Phụ nữ và nỗi ám ảnh ung thư cổ tử cung - Bài 1: Tiếc nuối mang tên "giá như"

27/10/2024
Ảnh hưởng tới công việc, sức khỏe, mất khả năng sinh con, bị cướp đi sự sống… - đó là những hậu quả nặng nề của căn bệnh ung thư cổ tử cung (UTCTC) đối với phụ nữ. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có 14 phụ nữ mắc, 7 người tử vong do UTCTC. Tuy nhiên, nếu có giải pháp phòng ngừa, phụ nữ có thể giảm thiểu nguy cơ, thậm chí có thể thanh toán UTCTC.
Quy trình tầm soát tầm soát ung thư cổ tử cung đơn giản, dễ thực hiện.

Hối hận muộn màng

Do công việc bận rộn, thường xuyên đi công tác lại thấy sức khỏe luôn ổn định nên chị Lê Hoàng Mai (35 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) không để tâm nhiều đến thăm khám định kỳ. Ngay cả việc những đợt cơ quan tổ chức cho cán bộ, nhân viên khám sức khỏe, chị Mai cũng không đi.

Năm 2021, thấy mình thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt, đau bụng, ra máu bất thường nhưng chị vẫn bỏ qua, tự an ủi rằng do thay đổi thời tiết, lịch làm việc quá sức nên mới sinh ra những vấn đề như vậy. Đến khi những cơn đau bụng ngày một nhiều, chị mới nghe lời khuyên của đồng nghiệp "đi khám thử xem sao".

Thật bất ngờ, kết quả khám của chị được bác sĩ cho biết là "UTCTC giai đoạn muộn". Ngay lập tức chị phải nhập viện để mổ cấp cứu, cắt toàn bộ tử cung và 2 bên buồng trứng. Mặc dù chị đã được thực hiện nạo vét hết các hạch trong ổ bụng nhưng chỉ số tế bào ung thư vẫn ở mức cao, cảnh báo nguy cơ tái phát và di căn…

Quá đột ngột và bất ngờ, chị Mai gần như không chống đỡ nổi "cú sốc" và suy sụp tinh thần. Từ một phụ nữ khỏe mạnh, nặng hơn 50kg, chị sụt xuống chỉ còn 38kg. Trong suy nghĩ của mình, chị không ngừng tự trách bản thân đã bỏ qua những kỳ khám sàng lọc và không đi khám thường xuyên cũng như các dấu hiệu cảnh báo.

Không chỉ những phụ nữ đã có chồng và sinh con, mà nhóm nhạy cảm nhất khi mắc UTCTC chính là những phụ nữ chưa kết hôn, chưa sinh con. UTCTC chẳng khác nào một vực sâu đứng chắn trước tương lai của họ.

Chị Hoàng Thị Nhung (26 tuổi, ở Lào Cai) chia sẻ, 8 tháng trước khi được công ty cho khám sàng lọc, tầm soát UTCTC, chị phát hiện nhiễm HPV (một loại virus gây u nhú ở người), bác sĩ cũng khuyên chị nên sớm điều trị và theo dõi thường xuyên. 

Thế nhưng chị đã "quên" mất việc này. 8 tháng sau, chị mới đến bệnh viện khám lại và bất ngờ thay, chị bị UTCTC giai đoạn xâm lấn. Chị Nhung chỉ có lựa chọn là cắt bỏ tử cung hoặc cắt bỏ cổ tử cung, giữ lại tử cung để mang thai nhưng sẽ có nguy cơ sinh non.

Bác sĩ CK II Vũ Công Khanh (Phụ trách khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai) đang thăm khám cho bệnh nhân UTCTC

Chị Nhung cho biết mình mới làm lễ ăn hỏi với bạn trai, dự định cuối năm sẽ làm lễ cưới. Căn bệnh này sẽ khiến cuộc sống và dự định tương lai của chị bị đảo lộn. Chị không biết có nên tiếp tục kết hôn để làm "gánh nợ" cho chồng và gia đình chồng hay là hủy bỏ hôn lễ và từ bỏ người mình yêu thương. Đối với chị Nhung lúc này chỉ còn là sự nuối tiếc với những lời từ sâu thẳm mang tên "giá như".

