Những kiểu giáo dục sai lầm

02/11/2004
Chẳng bậc cha mẹ nào lại không muốn con cái khi lớn lên sẽ giỏi giang, thành đạt, làm vinh dự cho bố mẹ, gia đình. Muốn vậy phải giáo dục con cái ngay từ nhỏ. Nhưng giáo dục như thế nào, bằng phương pháp nào thì đó mới là vấn đề. Thực tế một số phương pháp giáo dục con khá phổ biến hiện nay, thoạt nhìn thì thấy khá "hợp lí" nhưng lại dễ gây nguy hại cho tâm lý trẻ và ảnh hưởng tiêu cực đến đường đời tương lai của trẻ.

Coi trẻ là "thần tượng"

Nhiều người vẫn cho rằng những đứa trẻ được hưởng sự giáo dục như vậy thật may mắn. Trẻ được tất cả mọi thành viên trong gia đình yêu quý và hơn thế, còn "nâng niu" nữa. Trẻ là "ông trời con", mọi người trong nhà đều hết sức chiều chuộng, sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của nó. Không một hành động nào của trẻ bị coi là xấu mà ngược lại, mỗi hành động của "thần tượng" đều được cả gia đình cho là độc đáo, là thiên tài. Thật dễ hiểu là đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ rất tự tin về sự độc đáo đặc biệt của mình. Nó đỏng đảnh và ích kỷ, chỉ quen được hưởng, được nhận chứ không cho ai cái gì. Tuy nhiên, mặc dù được chiều chuộng hết sức nhưng đứa trẻ "thần tượng" ấy nhiều khi lại thua kém các bạn cùng lứa tuổi về những hiểu biết tối thiểu trong cuộc sống. Những nhược điểm đó không thấy rõ lắm khi trẻ còn nhỏ nhưng sẽ biến thành những vấn đề thực sự khi chúng lớn lên. Đứa trẻ "thần tượng" như vậy gần như không thể thích nghi được với nhà trẻ hoặc mẫu giáo, thậm chí khi đến tuổi đi học cũng phải vất vả lắm mới quen được với bạn bè, chúng dễ đỏng đảnh, hay tự ái, hờn dỗi và khó hoà đồng. Trẻ sẽ luôn cảm thấy lúng túng, ngơ ngác, không thoải mái, không biết xử sự ra sao trong bất kỳ tình huống nào gặp phải bên ngoài 4 bức tường gia đình.

 

Bắt ne bắt nẹt trẻ

Không ít bậc cha mẹ lại bắt ne bắt nẹt trẻ quá đáng. Ngay từ nhỏ, đứa trẻ không có quyền tự làm bất cứ việc gì, thậm chí bố mẹ cũng chẳng hề để tâm tới thời kỳ tâm lí gọi là "cuộc khủng hoảng tuổi lên 3", khi trẻ cái gì cũng muốn tự làm lấy. Mọi "nỗ lực" của trẻ muốn bảo vệ tính tự lập của mình đều thất bại. Trẻ rất mau chóng hiểu rằng tuyệt đối không nên "gây chuyện" với bố mẹ mà nên nhất nhất vâng lời, nhất nhất tuân theo mọi lời bảo ban của bố mẹ. Còn bố mẹ thì đã "tính toán" hộ cho cuộc đời của trẻ tới từng chi tiết nhỏ nhất. Đương nhiên là họ muốn trẻ thành người, nhưng vô tình họ lại biến mình thành những kẻ "độc tài" quyết định mọi việc thay con cái. Kết quả là trẻ dần dần mất đi cá tính của mình, mất đi tính độc tập, tự chủ. Nhưng sẽ còn tồi tệ hơn nếu khi lớn lên trẻ vẫn chỉ bảo sao nghe vậy và trở thành một kẻ thiếu tự tin, không biết giao tiếp, làm gì cũng thất bại vì lúc nào cũng e sợ mọi thứ trên đời.

 

Buông lỏng trẻ

Trái ngược hẳn với phương pháp giáo dục theo kiểu bắt ne bắt nẹt, nhiều bậc cha mẹ lại buông lỏng trẻ, cho trẻ quá nhiều tự do, lắm khi tự do đến mức gần như thờ ơ với trẻ. Trẻ muốn làm gì thì làm, không bị bất kỳ sự kiểm soát nào. Dĩ nhiên đứa trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục như vậy sẽ đi đến chỗ tin chắc rằng mình là người thừa, chẳng ai yêu thương mình, chẳng ai cần đến mình. Điều hết sức lạ lùng là phương pháp giáo dục này không chỉ thấy trong những gia đình nghèo khổ hoặc ít học, ít hiểu biết mà còn hay gặp ở trong các gia đình trí thức, sungtúc, nơi bố mẹ mải mê theo đuổi cuộc sống lý thú riêng mà không còn thời gian dành cho con cái nữa.

 

Phương pháp "Bàn tay sắt"

Công cụ chủ yếu của phương pháp này là đe doạ trẻ, buộc trẻ phải luôn trong tâm trạng sợ hãi: sợ bố mẹ nổi giận, sợ bị cấm đoán, sợ bị trừng phạt. Trẻ đúng là bị kìm kẹp trong "bàn tay sắt". Bất kỳ sự không vâng lời nào, bất kỳ hành động nào vi phạm những quy định mà bố mẹ đặt ra đều bị trừng trị thẳng tay. Những bậc cha mẹ như vậy tin rằng trẻ phải biết sợ bố mẹ, mà "sợ tức là kính trọng". Hiển nhiên là trong môi trường giáo dục kiểu như vậy, trẻ không cảm thấy tình thương yêu của bố mẹ. Kết quả là khi lớn lên, trẻ dễ biến thành một kẻ độc ác, khô cứng, thiếu hẳn lòng vị tha và thường có những hành động phả ứng khá dữ dội, gay gắt, quyết liệt.

Một tình huống có hại nữa là sự thay đổi đột ngột phương pháp giáo dục. Chẳng hạn, trẻ đã quen được nuông chiều, quen được coi là "thần tượng" duy nhất của cả gia đình, nhưng rồi bố mẹ sinh đứa con thứ 2, dù muốn hay không thì bố mẹ cũng phải thay đổi phương pháp giáo dục và lúc ấy, họ ngạc nhiên không hiểu tại sao đứa con lớn lại không được như họ tưởng, lại hay cáu bẳn, tính nết thất thường đến như vậy. Kết quả là không khí hoà thuận trong gia đình bị phá vỡ và rất có thể đứa con lớn sẽ đâm "ghét bỏ" đứa em nhỏ vô tội của mình.

Theo Báo Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video