, phụ nữ của huyện Gia Lâm và quận Cẩm Lệ mà còn thu hút hội viên, phụ nữ của các địa phương khác tham gia (trên 30 thành viên/nhóm), trong đó có thành viên là phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài tham gia nhóm (Gia Lâm có 6 người, Cẩm Lệ có 1 người).
Chịu trách nhiệm vận hành, duy trì hoạt động của nhóm là Ban quản trị, gồm 07 thành viên là cán bộ Hội từ TW đến cơ sở. Các thành viên Ban quản trị được tập huấn về sáng tạo nội dung trên nền tảng số, kiến thức và kỹ năng hoạt động an toàn trên mạng xã hội. Ban quản trị xây dựng quy chế hoạt động của nhóm đồng thời thực hiện các nhiệm vụ: mời phụ nữ, hội viên tham gia nhóm; phê duyệt thành viên tham gia; phê duyệt bài đăng của thành viên; tuyên truyền về hoạt động Hội, phong trào phụ nữ, kiến thức và kỹ năng về mọi lĩnh vực của đời sống, tin tức, sự kiện nổi bật; phản hồi, giải đáp những thắc mắc của thành viên trong phạm vi thẩm quyền, khả năng; tổng hợp nhu cầu tham gia tổ chức Hội của thành viên khi thành viên có nguyện vọng; thông tin, phản ảnh, báo cáo tình hình hoạt động của của nhóm...
Giao diện của nhóm “Phụ nữ Gia lâm khỏe đẹp mỗi ngày” và nhóm “Thanh Xuân Cẩm Lệ”
Kết quả ban đầu cho thấy, mô hình tập hợp phụ nữ bằng hình thức nhóm trên mạng xã hội là một cách thức rất mới, đòi hỏi có sự quan tâm, đầu tư của các cấp Hội. Hội LHPN Hà Nội và TP. HCM đã tập trung định hướng, hỗ trợ, thực hiện và giám sát Hội LHPN cấp huyện, cơ sở trong quá trình triển kh ai mô hình. Một số khó khăn nổi bật gặp phải như: thành viên Ban quản trị là cán bộ Hội kiêm nhiệm, thiếu thời gian đầu tư, nghiên cứu; thiếu kiến thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng về sáng tạo nội dung trên nền tảng số; nội dung và hình thức bài đăng còn theo hướng truyền thống, chưa thực sự hấp dẫn, chưa bắt kịp xu hướng của mạng xã hội do vậy chưa thu hút được nhiều người xem, thích, tương tác, chia sẻ; tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, ảnh hưởng phần nào đến việc tuyên truyền, mời gọi phụ nữ tham gia nhóm.
Sau thời gian thí điểm (hết tháng 12/2024), để thực hiện có hiệu quả mô hình tập hợp phụ nữ trên mạng xã hội, một số giải pháp các cấp Hội cần quan tâm thực hiện tốt như:
Cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa cũng như mục đích tập hợp phụ nữ trên không gian mạng, là một cách thức để tiếp cận, tuyên truyền, vận động, thu hút phụ nữ chưa tham gia tổ chức Hội quan tâm đến các hoạt động Hội, là tiền đề để vận động chị em trở thành hội viên, tham gia sinh hoạt Hội, đặc biệt là đối với nhóm chị em không có điều kiện sinh hoạt Hội trực tiếp ở địa bàn dân cư.
Các cấp Hội cần chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cán bộ Hội các cấp về ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt quan tâm tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Hội chuyên trách cấp huyện và cơ sở - những người trực tiếp vận hành và quản lý mô hình tập hợp phụ nữ trên không gian mạng kiến thức và kỹ năng về mạng xã hội, về sáng tạo nội dung số, về an ninh mạng.
Đẩy mạnh hoạt động khảo sát nhu cầu của thành viên nhóm, tổ chức các cuộc thi/diễn đàn trực tuyến trên các nhóm để tăng tương tác của thành viên, giới thiệu/quảng bá/thông tin về các nhóm tới các nhóm phụ nữ chưa là hội viên. Khai thác, phát huy thế mạnh của hội viên danh dự là các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông để chia sẻ, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đăng các bài viết hữu ích/hấp dẫn trong các nhóm…