Một số quy định trong Luật Đất đai 2024 đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với dân số trên 14 triệu người, chiếm hơn 14,2% dân số cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng tại 3.434 xã thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số phần lớn là miền núi, chủ yếu tập trung ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Tây Nam Bộ.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh; đồng thời, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế. Nhưng đây cũng là địa bàn có địa hình tự nhiên phức tạp, độ dốc cao, chia cắt. Vì thế, quỹ đất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu là đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp và đất ở rất hạn chế. Bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng đất là một trong những chính sách phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Những năm qua, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng việc giải quyết đất ở, đất sản xuất,... cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số nơi vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra. Vì vậy, việc tiếp tục tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số là yêu cầu đặt ra thời gian tới.
Số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, chỉ có 13,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở thành thị, còn lại 86,2% là ở nông thôn; đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu lao động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản (73,3%), công nghiệp - xây dựng (14,8%), dịch vụ chỉ có 11,9% lao động.
Như vậy, có thể khẳng định, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số. Đồng bào DTTS là nhóm yếu thế, cần được sự quan tâm đặc biệt và có chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp của Nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, khiến việc thực hiện mục tiêu tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn.
Giải quyết đất ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất và hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết.
Việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, mà còn có ý nghĩa đối với việc thi hành phù hợp hơn và hiệu quả hơn chính sách, pháp luật đất đai hướng tới phát triển bền vững.
Luật Đất đai đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi và nâng cao vị thế của phụ nữ DTTS. Vì vậy, tuyên truyền, phổ biến Luật đất đai cho phụ nữ dân tộc thiểu số là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo. Hãy cùng tìm hiểu về Những điểm mới trong Luật Đất đai 2024 đối với đồng bào DTTS và những kỹ năng cần thiết để người cán bộ Hội có thể tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai mới đến phụ nữ dân tộc thiểu số hiệu quả nhất.