Ninh Bình: Nữ đại biểu Hội đồng nhân dân tâm huyết với các sản phẩm truyền thống của quê hương

03/12/2024
Dù có 2 bằng Cử nhân Đại học Luật Hà Nội và Viện ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng ngay sau khi lập gia đình, chị Trịnh Thị Lý (sinh năm 1990) đã cùng chồng quyết định trở về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
2. Chị Trịnh Thị Lý (đội nón lá) cùng xã viên Tổ truyền thông trong một buổi thu hoạch dược liệu ở Vườn Dược liệu Sinh Dược

Nhận thấy, tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, phần lớn người nông dân gặp khó khăn trên chính đất canh tác của mình khi giá trị của nông sản bấp bênh vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phương thức sản xuất lạc hậu, với độ tuổi lớn (trên 40) họ không được chào đón tại các khu công nghiệp, và phương thức “cạnh tranh” thường được lựa chọn để có được việc làm tại địa phương là chấp nhận làm thuê với giá rẻ. Trong khi đó, Gia Sinh là một địa phương đang phát triển mạnh về du lịch, trọng tâm là du lịch tâm linh với quần thể chùa Bái Đính, và khu du lịch sinh thái Tràng An. rất thuận lợi để phát triển các ngành tiểu, thủ công nghiệp phục vụ tiêu dùng xanh, du lịch. Đặc biệt, các tri thức thảo dược cổ truyền vẫn được người dân địa phương lưu trữ, và ứng dụng trong các sinh hoạt thường ngày.

Từ những nhận thức sâu sắc này, chị Lý đã cùng chồng thành lập nên Hợp tác xã Sinh Dược với định hướng sản xuất các sản phẩm từ nguồn thảo dược bản địa, phát triển sinh kế gắn với cộng đồng.

Tuy nhiên, “Ban đầu khi chúng tôi tìm đến người dân, chỉ có một số ít người đồng ý tham gia cùng, đa phần mọi người từ chối vì không tin mô hình này có thể phát triển bền vững”, chị Lý chia sẻ. Cùng với đó, vùng nguyên liệu tại địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún chưa đáp ứng được nhu cầu nếu đi vào sản xuất rộng rãi.

Để giải quyết khó khăn này, chị Lý trực tiếp lên kế hoạch, xây dựng đề án để tiếp cận các nguồn vay ưu đãi và xin hỗ trợ thông qua các chương trình như khuyến nông, khuyến công, tiếp cận các nguồn vay ưu đãi (5-6%/năm) …

Song song với việc chuẩn hoá quy trình sản xuất, chị bàn với chồng bỏ vốn hỗ trợ người dân trồng dược liệu tập trung phát triển nguồn nguyên liệu tại địa phương và khảo sát, liên kết với các vùng nguyên liệu tại Cam Lộ (Quảng Trị), Duy Tiên (Hà Nam), Sapa (Lào Cai).

Chị Lý hướng dẫn cho khách thăm quan HTV về quy trình làm tranh lá Bồ đề

 

Có nguồn nguyên liệu ổn định, anh chị tiến hành hiện đại hóa các máy móc như máy chiết tinh dầu, máy sao, máy sấy… để tối ưu hóa quy trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo đơn giản để bà con lao động địa phương vẫn có thể dễ dàng học theo. Từ đó, chất lượng sản phẩm ngày một gia tăng trong khi giá thành lại giảm so với các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên khác.

Từ chỗ chỉ có 7 thành viên thời điểm mới thành lập năm 2014 và sản xuất 3 sản phẩm chính là: muối ngâm chân, xà phòng thảo dược, dưỡng da thảo dược. Sau 10 năm, đến nay, Hợp tác xã đã có 16 thành viên, hoạt động trong 9 loại hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; giải quyết việc làm cho 30 lao động thường xuyên và 50 lao động thời vụ (trong đó hơn 70% là lao động nữ) với mức lương 5-6 triệu đồng/ người/ tháng. Các sản phẩm tiện dụng có nguồn gốc tự nhiên, không hóa chất, không độc hại, thân thiện với môi trường phục vụ nhu cầu thiết yếu và chăm sóc sức khỏe của HTX như xà bông, muối tắm, muối ngâm, bột chà răng, nước giặt đã được thị trường đón nhận, phản hồi tốt. Đưa về cho HTX doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm.

Với cương vị Phó Giám đốc Hợp tác xã, chị Lý tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để cho ra những dòng sản phẩm mới mang đặc trưng văn hoá của vùng “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Trong một lần tình cờ xem các clip ở trên mạng về ý nghĩa của lá bồ đề trong đạo Phật và có một số sản phẩm lá bồ đề đã có từ trước đó ở Ấn Độ, Trung Quốc. Chị liên tưởng ngay đến những cây bồ đề được trồng rất nhiều quanh vùng đất thiêng Bái Đính quê hương.

Chị cùng các xã viên HTX nghiên cứu, thử nghiệm rất lâu cách thức làm thế nào để thu được xương lá bồ đề từ những chiếc lá tươi. Chị cho biết, mùa hái lá bồ đề tươi phải vào tầm tháng 7, tháng 8 hàng năm. Bởi, đây là thời điểm gân lá dẻo dai và đẹp nhất trong năm. Những chiếc lá hái về ngâm trong nước vôi trong từ 1 - 2 tháng cho phần thịt lá rữa ra thì được xã viên dùng bàn chải mềm chải sạch rồi phơi khô để thu về phần xương lá.

Nếu công đoạn sơ chế lấy xương lá bồ đề phải tỉ mỉ, kỳ công và kiên nhẫn thì công đoạn ghép tranh lại đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo và óc thẩm mỹ mà không phải ai cũng có được. Chị đã tìm đến nghệ nhân của các làng nghề truyền thống như thêu ren, làm mộc, làm gốm khu vực Hoa Lư, Gia Viễn và cả Nam Định để tham khảo ý kiến, đề xuất hợp tác làm tranh. Thời gian ghép mỗi bức tranh có thể giao động 4-5 tiếng hoặc 4-5 ngày hoặc vài tháng tùy thuộc vào nội dung, khối lượng, chất lượng và nguyên liệu tạo thành của bức tranh từ một vài đến hàng nghìn chiếc lá đơn.

Với hoạ tiết tự nhiên từ xương lá, mỗi bức tranh lá bồ đề là một tác phẩm độc bản gắn liền với nét văn hoá, tâm linh đặc trưng của vùng đất Gia Viễn, Ninh Bình và nhanh chóng trở thành món quà được ưa chuộng của du khách và người dân nơi đây.

Cùng với sản phẩm muối ngâm chân, tranh lá bồ đề là hai sản phẩm của HTX Sinh Dược đạt Chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Ninh Bình.

Bên cạnh đó, chị Trịnh Thị Lý cũng là Đại biểu Hội đồng nhân dân khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh Ninh Bình. Trên bất kỳ cương vị nào, chị cũng luôn mang trong mình tình yêu, lòng biết hơn sâu sắc với mảnh đất “Sinh Dược” và luôn trăn trở làm thế nào để lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao giá trị nông sản, thảo dược của quê hương đồng thời mang lại sinh kế lâu dài, bền vững cho bà con.

Khánh Ly

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video