Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11: Hướng tới một xã hội pháp quyền bền vững
Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm đã trở thành một lời nhắc nhở về sự cần thiết của việc thượng tôn pháp luật, đồng thời kêu gọi mọi công dân tham gia vào việc xây dựng hệ thống pháp luật tiến bộ và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Những bước tiến trong xây dựng và thực thi pháp luật
Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò quan trọng đặc biệt, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Nhận thức sâu sắc điều đó, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải có một bản Hiến pháp. Và tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, Quốc hội đã bầu ra Ban dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh là Trưởng ban.
Tám tháng sau, ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam.
Sau Hiến pháp 1946, trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, Quốc hội nước ta đã ban hành các bản Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013. Mỗi một chế định trong những bản Hiến pháp sau này đều bắt nguồn từ tinh thần, giá trị chính trị và pháp lý của Bản Hiến pháp đầu tiên.
Trong đó, Hiến pháp 2013 - Hiến pháp hiện hành của nước ta đã và đang đi vào cuộc sống, ngày càng thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc, toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Cùng với sự ra đời của các bản Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam về mọi lĩnh vực cũng ngày càng được hoàn thiện.
Các ngành luật cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay bao gồm: Luật Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Tài chính, Luật Đất đai, Luật Hành chính, Luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Kinh tế, Luật Quốc tế.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong cải thiện và nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật để phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với những yêu cầu phát triển của nền kinh tế và xã hội.
Một trong những nỗ lực lớn là tăng cường pháp luật hướng tới bảo vệ quyền con người, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền lao động, bình đẳng giới và các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
Bên cạnh đó, các quy định về kinh tế, thương mại, đầu tư cũng đã được sửa đổi và cập nhật nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong lĩnh vực thực thi pháp luật, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp nghiêm túc để xử lý vi phạm pháp luật, đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong các quá trình tố tụng.
Bộ máy tư pháp đang đẩy mạnh cải cách với việc ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu pháp lý thống nhất, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Chính quyền địa phương cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc đưa pháp luật đến gần với người dân. Những chương trình hỗ trợ pháp lý cho người nghèo và các nhóm yếu thế đã tạo nên sự công bằng, giảm thiểu sự phân hóa trong xã hội.
Những biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp mà còn nâng cao ý thức pháp luật của mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho một xã hội an toàn và bền vững.
Về tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người dân, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2023, Cục Trợ giúp Pháp lý đã cung cấp tư vấn miễn phí cho hơn 100.000 trường hợp, giúp các nhóm yếu thế và người dân ở vùng sâu, vùng xa giải quyết các vấn đề pháp lý. Trong đó, các trung tâm trợ giúp pháp lý đã giải quyết hàng nghìn tranh chấp về đất đai và hôn nhân, đóng góp tích cực vào việc ổn định cộng đồng.
Lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Hướng tới một xã hội pháp quyền bền vững
Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bắt nguồn từ dấu mốc 9/11/1946, khi Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thông qua, ngày 9/11 được lấy làm Ngày Pháp luật Việt Nam. Đây là dịp để cả nước tôn vinh vai trò của pháp luật trong xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam diễn ra liên tục suốt năm, đặc biệt là trong các tháng cao điểm (tháng 10 và 11) nhằm nhấn mạnh thông điệp "Sống và làm việc theo pháp luật là trách nhiệm của mỗi công dân".
Chính phủ cũng khuyến khích các cơ quan và tổ chức truyền tải các khẩu hiệu nhằm nâng cao ý thức pháp luật, như “Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng” hay “Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh”…
Việc kỷ niệm Ngày Pháp Luật Việt Nam không chỉ nhắc nhở về tầm quan trọng của việc tuân thủ và thượng tôn pháp luật, mà còn là lời kêu gọi công dân tham gia vào công cuộc xây dựng hệ thống pháp luật tiến bộ và đồng hành cùng nhà nước trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Năm 2024, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp Luật được tổ chức rộng khắp từ Trung ương đến địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về các nội dung pháp lý, đặc biệt chú trọng vào quyền con người, quyền công dân và các chính sách mới, như: bảo vệ môi trường, chống tham nhũng và bảo vệ trẻ em.
Các hoạt động đối thoại pháp luật được triển khai nhằm giải đáp thắc mắc của người dân, tạo điều kiện để pháp luật gần gũi và thiết thực hơn với đời sống.
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức trong cả nước đã phát động nhiều chương trình phổ biến giáo dục pháp luật, như: hội thi tìm hiểu pháp luật, cuộc thi sáng tác văn hóa phẩm về pháp luật, nhằm giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu và nắm rõ các quyền và nghĩa vụ của mình.
Các phương tiện truyền thông cũng đồng loạt phát sóng, đăng tải các chuyên đề pháp lý, câu chuyện điển hình trong thực thi pháp luật và các video truyền thông dễ hiểu, tiếp cận gần gũi với mọi đối tượng.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhưng trình độ dân trí nói chung cũng như trình độ hiểu biết pháp luật của Nhân dân nói riêng không đồng đều.
Do thiếu hiểu biết pháp luật nên quyền lợi của người dân đôi khi bị xâm hại. Hạn chế nhận thức pháp luật khiến cho nhiều người không biết đâu là đúng, đâu là sai, đòi hỏi, đưa ra những yêu cầu không có căn cứ pháp lý, hoặc gây ra những tranh chấp, khiếu kiện.
Hạn chế nhận thức pháp luật cũng gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc áp dụng pháp luật như không chấp hành, có những hành vi chống đối, cản trở người thi hành công vụ, thậm chí chống người thi hành công vụ.
Nhiều vụ tranh chấp về dân sự, đặc biệt là tranh chấp về đất đai, tài sản phát sinh trong đời sống xã hội dẫn đến các mối quan hệ bị rạn nứt, gia đình bị ảnh hưởng, thậm chí gây ra những vụ án mạng, trở thành những vụ án hình sự...
Để tinh thần “thượng tôn pháp luật” thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội tiếp tục đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trong đó tập trung phổ biến, chính sách, pháp luật, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội…
Cùng với đó, việc xây dựng và thực thi pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng đồng bộ, minh bạch và gần gũi với người dân, nhằm tạo dựng một xã hội pháp quyền vững chắc.
Tôn trọng và thực hiện đúng pháp luật không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi công dân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong hành trình này, sự tham gia và đồng lòng của toàn xã hội là yếu tố quyết định để Việt Nam xây dựng được một hệ thống pháp luật tiên tiến, công bằng, bảo vệ và phục vụ lợi ích của toàn dân.