Nhận diện vấn nạn bạo lực gia đình ở vùng DTTS: Muôn vàn lý do dẫn đến bạo lực gia đình

25/06/2022
Vấn nạn bảo lực giới và bạo lực gia đình này đang đẩy một bộ phận phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS ngày càng trở nên bị tách biệt, tụt hậu trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi và phát triển như hiện nay.
Chị em phụ nữ dân tộc Dao sinh hoạt cộng đồng về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới

Bạo lực giới và bạo lực gia đình (BLGĐ) trong cả nước nói chung, ở vùng DTTS nói riêng, là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Vấn nạn này đang đẩy một bộ phận phụ nữ DTTS ngày càng trở nên bị tách biệt, tụt hậu trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi và phát triển như hiện nay. Đây cũng chính là một trong những lý do mà, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

Muốn là đánh

Tại Hội nghị tổng kết gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực diễn ra vào ngày 21/6 vừa qua, một phụ nữ giấu tên chia sẻ, khi đại dịch xảy ra khiến vợ chồng chị mất việc làm. Thời gian giãn cách ở nhà nhiều, nhà thì nhỏ, đi ra đi vào nhìn thấy nhau, thiếu thốn ăn uống nên vợ chồng lời qua tiếng lại.

“Mỗi lần cãi cọ chồng tôi lại đập phá đồ và đánh vợ. Anh ta cho rằng đàn ông đánh vợ là bình thường. Anh ta đổ lỗi cho vợ 'vì mày yếu kém nên mới thế, không vì mày thì dịch Covid bố con tao vẫn sống được'", chị kể. Chị đã phải tìm đến Ngôi nhà bình yên để trốn chạy khỏi những cơn bạo hành của chồng.

Năm 2015, Trần Văn Viên (30 tuổi, ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) kết hôn với chị N. Vì ghen tuông, nghĩ vợ ngoại tình nên Viên thường mắng chửi, đánh vợ khiến chị N. phải bỏ vào TP. Hồ Chí Minh để làm công nhân may hơn một năm.

Đêm 16/2 vừa qua, những người dân ven sông Trường Giang, gần như không ngủ sau khi nghe tin một người cha vì ghen tuông, đã ném đứa con gái 5 tuổi xuống sông. Do nghi ngờ vợ mình đang ở TP. Hồ Chí Minh ngoại tình, phản bội mình, trong cơn cuồng ghen, Trần Văn Viên đã bế con gái ruột mới 5 tuổi ném xuống sông. Bố vào tù, con gái thiệt mạng, đó là một cái kết quá đau lòng.

Ngày 6/5, một clip ghi lại cảnh người phụ nữ bị một người đàn ông đánh giữa đường xuất hiện trên mạng xã hội gây xôn xao. Đó là vụ bạo lực ám ảnh tại huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế. Vào lúc 13h30 chiều 5/5, chị B. cùng chồng là anh L.V.H. (39 tuổi) trên đường đi ăn giỗ về. Lúc đến đoạn gần cầu Khe Dài, xã Lộc Hòa, anh H. bất ngờ dừng xe máy rồi đấm đá liên tục dã man vào vùng đầu, vùng mặt chị B.

Người dân đi đường thấy sự việc xông vào can ngăn, thì H. mới dừng hành hung người vợ. Lúc này, H. đầy mùi men. Chị B. sau đó đã được người dân đưa đi cấp cứu tại trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy trong tình trạng sưng nhiều ở vùng mặt, 2 mắt bầm tím, đau đầu.

Các vết bầm tím trên gương mặt chị B bị chồng đánh giữa đường

Hay câu chuyện của chị Lù Thị L. (Chiềng Sinh, Sơn La). Chị chia sẻ, trong gia đình, mặc dù không bị đánh, nhưng chị thường xuyên bị chồng mắng nhiếc, sỉ vả bằng những lời lẽ thậm tệ. Thậm chí có lúc, anh ta còn không đếm xỉa, từ chối giao tiếp, chỉ im lặng, coi như chị L không hề tồn tại. Tất cả chỉ vì lý do cấm đoán chị không được tham gia học, làm những công việc yêu thích, chỉ tập trung vào việc chăm sóc con cái. 

"Những lúc ấy trong gia đình không khác gì địa ngục, bạo lực tinh thần khiến chị phải chịu những dày vò dai dẳng", chị L bộc bạch

Đây chỉ là những minh chứng trong hàng nghìn vụ bạo hành gia đình, đã xảy ra trên cả nước, đặc biệt là vùng DTTS, miền núi. Dù bạo lực gia đình, bạo lực giới không phải là vấn đề của riêng nhóm phụ nữ DTTS, mà là của nhiều nhóm và tầng lớp khác nhau trong xã hội, tuy nhiên, phụ nữ DTTS gặp những rào cản và thách thức đặc thù hơn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP, là thông tin được đưa ra tại phiên họp toàn thể về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) diễn ra chiều ngày 27/5/2022, cũng là vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm lo lắng.

Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).

Nỗi đau không chỉ ở thân thể

Trong tổng số hơn 14 triệu người DTTS ở nước ta hiện nay, phụ nữ chiếm 49,9%%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ DTTS đang là nhóm đối tượng yếu thế. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu sự bất bình đẳng về giới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).

Có muôn vàn lý do gây nên bạo lực gia đình, mà đối tượng gây bạo lực gia đình, chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia, cờ bạc, nghiện ma tuý; trình độ dân trí thấp; thiếu hiểu biết pháp luật. Đặc biệt là những trường hợp đàn ông là người DTTS, có các hành vi bạo lực xuất phát từ thói quen uống rượu hàng ngày; khi rượu vào không kiểm soát được bản thân dẫn đến các hành vi bạo lực.

Bên cạnh đó, nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa vẫn chịu ảnh hưởng bởi các phong tục lạc hậu, trọng nam khinh nữ, nhận thức người dân thấp; gia đình thường đông con, kéo theo đó là đời sống kinh tế gia đình rất khó khăn.

Theo báo cáo tóm tắt chính sách: “Các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã Hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) công bố vào tháng 8/2021 cho thấy: Bạo lực ở phụ nữ DTTS dưới dạng kiểm soát hành vi và bạo lực kinh tế nhiều hơn so với phụ nữ dân tộc Kinh, nhưng có tỷ lệ bị bạo lực thể xác, bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần thấp hơn.

Tuyên truyền về việc kết hôn đúng tuổi và nhận diện hành vi bạo lực gia đình cho phụ nữ DTTS ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên

Có đến 33,8% phụ nữ DTTS bị kiểm soát hành vi, và 24,1% phụ nữ DTTS bị bạo lực kinh tế do chồng/bạn tình gây ra trong đời, trong khi tỷ lệ tương ứng ở nhóm phụ nữ dân tộc Kinh chỉ là 26% và 19,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực thể xác/bạo lực tình dục hay bạo lực tinh thần do chồng/bạn tình gây ra trong đời lần lượt là 29,4% và 43,7%, thấp hơn phụ nữ dân tộc Kinh (32,7% và 47,7%).

Thực tế cho thấy, vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Những vụ bạo hành về mặt tinh thần diễn ra một cách âm thầm, lặng lẽ, người phụ nữ thường thấy bế tắc, không chia sẻ cùng ai. Và đến một ngày, họ có thể có những hành vi nguy hiểm như tự sát, hủy hoại bản thân, chúng ta mới nhận ra được thì đã quá muộn.

Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

baodantoc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video