Tương lai mờ mịt sau chuỗi ngày phẫu thuật, xạ trị

Theo thống kê, ở Việt Nam, số phụ nữ tuổi từ 30 - 49 (độ tuổi dễ mắc UTCTC nhất) được khám sàng lọc UTCTC mới chỉ đạt 28%. Điều đó cho thấy có tới hơn 2/3 phụ nữ diện có nguy cơ cao mắc UTCTC không có cơ hội nhận biết sớm dấu hiệu mắc bệnh.

"Giá như tôi không chủ quan thì bây giờ tôi đã không bị mất quyền làm mẹ", đó là câu nói cùng sự buồn bã của chị Hà Thu Thủy (31 tuổi, ở Hòa Bình). Kết hôn muộn, chị Thủy cùng chồng khao khát có con ngay vì bố mẹ hai bên đều trông chờ có cháu nội, ngoại. 

Trước khi có con, chị đã đi khám tổng thể. Bác sĩ ở tuyến huyện thông báo chị có 1 u nang 5cm trong tử cung, tạm thời chưa có gì bất thường, khuyên chị đi kiểm tra định kỳ.

Tâm sự với vài phụ nữ cùng công ty, hầu hết mọi người đều nói u nang lành, không sao, nó sẽ tự tiêu đi, nên chị Thủy chủ quan không đi tái khám. Cho đến 4 tháng sau, chị bị ra máu âm đạo nên mới quay lại bệnh viện kiểm tra. 

Kết quả kiểm tra có virus HPV, bác sĩ tuyến huyện khuyên chị nên đi khám ở tuyến cao hơn. Chị Thủy bèn bắt xe về Hà Nội để khám lại. 

"Tôi bàng hoàng khi có kết quả bị UTCTC giai đoạn 2. Tôi càng choáng váng hơn khi nhớ lại trước đây bà ngoại tôi cũng mất vì căn bệnh này. Mặc dù được bác sĩ động viên nhưng tôi hiểu rằng, để giữ lại tính mạng, tôi phải cắt bỏ toàn bộ tử cung. Tôi đã mất khả năng làm mẹ chỉ vì chủ quan", chị Thủy rơi nước mắt.

Theo lời chị Thủy, thời gian điều trị UTCTC bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị không chỉ khiến chị mệt mỏi, đau đớn mà kèm theo cả nỗi hoảng sợ, thất vọng vì mình không thể làm mẹ. Cùng với đó là những lo lắng bất an khi vì mình mà chồng không có con, tương lai cũng chưa biết thế nào?

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phụ nữ trên 35 tuổi nên đi khám sàng lọc UTCTC. Hiện nay, ở các nước tiên tiến còn khuyến cáo tuổi khám sàng lọc thấp hơn. Bởi lẽ, so với các bệnh ung thư khác thường gặp ở phụ nữ thì UTCTC là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán sớm, khả năng điều trị khỏi bệnh cao. 

Trong khi đó, nếu phát hiện muộn, bệnh tiến triển giai đoạn sau thì điều trị khó khăn, tiên lượng xấu. Tiên lượng bệnh nhân UTCTC phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn 1 trên 90%, giai đoạn 2 từ 60% đến 80%, giai đoạn 3 khoảng 50% và giai đoạn 4 dưới 30%.

Tại Việt Nam, UTCTC là ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ nói chung và phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, sau ung thư vú. Thống kê năm 2020 cho thấy, tỷ lệ mắc theo độ tuổi là 6,6/100.000 phụ nữ. Số ca mắc mới là 4.132 phụ nữ và số ca tử vong là 2.223 phụ nữ. Nếu không có bất kỳ can thiệp nào, ước tính khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do UTCTC vào năm 2070.

Nguồn: Bộ Y tế

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

Video