Nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và những quy định về quyền và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam
Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật (khoản 2 Điều 2).
1. Những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
1.1. Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh
Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật xác định phạm vi điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức có sử dụng lao động.
Về phạm vi, luật quy định mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác; Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động (Điều 4).
1.2. Các quy định cụ thể hóa phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"
- Về quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở: Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 5).
- Quyền thụ hưởng của công dân: Được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc; Được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc; Được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng (Điều 7).
- Nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở: Tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở; chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 6).
- Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn:
a) Nội dung, hình thức Nhân dân bàn và quyết định:
Nhân dân bàn và ra quyết định về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng; Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ; Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư (Điều 15).
Nhân dân bàn và quyết định bằng các hình thức: Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; Phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình; Biểu quyết trực tuyến phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn (Điều 17).
b) Nội dung, hình thức để Nhân dân tham gia ý kiến:
Nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành, nghề của cấp xã; Dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; Chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án di dân, tái định canh, định cư đối với việc quyết định đầu tư công dự án quan trọng quốc gia, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án; Dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng; Dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở xã, phường, thị trấn (nếu có); Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã (Điều 25).
Nhân dân tham gia ý kiến bằng hình thức: Hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; Phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; Thông qua hòm thư góp ý, đường dây nóng (nếu có); Thông qua Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; Thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; Tổ chức đối thoại, lấy ý kiến công dân (Điều 26).
c) Nội dung, hình thức để Nhân dân kiểm tra, giám sát
Công dân kiểm tra việc thực hiện các nội dung mà Nhân dân đã bàn và quyết định; Công dân giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Điều 30).
Hình thức Nhân dân kiểm tra, giám sát: (1) Công dân trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua: Hoạt động lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư; Quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người dân ở cộng đồng dân cư; Tiếp cận các thông tin được công khai; các thông tin, báo cáo của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý hoặc thực hiện các nội dung Nhân dân đã bàn và quyết định; Tham dự hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân, hội nghị tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân; hội nghị định kỳ và các cuộc họp khác của cộng đồng dân cư; (2) Công dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức tự quản khác ở địa phương được thành lập theo quy định của pháp luật (Điều 31).
- Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị: Luật quy định về những nội dung người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai, hình thức và thời điểm công khai thông tin; trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện để người lao động bàn, quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát. Đồng thời Luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm trong việc bảo đảm để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát. Luật quy định khái quát và viện dẫn áp dụng pháp luật liên quan trong thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
- Về trách nhiệm tổ chức thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở: Luật quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp; Quốc hội; Hội đồng nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở.
2. Các quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong thực hiện dân chủ ở cơ sở:
- Về việc tuyên truyền, phổ biến đến hội viên phụ nữ những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai: Hội LHPN cấp xã tiếp nhận thông báo của chính quyền địa phương cấp xã về những nội dung phải công khai tin để tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến hội viên phụ nữ (điểm h khoản 1 Điều 12); một số nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai được thực hiện thông qua cuộc họp, sinh hoạt của tổ chức Hội (khoản 4 Điều 13).
- Lấy ý kiến Nhân dân về những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở (điểm đ khoản 1 Điều 26); các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện kế hoạch chức lấy ý kiến Nhân dân về các nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyets định (khoản 2 Điều 28).
- Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của hội viên phụ nữ khi phát hiện hành vi, nội dung có dấu hiệu vi phạm qua kiểm tra, giám sát của Nhân dân để xem xét, thực hiện kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 35).
- Thực hiện dân chủ ở cơ quan chuyên trách Hội LHPN các cấp theo quy định tại Chương III của Luật.
- Thực hiện trách nhiệm của các cấp Hội: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của hội viên, đoàn viên và Nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Tham gia, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; Thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của hội viên phụ nữ (Điều 89).
Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 xác định nhiệm vụ trọng tâm “Tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới”, trong đó, thực hành dân chủ cơ sở, thực hiện hiệu quả chức năng đại diện của tổ chức Hội là một nội dung quan trọng của nhiệm vụ. Nghị quyết xác định, các cấp Hội có trách nhiệm tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát huy quyền làm chủ, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; vận động phụ nữ tham gia có trách nhiệm các hoạt động đối thoại, giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp ý cho cán bộ, đảng viên; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cấp cơ sở trong tổ chức các hoạt động để phụ nữ thực hành dân chủ thực chất; thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa hội viên, phụ nữ với Đảng, chính quyền.