Phụ nữ hướng tới mô hình nông sản sạch

10/08/2016
Sản xuất nông sản sạch, tự trồng rau, chăn nuôi để cung cấp thực phẩm cho gia đình, kinh doanh phát triển kinh tế là mô hình hiện được Hội LHPN nhiều cơ sở quan tâm, hướng dẫn hội viên phụ nữ làm.

Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn: Mô hình sản xuất sản phẩm nông sản sạch của Hội LHPN xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm) đã góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, phụ nữ. Trong đó có mô hình trồng bí xanh, chăn nuôi lợn tại 02 chi hội Bản Nghè và Lủng Phặc được triển khai từ tháng 6/2013 với sự tham gia của 12 hộ gia đình tại 02 thôn. Mỗi hộ tham gia mô hình dành từ 200 - 500 m2đất ruộng để trồng bí xanh và nuôi từ 5 con lợn thịt trở  lên... Các hộ được tập huấn khoa học kỹ thuật và được tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình ở các địa phương khác. Từ mô hình, thu nhập của các hộ gia đình tương đối ổn định, trung bình mỗi hộ đạt trên 50 triệu đồng/năm. Để giúp nhau về giống, vốn, các hộ đã tiết kiệm từ 100.000 đến 200.000 đồng/tháng cho các thành viên có nhu cầu vay. Điển hình như gia đình chị Bàn Thị Hòa - chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Lủng Phặc, sau khi tham gia mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, thu nhập của gia đình chị hàng năm đạt trên 200 triệu đồng. Có nguồn thu ổn định, gia đình chị đã xây được nhà mới, mua sắm được nhiều đồ dùng, tiện nghi phục vụ sinh hoạt, sản xuất, bảo đảm việc chu cấp cho con ăn học. Bên cạnh đó, chị Hòa còn cho 3 hội viên trong chi hội vay vốn không tính lãi với số tiền là 20 triệu đồng. Đồng thời chị Hòa luôn tích cực chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hướng dẫn chị em trong chi hội cùng phát triển kinh tế gia đình. Để tạo điều kiện, hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình sản xuất nông sản sạch, hàng năm Hội Phụ nữ xã Cổ Linh còn thực hiện tốt việc nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho chị em vay vốn để phát triển kinh tế. Đến nay số vốn do Hội đang quản lý là hơn 7,5 tỷ đồng với 245 hội viên được vay; thực hiện mô hình tiết kiệm tại các chi hội với hình thức đóng góp 5.000 đồng/người/tháng để tạo nguồn vốn vay tại chỗ, giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 95 triệu đồng. Nhiều chị em sau khi được tuyên truyền, học tập đã mạnh dạn đứng ra vay vốn đầu tư, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống điển hình như: Mô hình trồng rau an toàn và chăn nuôi lợn đen của chị Triệu Thị Nhớ - Chi hội phụ nữ Lủng phặc, Chị Lường Thị Biên chi hội phụ nữ Bản Sáng; mô hình trồng bí xanh kết hợp chăn nuôi của chị Lường Thị Điềm, Lê Thị Phiên, Mã Thị Thoa Chi hội phụ nữ Bản Nghè… Các mô hình trên đã cho thu nhập bình quân hàng năm trên 80 triệu đồng. Từ năm 2013 - 2015, Hội đã giúp được 95/ 339 hộ hội viên nghèo, trong đó có 8 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng: Mô hình rau xanh “quanh bếp, quanh vườn”. Hai năm trở lại đây, những ngôi nhà nhỏ ở huyện Đam Rông được bao quanh bởi màu xanh tươi tốt của rau, củ thay vì cỏ dại và theo đó, bữa ăn của các gia đình cũng được cải thiện đáng kể nhờ nguồn thực phẩm tự túc.

 Ảnh minh họa

  Các khoảng đất trống được tận dụng để trồng rau, nuôi gà.


Đó chính là hiệu quả mà mô hình “Quanh bếp, quanh vườn” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông khởi xướng mang lại. Tận dụng một khoảng đất nhỏ sau nhà, chị Thu An, thôn Bobla, xã Phi Liêng đã có thể trồng nhiều loại rau yêu thích của gia đình, từ rau lang, đậu đũa, bầu, bí,… đến cả cây ăn quả như xoài, đu đủ,… Bên cạnh vườn rau nhỏ, chị còn nuôi thêm gà, vịt. Bữa ăn trong gia đình chị vì thế mà phong phú và chất lượng hơn. Chị cho biết: “Trước đây, mình phải đi mua thức ăn ở xa mà lại đắt. Từ khi được tập huấn về mô hình, được chị em hướng dẫn tự trồng cây, nuôi gà, bữa ăn của nhà mình chủ động hơn mà vẫn đầy đủ chất. Từ khi áp dụng mô hình này, mình cũng tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể để làm việc khác”. Cũng giống như chị Thu An, gia đình chị Nguyễn Thị Hoài ở thôn Liên Hương, xã Đạ Rsal từ 2 năm nay đã không còn nỗi lo lắng về thức ăn mỗi mùa mưa đến. Bởi giờ đây, cho dù mùa mưa hay nắng, khu vườn của gia đình chị vẫn luôn tươi tốt những rau cải, bầu bí. Bên cạnh đó, chị Hoài còn có một hồ cá nhỏ, giúp chủ động thức ăn bất cứ lúc nào. Không những đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho gia đình, thỉnh thoảng, chị Hoài còn có thể mang rau, củ trồng được đi bán, góp thêm phần nhỏ vào thu nhập của gia đình.

 

Hứa Đẹp, Lâm Đồng (KT)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video