Mô hình trồng nấm cho thu nhập ổn định
Tháng 4/2011, Hợp tác xã Minh Anh (phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) được thành lập với 7 thành viên và có vốn điều lệ là 30 triệu đồng. Khi thành lập mỗi hội viên góp 1 triệu đồng làm vốn sản xuất, kinh doanh các loại nấm ăn, nấm linh chi.
Thời gian đầu, khi mới đi vào hoạt động, HTX còn gặp nhiều khó khăn như nguồn vốn còn hạn chế vì đa số các thành viên đều là hộ cận nghèo. Thiếu vốn, HTX phải thực hiện trồng nấm theo mùa vụ nên doanh thu những năm đầu chỉ đạt hơn 109 triệu đồng/năm. Số tiền này không đủ để chi lương cho các thành viên và duy trì hoạt động của xưởng nấm.
Trước những khó khăn trên, năm 2013, chị Nông Thị Biệt, Chủ nhiệm HTX Minh Anh đã trực tiếp gặp Ban Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn để trình bày những khó khăn và đề xuất giúp đỡ về kỹ thuật trồng nấm có giá trị kinh tế cao. Đề nghị của chị đã được Sở ủng hộ và cử cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ xuống hướng dẫn quy trình, kỹ thuật cách cấy nấm. Trung tâm cũng hướng dẫn HTX trồng và chăm sóc 6 loại nấm có giá trị cao gồm: nấm chân dài, nấm đùi gà, nấm hương, nấm kim châm, nấm ngọc châm, nấm trân châu. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương hỗ trợ 3 máy móc chuyên dùng trong sản xuất nấm trị giá 120 triệu đồng. Trong đó, có 1 máy đảo trộn nguyên liệu, 1 máy sấy nấm, 1 tủ cấy vô trùng. Có máy móc, kỹ thuật, các thành viên sản xuất hiệu quả hơn cả về sản lượng và chất lượng đều tăng.
Đến nay, mỗi năm HTX thu hoạch được khoảng 2.000 bịch các loại nấm với doanh thu trên 300 triệu đồng/năm. Chị Biệt cho biết, thu nhập bình quân của 10 lao động thường xuyên trong HTX từ 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài số lao động thường xuyên, HTX cũng giải quyết việc làm mùa vụ cho 3-5 chị em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương với mức thu nhập 150.000 đồng/người/ngày. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhà xưởng sản xuất nấm sạch, đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng thị trường, tạo sự phát triển bền vững.