Nâng cao hiệu quả và tác động bền vững từ gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em

22/05/2025
Trong khuôn khổ triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Ảnh minh họa

Đây là mô hình can thiệp thiết thực, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe sinh sản của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số – đối tượng vốn chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện sống và tiếp cận dịch vụ y tế.

Tác động rõ nét đến thay đổi hành vi và tiếp cận dịch vụ y tế

Thuận Châu là huyện miền núi với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Thái và Mông. Với 27 xã và 309 thôn, bản đặc biệt khó khăn, tình trạng tảo hôn, sinh con tại nhà và nhận thức hạn chế về chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn còn phổ biến.

Trước thực tế đó, từ năm 2021 đến 2024, Hội LHPN huyện đã phối hợp với ngành Y tế triển khai 4 gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn: chăm sóc trước sinh, trong sinh, sau sinh và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Thông qua các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cơ sở, hội thi, sinh hoạt chi hội, truyền thông mạng xã hội, hơn 20.000 lượt hội viên, phụ nữ đã được tiếp cận thông tin, tư vấn bởi cán bộ y tế chuyên môn. Nhiều phụ nữ đã chủ động đi khám thai, lựa chọn sinh con tại cơ sở y tế thay vì sinh tại nhà như trước.

A group of people posing for a photo AI-generated content may be incorrect.

Hội LHPN Huyện Thuận Châu tổ chức Chiến dịch truyền thông Xóa bỏ định kiện giới và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho Phụ nữ và Trẻ em

Tính đến cuối năm 2024, đã có 1.084 phụ nữ được hỗ trợ đi khám thai, sinh tại cơ sở y tế và nhận hỗ trợ dinh dưỡng sau sinh, với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng. Đặc biệt, số phụ nữ DTTS khám thai đủ 3 kỳ tăng từ 781 lượt (năm 2021) lên 1.445 lượt (năm 2023–2024); số ca sinh có cán bộ y tế hỗ trợ tăng từ 1.032 lên 1.708, trong khi số ca sinh tại nhà giảm đáng kể, xuống còn trên 200 trường hợp.

A group of people sitting at a table AI-generated content may be incorrect.

A group of people sitting on the floor AI-generated content may be incorrect.

Một số hình ảnh hoạt động dự án 8 tại Hội LHPN Huyện Thuận Châu

Khẳng định vai trò định hướng, đồng hành của Hội LHPN Việt Nam

Kết quả đạt được tại Thuận Châu không chỉ phản ánh hiệu quả triển khai mô hình hỗ trợ sinh đẻ an toàn, mà còn cho thấy vai trò tích cực của tổ chức Hội trong công tác tuyên truyền, vận động và bảo vệ quyền lợi phụ nữ dân tộc thiểu số. Những chuyển biến về nhận thức, hành vi trong chăm sóc sức khỏe sinh sản không chỉ giúp giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh mà còn góp phần xóa bỏ những hủ tục, định kiến giới tồn tại lâu đời ở vùng cao.

Việc phối hợp hiệu quả giữa Hội LHPN Việt Nam và ngành Y tế đã tạo điều kiện để phụ nữ DTTS tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ y tế tại cơ sở, đồng thời tạo dựng niềm tin vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

A person holding a baby AI-generated content may be incorrect.

Tăng cường chính sách toàn diện, hướng tới giai đoạn 2026–2030

Việc triển khai các gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại huyện Thuận Châu đã cho thấy vai trò then chốt trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa – nơi điều kiện y tế còn nhiều hạn chế và tập quán lạc hậu còn tồn tại. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp Hội và ngành Y tế, nhiều phụ nữ đã thay đổi nhận thức, chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và lựa chọn sinh con tại cơ sở y tế. Tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và suy dinh dưỡng được cải thiện rõ rệt, thể hiện sự chuyển biến tích cực từ chính sách đến thực tiễn.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính bao trùm và phát huy hiệu quả lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong giai đoạn tới. Cụ thể, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng thụ hưởng – trong đó có phụ nữ người Kinh lấy chồng là người dân tộc thiểu số đang cư trú tại thôn, bản đặc biệt khó khăn; xem xét hỗ trợ chi phí đi lại cho bà mẹ đưa trẻ dưới 24 tháng tuổi đến khám sức khỏe định kỳ; đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số được khám sàng lọc các bệnh di truyền và truyền nhiễm khi mang thai như Thalassemia, viêm gan B, giang mai… nhằm phòng ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con [1].

Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất y tế, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn bản, và tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản cần tiếp tục được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026–2030. Đây là điều kiện tiên quyết để chính sách phát huy tác động lâu dài, đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến gần hơn với mọi phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Những kết quả bước đầu tại huyện Thuận Châu là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của Dự án 8 trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, xóa bỏ định kiến giới, từng bước trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc chăm lo sức khỏe, xây dựng gia đình và phát triển cộng đồng. Với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự định hướng sát sao từ Trung ương Hội, Dự án 8 hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại những chuyển biến tích cực, bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo.

[1] Tham luận “Hiệu quả, tác động trong triển khai Gói chính sách hỗ trợ Phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em” của Hội LHPN huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tại Hội nghị tổng kết hoạt động dự án 8 giai đoạn 2021 – 2025

Khánh Lê

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video