Phụ nữ Hậu Giang “ra sức dệt thêu” quê hương thêm đẹp
Thưa bà, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; với phụ nữ Hậu Giang, trong 20 năm qua đã “ra sức dệt thêu” quê hương bằng những chủ trương, quyết sách nào?
- 20 năm qua, phụ nữ Hậu Giang đã “ra sức dệt thêu” quê hương bằng những chủ trương, quyết sách phù hợp.
Đó là, trên tinh thần chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, phụ nữ tỉnh có những giải pháp, cách làm sáng tạo, linh hoạt; vận dụng thực hiện một cách cụ thể chủ trương, nghị quyết đại hội tại tỉnh để thúc đẩy phát triển, giúp các tầng lớp phụ nữ tỏa sáng trên từng lĩnh vực, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong đó, đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương Hội phát động: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Xây dựng người phụ nữ thời đại mới” gắn với các phong trào thi đua của tỉnh: “Phụ nữ Hậu Giang thi đua xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”; “Xây dựng người phụ nữ Hậu Giang đoàn kết, nhân ái, tự tin, năng động”; thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và thiết thực làm theo gương Bác; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của các cấp, các ngành.
Hội LHPN tỉnh tích cực triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các cấp hội cũng có một số mô hình tiêu biểu như: “5 có, 3 sạch”; “5 có, 4 sạch”; “Đường hoa - nhà sạch”, “3 sinh, 2 không”, “Bảo hiểm xanh”, “Đổi rác thải thành cây xanh”, “Vườn ươm hoa kiểng”, “Ủ rác hữu cơ xây dựng vườn rau sạch”, có 71.517 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí cuộc vận động.
Hội đã phát huy nội lực và ngoại lực giúp xây dựng 2.000 mái ấm tình thương, trị giá hơn 67 tỉ đồng, xây dựng nhiều cầu bê tông nông thôn; hàng năm trao tặng hàng ngàn suất quà cho phụ nữ, trẻ em hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; nhận đỡ đầu học sinh, tặng học bổng, dụng cụ học tập, nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi do Covid và mồ côi do hoàn cảnh khác… Thông qua nhiều hoạt động, 20 năm qua các cấp hội đã giúp trên 25.940 hộ thoát nghèo.
Kết quả qua từng năm, chị em tỉnh nhà đã “dệt thêu” quê hương “thêm tốt đẹp, rực rỡ” ra sao?
- Cụ thể, 20 năm qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc được triển khai rất hiệu quả.
Nhiều phụ nữ tự tin, mạnh dạn đi đầu trong khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh, mạnh dạn chuyển đổi khoa học trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; nhiều chị em đã tự tin làm chủ doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh, mô hình hợp tác xã, tổ liên kết, tổ hợp tác do phụ nữ thành lập… đã thắp lên ngọn lửa và truyền cảm hứng cho phụ nữ mạnh dạn phát huy vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.
Xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình tiên tiến, có đóng góp thiết thực trong các lĩnh vực như: Hợp tác xã Kỳ Như, huyện Phụng Hiệp; Sữa dê Ngọc Đào, huyện Châu Thành A; Cơ sở sản xuất trà Mãng cầu Diễm Phượng, huyện Long Mỹ; về thể thao có vận động viên Nguyễn Thị Phương Trinh, Phạm Thị Diễm…
Chị em còn tích cực trong thực hiện chuyển đổi số với việc xây dựng, đưa vào vận hành App Phụ nữ Hậu Giang; thực hiện hiệu quả Đề án “Cải cách lề lối làm việc, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hội LHPN các cấp, giai đoạn 2023 - 2026”;…
Bà nhận thấy việc thường xuyên học tập, làm theo gương Bác của chị em có những chuyển biến tích cực như thế nào?
- Việc tự giác thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh Hậu Giang nhận thức ngày càng sâu sắc, chuyển biến tích cực trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp hội trong tỉnh.
Từ tỉnh đến cơ sở đã vận dụng sáng tạo vào thực tế với nhiều cách làm hay, hoạt động phong phú, thiết thực, nội dung tập trung theo chủ đề từng năm, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trên tất cả các lĩnh vực, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Có nhiều mô hình tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng: mô hình “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Tiết kiệm điện trong sinh hoạt gia đình”; “Tiết kiệm điện giúp cho người già neo đơn, trẻ em nghèo”; “Biến rác thải thành tiền tiết kiệm”; mô hình 3 tốt “tiết kiệm tốt, tương trợ tốt, nuôi dạy con tốt”, tổ phụ nữ Kinh - Hoa - Khmer giúp nhau phát triển kinh tế gia đình…
Trên tinh thần Di nguyện của Người mong muốn là Đảng, Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo; tại Hậu Giang, các cấp ủy, chính quyền có sự quan tâm nhiều, thời gian tới, Tỉnh hội sẽ quan tâm kiện toàn, nâng chất và bà có những đề xuất gì thêm?
- Thật sự các cấp ủy, chính quyền có sự quan tâm rất nhiều đối với phụ nữ Hậu Giang; và thời gian tới tôi có đề xuất thêm như sau:
Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác hội và phong trào phụ nữ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng; phối hợp chặt chẽ của ngành chức năng với Hội trong triển khai thực hiện nhiệm vụ để công tác hội và phong trào phụ nữ ngày càng phát triển, hoạt động hiệu quả.
Tôi mong muốn các cấp hội LHPN tỉnh nhà tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào phụ nữ địa phương, nghiên cứu những cách làm mới, hiệu quả để hỗ trợ hội viên, phụ nữ một cách thực chất, tạo sức lan tỏa, đồng thuận trong cộng đồng.
Cán bộ, hội viên, phụ nữ phải luôn luôn hăng hái, tiếp tục tích cực tham gia tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động của Hội, chính quyền, địa phương; tự bản thân của phụ nữ phải vượt lên chính mình để ngày càng tự khẳng định bản thân trong gia đình và xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Thời gian qua, Tỉnh hội đã xây dựng các chương trình/kế hoạch cụ thể tham mưu cấp ủy, chính quyền để lãnh đạo, chỉ đạo tạo bước chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Kết quả, cấp ủy hiện tại, tỷ lệ nữ cấp ủy cấp tỉnh đạt 20%, tăng 8,7% so nhiệm kỳ 2005-2010; cấp huyện 15,64%, tăng 3,24% và cấp xã 21,74%, tăng 13,08% so nhiệm kỳ 2005-2010. Về đại biểu dân cử hiện tại, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV 33,33%, tăng 16,67% so nhiệm kỳ 2011-2016; nữ HĐND tỉnh đạt 30%, tăng 16% so nhiệm kỳ 2011-2016; cấp huyện đạt 24,9%, tăng 8,96% và cấp xã đạt 26,24%, tăng 10,24% so nhiệm kỳ 2011-2016. |