Phụ nữ Quảng Bình đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp
Phụ nữ Quảng Trạch:
Nghị quyết Đại hội Phụ nữ huyện Quảng Trạch nhiệm kỳ 2011-2016 được triển khai và hoàn thành tốt đẹp. Nhiều phong trào thi đua thiết thực để phát triển kinh tế như các phong trào: “Phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” với nhiều mô hình kinh tế được phát triển và nhân rộng như: mô hình trồng rau sạch, V-A-C, lúa giống, nuôi tôm, cá, ếch, ươm cây giống, chế biến nông sản, thủy sản, trồng rừng, chăn nuôi bò... đã giúp phụ nữ Quảng Trạch không ngừng nỗ lực vươn lên, làm kinh tế, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hội viên phụ nữ huyện tích cực tham gia phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương” gắn với “Xây dựng nhà ở cho hộ nghèo”. Mỗi chi hội, tổ phụ nữ nhận giúp từ 1 đến 2 hộ nghèo thoát nghèo, trong đó chú trọng đến các hộ có khả năng thoát nghèo bền vững, đồng thời giúp đỡ các hộ đã thoát nghèo, không bị tái nghèo; vận động chị em giúp nhau kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, giúp giống vật nuôi, cây trồng, vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Kết quả, 5 năm qua, đã có 3.610 hộ nghèo được giúp đỡ (trong đó có 2.751 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ) có 1.551 hộ thoát nghèo (trong đó có 759 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ), đóng góp xây dựng 25 mái ấm tình thương và tu sửa 18 nhà sau bão lụt, lốc xoáy trị giá 500 triệu đồng. Năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo huyện là 10,83%, đến năm 2015 giảm xuống còn 6,83%. Các cấp Hội Phụ nữ huyện Quảng Trạch đã cụ thể hoá các nội dung 8 tiêu chí “5 không, 3 sạch” gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhờ vậy, tỷ lệ bình quân hộ gia đình đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động năm 2015 là 17.656/21.373 hộ gia đình có hội viên, đạt tỷ lệ 82%, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới với 4 xã đạt 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2015. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào “Phụ nữ Quảng Bình nhớ ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp’’, qua 5 năm đã tiết kiệm được hơn 2,905 tỷ đồng để giúp đỡ gia đình chính sách, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn... Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, tập trung giúp đỡ các chi hội, tổ phụ nữ còn khó khăn, đa dạng hóa mô hình tập hợp, thu hút hội viên đặc thù, nhờ đó, tỷ lệ thu hút hội viên cuối nhiệm kỳ đạt 89,76%.
Phụ nữ Bố Trạch: Xác định việc nâng cao chất lượng tổ chức Hội và đội ngũ cán bộ Hội cơ sở là khâu đột phá, là nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Hội vững mạnh, Hội LHPN huyện Bố Trạch luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Hội từ tổ trở lên, tổ chức nhiều hội thi, hội thảo, giao lưu, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm... góp phần nâng cao kiến thức, năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ Hội. Kết quả bình xét danh hiệu cán bộ Hội giỏi cấp cơ sở 5 năm liên tục có 422 chị đạt. Hội LHPN huyện Bố Trạch chăm lo cho hội viên, phụ nữ nghèo
Để nâng cao chất lượng hoạt động Hội ở cơ sở, các cấp Hội tăng cường công tác kiểm tra định kỳ hằng năm, tập trung hướng về cơ sở, quan tâm giúp đỡ các xã vùng dân tộc, thiểu số vùng đồng bào có đạo, những địa bàn khó khăn; tích cực tham gia sinh hoạt chi hội để khảo sát, đánh giá rút kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động. Đến nay, toàn huyện có 295 chi hội, không có thôn, bản trắng chi hội phụ nữ. Qua phân loại hàng năm, trung bình có 83,9% đơn vị xuất sắc, nhiều cơ sở Hội nhiều năm liền giữ vững đơn vị vững mạnh xuất sắc, được Trung ương Hội tặng bằng khen. Các cấp Hội đã triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”... Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đã vận động gia đình hội viên hiến đất, vườn, hàng rào, đóng góp kinh phí, ngày công làm đường giao thông nông thôn; triển khai mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản”; tiếp nhận duy tu và bảo dưỡng các đoạn đường; chỉ đạo thực hiện các mô hình điểm “Mỗi hố rác, một cây xanh”, “Phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Sạch đường tốt vườn”... và nhân rộng trên địa bàn toàn huyện, qua đó góp phần cùng địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.