Phụ nữ xã Nghĩa Đồng, Nam Định phát triển nghề đan cói xuất khẩu
Xã Nghĩa Đồng có 5.658 người lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ làm nông nghiệp chiếm khoảng 71%, thu nhập bình quân từ nghề nông của người dân xã Nghĩa Đồng là 18 triệu đồng/người/năm.
Theo báo cáo năm 2015 của UBND xã, xã Nghĩa Đồng có trên 1.900 lao động thiếu việc làm, trong đó lao động nữ khoảng 1.000. Xu hướng chung của người lao động, nhất là lao động nữ từ 18-35 tuổi là tham gia lao động sản xuất trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất may, giầy da, điện tử...Tuy nhiên, số lượng lao động nữ từ 45 tuổi trở lên tại đây là một lực lượng khá lớn, tỷ lệ thất nghiệp của số lao động nữ ở độ tuổi này ngày càng cao, đòi hỏi cần phải có biện pháp giải quyết việc làm hợp lý để lao động nữ từ 45 tuổi được tiếp tục tham gia lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Trước thực tế trên, tỉnh Nam Định đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề trong đó có công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề nông thôn... Hội Phụ nữ xã Nghĩa Đồng cũng đã nghiên cứu, tham mưu với Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng và cấp ủy Đảng, chính quyền xã kế hoạch đưa nghề phụ về địa phương dạy nghề cho lao động nữ từ 45 tuổi trở lên. Hội LHPN xã đã tổ chức cho 10 lao động nữ học nghề đan cói xuất khẩu tại doanh nghiệp Ánh Túy (xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng); đồng thời tuyên truyền, vận động phụ nữ trên địa bàn tham gia học nghề đan cói xuất khẩu. Sau khi học nghề đan thành thạo 2 sản phẩm đan quai bị và đan ró, các chị được đi học lại trực tiếp dạy lại nghề cho hội viên phụ nữ trong xã, từ đó đã có nhiều chị em biết nghề, có thể tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Để tạo sự liên kết giữa người sản xuất và bao tiêu sản phẩm yêu cầu đòi hỏi phải có mô hình phù hợp. Năm 2015, UBND xã phối hợp với Hội LHPN xã thành lập mô hình “Tổ phụ nữ với nghề đan cói xuất khẩu” nhằm hướng dẫn phụ nữ học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em, đã thu hút 100 hội viên phụ nữ từ 45 đến 55 tuổi tham gia. Mô hình đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, cơ sở thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất như: hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn; phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ vay vốn; người khuyết tật, hộ nghèo, các đối tượng chính sách…được hỗ trợ chi phí đi lại theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tại hội nghị triển khai nghề đan cói xuất khẩu xã Nghĩa Đồng giai đoạn (2016-2021), đồng chí Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã tặng mô hình“Tổ phụ nữ đan cói xuất khẩu” số tiền 50 triệu đồng để hỗ trợ chị em mua máy ép cói phục vụ sản xuất.
Để bao tiêu sản phẩm đầu ra, cơ sở sản xuất Ánh Túy đã dạy nghề cho hội viên phụ nữ đồng thời chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm, tạo uy tín cho sản phẩm, giúp các thành viên yên tâm phát triển sản xuất, ngoài ra còn mở rộng liên kết hợp tác với các công ty trong tỉnh tạo mối liên kết phát triển bền vững. Sau khi mô hình được thành lập, Hội LHPN xã Nghĩa Đồng tiếp tục phối hợp với trung tâm dạy nghề huyện Trực Ninh mở 2 lớp với sự tham gia của 70 học viên. Hiện nay chị em đã học xong nghề và đã có sản phẩm đạt chất lượng với thu nhập cao nhất là 70.000đ/người/ngày.
Mô hình được nhân rộng đã tạo việc làm cho nhiều lao động nữ, nhất là phụ nữ từ 45 tuổi trở lên, phục vụ xuất khẩu góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và thực hiện tốt nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường” của Hội LHPN, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp.
Trong thời gian tới Hội LHPN xã Nghĩa Đồng tích cực phối hợp với các ngành mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền vận động các gia đình hội viên phụ nữ tham gia học nghề tạo việc làm, phấn đấu năm 2016 có 200 lao động tham gia và hướng tới năm 2020 giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng và có khả năng thu nhập cao hơn, tăng 4-5 lần so với trồng lúa.